Với diện tích trồng nhãn trải dài khắp cả xã cùng với những khu vực lân cận, nên khi vào mùa, tại xã Minh Tân có rất nhiều trại ong. Chỉ tính tại thôn Tần Tiến cũng có khoảng 70 trại.
Những năm gần đây, việc nuôi ong lấy mật đã mang tới cho người dân trong xã một nguồn thu không nhỏ. Vào mùa, mỗi hộ cũng có thể thu về hàng trăm triệu đồng. Mật ong tiêu thụ khá dễ, một phần nhỏ được bán cho người dân địa phương, phần lớn còn lại được thương lái tới thu mua.
Có gần 40 năm gắn bó với nghề nuôi ong, vụ này ông Trần Trung Khu (xã Minh Tân,huyện Phù Cừ, Hưng Yên) thu được lợi nhuận lớn. Khoảng 300 đàn ong được ông di chuyển từ trong Đắk Lắk về đã nhanh chóng thích ứng với môi trường mới.
Năm ngoái, nhãn chỉ ra lộc mà không có mấy hoa nên đa phần chủ ong phải di chuyển sang tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Thanh Hóa... để khai thác mật hoa dại. Còn năm nay ngay tại Hưng Yên, nhiều loài cây cùng trổ hoa, bung nở. Ước tính, đến nay mới chỉ thu hoạch đầu mùa nhưng ông Khu đã thu khoảng 1.600 lít mật ong nhãn, cao gần gấp đôi so với năm ngoái.
Theo tìm hiểu của phóng viên Dân Việt, ở trong huyện hiện có hơn 70 trại ong như thế này.
Hiện, trại ông Khu có 12 nhân công, trước khi lấy mật ong những người thợ đều mặc áo bảo hộ, đốt khói để cho đàn ong hiền đi.
Một người thợ đang giũ ong để lấy khay mật.
Mỗi thùng ong nằm cách nhau chừng 1m, ngay hàng thẳng lối giữa vườn nhãn
Trong vòng một tuần, anh Hợp thu hơn 1.000 lít mật. Sở dĩ lượng sản phẩm nhiều như vậy là do ong ngoại cho năng suất cao. Giá bán mật ong loại này chỉ bằng một nửa so với mật ong nội, khoảng 100.000 - 110.000 đồng/lít tại vườn.
Với người nuôi ong, cuộc sống nay đây mai đó đã trở nên thân thuộc bởi như vậy mới giảm chi phí đầu vào và tăng hiệu quả kinh tế, không phải đầu tư thức ăn cho ong. Ngoài 50 tuổi, thời gian ông Lợi ở nhà chẳng được là bao. Một năm có 4 mùa thì chỉ có khoảng 40 - 50 ngày trong mùa xuân ông mới ở quê khai thác mật vải, còn lại là hành trình đưa ong theo những mùa hoa ở khắp các tỉnh phía Bắc lấy mật.
Quan sát hoa vải, hoa bưởi nở trắng, ông Khu nói: “Khoảng nửa tháng nữa sẽ hết chu kỳ khai thác mật tại Hưng Yên, tôi lại đưa ong về một số tỉnh đồng bằng lấy mật hoa của cây sú, vẹt, hoa dại”.
Vừa cẩn thận rót mật ong vào từng can, ông Khu vừa nhẩm tính vụ này thu được hơn 400 triệu đồng.
Một người thợ cho biết: Dù lấy mật ong vất vả, bị đốt sưng mấy ngày nhưng cho thu nhập tốt từ 400.000 - 500.000 đồng/ngày và cũng chỉ lấy theo mùa vụ nên cũng cố gắng.
Nhiều người dân đến mua mật ngay tại vườn.
Hiện nay, điều lo ngại nhất của những người nuôi ong là tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật. Thực tế, sau mỗi mùa hoa không ít đàn ong bị chết do “dính” thuốc. "Để bảo vệ sản xuất, người nuôi ong phải khảo sát kỹ địa hình, lượng hoa trước khi đưa ong đến khai thác mật", ông Khu nói.