Dân Việt

1969 và sự cố khiến tranh Mỹ-Triều suýt bùng nổ

PV 01/04/2018 12:30 GMT+7
Sau khi máy bay Mỹ bất ngờ bị Triều Tiên bắn hạ, Lầu Năm Góc xây dựng vài phương án trả đũa, có thể làm tái diễn chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.

Ngày 15.4.1969 đánh dấu một trong các ngày thương vong nhiều nhất về phía Mỹ ở khu vực châu Á. Một máy bay trinh sát của không quân Mỹ bị bắn rơi ở ngoài khơi Triều Tiên mà không hề có dấu hiệu bị khiêu khích trước đó. Ba mươi mốt quân nhân Mỹ thiệt mạng trong vụ bắn hạ này.

img

Máy bay chiến đấu MiG-17. Ảnh: War Thunder.

Bất chấp các lời kêu gọi từ phía Quốc hội Mỹ về việc trả thù cho các quân nhân Mỹ, Tổng thống Mỹ khi ấy là Richard M. Nixon cuối cùng đã quyết định không trả đũa. Tuy nhiên trên bàn của ông khi đó đã có sẵn rất nhiều phương án đáp trả.

Bắn rơi máy bay trinh sát Mỹ

Vào sáng 15.4.1969, một chiếc máy bay WV-2 của hải quân Mỹ, sử dụng danh hiệu liên lạc “Deep Sea 129” cất cánh từ Atsugi, Nhật Bản, và bay về phía bờ biển Triều Tiên.

Phi cơ bay theo hình e líp theo chiều kim đồng hồ qua biển Nhật Bản, thu thập tình báo tín hiệu cho quá trình phân tích sau đó. Khi ấy binh sĩ Triều Tiên đã tham gia nhiều cuộc đụng độ ở biên giới và Mỹ muốn biết trước liệu Triều Tiên có ý định mở một cuộc tấn công bất ngờ hay không.

Radar Mỹ ở Hàn Quốc sau đó phát hiện 2 chiến đấu cơ MiG-17 của không quân Triều Tiên cất cánh từ sân bay của họ. Radar Mỹ sau khi mất tín hiệu của máy bay Triều Tiên đã lại bắt được tín hiệu và nhận thấy chúng đang đi theo hành trình đánh chặn máy bay “Deep Sea 129”. Ngay sau đó, chiếc vận tải cơ cùng với 31 quân nhân của hải quân và thủy quân lục chiến Mỹ trong khoang đã biến mất khỏi màn hình radar.

Mỹ và Liên Xô đã gửi tàu chiến tới khu vực này để hỗ trợ việc tìm kiếm. Kết quả, họ tìm thấy 2 thi thể và một số mảnh vỡ máy bay. Phản ứng từ Quốc hội Mỹ lúc đó rất dữ dội. Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ Mendel Rivers hét lên: “Chỉ có một câu trả lời duy nhất từ phía Mỹ: trả đũa, trả đũa và trả đũa!”.

Rivers yêu cầu, “Nếu cần vũ khí hạt nhân thì hãy dùng vũ khí hạt nhân”.

Lầu Năm Góc đã vạch ra một số phương án quân sự cứng rắn và trình lên Tổng thống Mỹ cùng Hội đồng An ninh Quốc gia của ông này.

Phương án 1

Một trong các phương án có sẵn để Nhà Trắng áp dụng là tấn công các sân bay quân sự ở Triều Tiên, với mục tiêu phá vỡ “thế quân sự của Triều Tiên và giáng đòn trừng phạt xuống ban lãnh đạo Triều Tiên vì đã bắn hạ máy bay Mỹ”.

Khi ấy bốn tàu sân bay là Enterprise, Kitty Hawk, Ranger và Hornet sẵn sàng triển khai trong thời gian 48-72 tiếng đồng hồ. Ngoài ra còn có máy bay chiến thuật sẵn sàng xuất kích từ Okinawa (Nhật), Hàn Quốc và đảo Guam.

Trong các mục tiêu, căn cứ không quân Wonsn nổi bật hẳn lên vì các máy bay MiG của Triều Tiên có thể đã xuất kích từ đó để bắn hạ máy bay Mỹ

Phương án 2

Một phương án trả đũa khác mang mật danh Fractured Pine. Trong phương án này, 2 tàu tuần dương Mỹ được trang bị tên lửa đất đối không Talos sẽ chiếm lĩnh vị trí ở ngoài khơi Triều Tiên, gần với các sân bay quân sự Wonsan và Sodong-Ni, rồi bắn hạ các máy bay Triều Tiên cất cánh từ đây. Các tên lửa Talos được từng được Mỹ sử dụng để tấn công máy bay Việt Nam trong Chiến tranh Việt Nam.

Các tuần dương hạm này cùng các khu trục hạm hộ tống sẽ khép vòng vây quanh bờ biển Triều Tiên vào ban đêm và chuẩn bị bắn hạ các chiến đấu cơ cất cánh từ các căn cứ Triều Tiên vào sáng sớm.

Phương án này được Mỹ xem là có rủi ro thấp, nhưng các nhà hoạch định Mỹ đánh giá phương án này sẽ khiến Triều Tiên trả đũa theo những cách khó dự đoán.

Phương án 3

Một trong các phương án nổi bật nhất là sử dụng máy bay ném bom chiến lược B-52 để tấn công các mục tiêu quân sự của Triều Tiên. Mười hai cho đến 24 oanh tạc cơ B-52 đóng trên đảo Guam sẽ bay đêm để ném bom Triều Tiên. Mỗi chiếc B-52 này sẽ chở 108 trái bom.

Phi cơ sẽ được tiếp nhiên liệu trên không bằng các máy bay đóng trên đảo Okinawa (Nhật Bản). Các máy bay này mất 6 tiếng đồng hồ để tới mục tiêu. Tuy nhiên, các nhà hoạch định Mỹ nhận thấy sự hiện diện của máy bay B-52 ở sát biên giới Liên Xô có thể gây ra phản ứng bất lợi.

Phương án 4

Cuối cùng, có bằng chứng cho thấy Mỹ đã đặt lực lượng hạt nhân trong khu vực trong tình trạng báo động trong vụ khủng hoảng này.

Sau sự cố chiến hạm Mỹ USS Pueblo, quân đội Mỹ đã xây dựng một phương án hạt nhân dự phòng, có mật danh là Freedom Drop, với nội dung sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật để chống lại Triều Tiên.

Các máy bay F-4D Phantom II của không quân Mỹ ở căn cứ Kunsan, Hàn Quốc, đã được trang bị bom hạt nhân B61. Bốn chiếc F-4D đã được đặt trong tình trạng báo động 24/24 để sẵn sàng tấn công các mục tiêu ở Triều Tiên. Một phi công làm nhiệm vụ ở Kunsan cho biết anh ta được thông báo chuẩn bị tấn công mục tiêu là một sân bay ở Triều Tiên. Viên phi công đã ở bên máy bay vài tiếng đồng hồ cho tới khi được lệnh ngưng trực chiến.

Cuối cùng chính quyền Nixon quyết định tránh trả đũa. Lý do là họ sợ leo thang căng thẳng ở Triều Tiên trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh và Chiến tranh Việt Nam đang diễn ra.

Tổng thống Mỹ Nixon đã quyết định tiếp tục các chuyến bay trinh sát trong khu vực, nhưng lúc này có thêm máy bay hộ tống để tránh nguy cơ bị bắn hạ. Điều này cho thấy Mỹ quyết tâm cưỡng lại ý định mở một cuộc tấn công vào Triều Tiên trong khi vẫn duy trì việc thu thập thông tin tình báo.