Dân Việt

Trước trận Indonesia - Việt Nam: Được tung hô mà... rợn người

19/11/2011 06:14 GMT+7
(Dân Việt) - Muốn biết cảnh 100.000 CĐV Indonesia “uy hiếp” nhóm nhỏ CĐV Việt Nam thế nào thì chỉ cần dạo quanh các quầy vé, CĐV Việt Nam đã cảm nhận đủ sức nóng khủng khiếp của núi lửa Bung Karno.

“Núi lửa” Bung Karno

Phóng viên có thẻ tác nghiệp tại SEA Games thì “tất lẽ dĩ ngẫu” là không phải mua vé vào sân. Thế nhưng hầu như phóng viên nào cũng bị các CĐV bên nhà sang nhờ mua vé hộ. Ai cũng bảo: Các chú quen thuộc hơn, chúng tôi mua vé lại sợ phe vé nó “chăn”. Đúng là tư duy Việt Nam!

img
Các cầu thủ Indonesia là đối thủ khó chơi nhất của VN kể từ đầu giải đấu .

Bên nước bạn, phe vé có thể nói là hết đất sống. Mỗi CĐV được mua tối đa 2 vé. Mà cũng chưa phải là vé, nó chỉ là tíc - kê để hôm sau đến nhận vé. Vé được phát ra ngay trước khi vào sân chứ không bán sớm. Việc này để tránh nạn vé giả. Vì thế muốn có vé vào xem thì buộc phải xếp hàng. Và xếp hàng tranh vé với gần 100.000 CĐV nước bạn thì đúng là… hết vía.

Những người xếp hàng chờ mua vé tại các quầy vé chia làm 4 loại và hai thái cực: 3 đội CĐV của Việt Nam, Malaysia, Myanmar gồm một nhúm người rụt rè, bẽn lẽn. Đội CĐV còn lại thì máu lửa và hùng hồn vừa xếp hàng chờ, vừa hô váng đầu: Indonesia… Indonesia. Cứ gào mỗi thế mà chả cần phải thêm thắt từ “vô địch” hay “tiến lên” là đã khiến người ta khiếp vía rồi.

Chính vì chia làm hai loại nên những ông tóc đen, mũi tẹt nào đó đến quầy vé, chìa tiền ra và hoa chân múa tay ra hiệu là nhận được sự quan tâm đặc biệt của đám đông xung quanh. Và cái cách đối xử với “quân địch” của các CĐV đội bạn cũng chia ra nhiều cung bậc.

Nói không ngoa thì có lẽ CĐV Việt Nam được ưu ái hơn cả. Khi biết tôi là người Việt Nam, lúc cầm vé trở ra, tôi nhận được dễ cũng đến hàng trăm cái vỗ lưng (đạo Hồi kiêng vỗ vai, xoa đầu) cùng lời khen ngợi: “Việt Nam – Lào, Việt Nam very good”. Chắc bạn khen ngợi cuộc lội ngược dòng của U23 Việt Nam trước Lào trong trận đấu trước.

Bạn khen ngợi mình thế nhưng tôi cũng toát mồ hôi hột bởi một cái vỗ lưng thì thấy thích, hai cái thấy êm êm, ba cái đã thấy tê tê, đến cái thứ tư trở đi thì đau chứ không chơi.

“Buông súng” trên chiến trường Bung Karno

Mà đau và hoảng thật sự khi bắt đầu bị cái vỗ lưng thứ 100 trở đi, may quá, đến cái 112 thì đội CĐV Indonesia đã có “món nhắm” mới: Tự nhiên lại có một ông Malaysia mò đến quầy vé. Có lẽ tay CĐV ấy là hậu duệ của cướp biển Mã Lai nên mới cứng vía thế chứ phải tôi thì đã ngất xỉu lâu rồi: Hàng nghìn người giơ “ngón tay thối” lên chỉ vào CĐV tội nghiệp kia mà: “Ê… ê … Malaysia… bus, Malaysia… bus”.

CĐV ta lép về trước CĐV bạn là điều không phải bàn cãi. Chúng ta chỉ có thể hy vọng rằng trên sân vận động Bung Karno, U23 Việt Nam sẽ đòi lại công bằng cho các CĐV bằng một chiến thắng.

Có lẽ họ chế giễu CĐV kia về lối chơi “bẩn” của đội Malaysia, xếp cả chiếc “xe bus” trước khung thành trong trận đấu vừa qua, mà trận đấu ấy, đội Indonesia lại thua mới đau chứ.

Tạm biệt mấy chiếc trống gõ “tùng cắc” của Việt Nam, xin chào mấy chiếc kèn mồm kêu “toe, toe” của Malaysia. Hôm nay đừng anh nào hy vọng những âm thanh đặc trưng của CĐV đội mình có thể “cất lên” trên miệng núi lửa Bung Karno.

Chả hiểu các bạn Indonesia kiếm đâu ra mấy dàn kèn hơi kinh khủng khiếp đến vậy. Ở tận trung tâm báo chí, ngồi trong phòng kính lại cách sân Bung Karno đến hơn 1km mà nghe rõ cứ mồn một. Nếu muốn có một hình dung cụ thể về tiếng kèn này thì mời những người Hà Nội sang bên đường 5 ở Gia Lâm, lúc chập tối khi từng đoàn xe container đồng loạt nhấn còi, đại khái tiếng của dàn kèn hơi cũng na ná như vậy.