Chi phí trung gian quá lớn
Trước đó, sáng 18.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật giá. Theo ĐB Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ): “Trong thực tế sản xuất rất nhiều mặt hàng nông sản, người sản xuất không có quyền thực chất về định giá. Người mua (doanh nghiệp, tư thương) là người xác định giá chứ không phải mua theo giá của người sản xuất định”.
Các ĐBQH cho rằng, đang có tình trạng buông lỏng trong quản lý giá. |
ĐB Phương nói: “Hầu hết các sản phẩm nông nghiệp có giá thành đã tiếp cận giá bán, thậm chí bằng hay cao hơn giá bán khi nguyên liệu vật tư đầu vào tăng, nhưng nghịch lý là nông dân vẫn phải sản xuất vì đó là nghề chính, họ không có cơ hội chuyển đổi sang các nghề khác. Vì thế, tôi đề nghị thêm một khoản mới, đó là Nhà nước thực hiện quyền bình ổn giá khung cho một số mặt hàng ngành nông nghiệp”.
Theo ý kiến của nhiều ĐB, một trong những bất cập đối với giá cả hiện nay là sự chênh lệch giá cả hàng hóa từ nơi sản xuất đến nơi tiêu dùng quá lớn. Về vấn đề này, ĐB Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) phát biểu: “Theo tôi, một trong những nguyên nhân thời gian qua chúng ta chưa làm tốt việc bình ổn giá là do chúng ta chưa có một kênh phân phối tốt, nên có quá nhiều trung gian, gây nên sự phân chia lợi nhuận bất hợp lý. Do vậy, cần phải đưa nội dung xây dựng và hoàn thiện kênh phân phối các mặt hàng bình ổn giá vào trong luật”.
“Không đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh”
Tại phiên thảo luận buổi chiều, rất nhiều đại biểu đã đề nghị cần bỏ điều khoản quy định đưa người bán dâm vào cơ sở khám chữa bệnh.
ĐB Nguyễn Minh Kha (Cần Thơ) nói: “Một số ý kiến cho rằng, người bán dâm là sản phẩm của chế độ cũ, không đáng được quan tâm. Theo tôi, đó là quan niệm sai lầm, vì người bán dâm lớn lên trong chế độ của chúng ta, nên phải có biện pháp giải quyết phù hợp. Chúng ta không đưa đối tượng bán dâm vào cơ sở chữa bệnh, mà nên áp dụng như quy định hiện nay, tức chỉ đưa vào cơ sở những người mắc bệnh, nếu không đưa sẽ khó quản lý”.
ĐB Vũ Chí Thực (Quảng Ninh) cũng đồng tình với ý kiến trên và cho rằng: “Không thể đưa gái bán dâm đi chữa bệnh, vì không có nguồn chi phí khám, chữa bệnh”.
Phần lớn các ĐB đều nhất trí rằng, cần bỏ quy định bắt buộc đưa người bán dâm vào cơ sở khám chữa bệnh. ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre) phân tích: “Tòa án đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh, tức là hạn chế quyền tự do, chứ không phải chữa bệnh, nên bỏ điều này là đúng”.
ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) lại có ý kiến khác khi cho rằng: “Các vị ĐB Quốc hội cứ hình dung việc truy bắt, phá các ổ mại dâm rất khó. Khi bắt được lại đưa vào cơ sở khám chữa bệnh, hoặc lại thả ra, làm như thế người dân khó đồng tình. Do đó, đề nghị phải khám chữa bệnh, rồi đào tạo nghề cho họ, tạo cơ chế cho họ có việc làm để quay lại với xã hội”.
ĐB Phạm Minh Tân (Đăk Lăk) cho rằng: “Nếu người bán dâm có bệnh, thì bắt buộc phải đưa đi chữa bệnh để ngăn ngừa truyền nhiễm. Thậm chí, bắt cả người mua dâm đi chữa bệnh để chặn mầm bệnh”.
Một nội dung lớn nữa trong Dự án Luật Xử phạt vi phạm hành chính là việc áp dụng thêm hình phạt buộc lao động công ích. ĐB Hoàng Việt Phương (Tuyên Quang) đồng tình với quan điểm áp dụng những chế tài nghiêm khắc hơn để đảm bảo tính răn đe như thể hiện trong dự thảo luật. Đồng thời, ngoài phạt tiền, ĐB Phương cho rằng, cần phải có thêm những hình phạt bổ sung (chẳng hạn buộc lao động công ích) bởi “có nhiều trường hợp sẵn sàng nộp phạt rồi vi phạm tiếp.
Liên quan đến mức phạt tiền ở nội thành các đô thị lớn, hiện vẫn còn những ý kiến rất khác nhau. ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) không tán thành quy định này và đặt câu hỏi: “Có chắc rằng ở thành phố lớn xử phạt cao hơn thì giao thông đỡ ách tắc, môi trường sạch sẽ hơn không; trong khi lại làm mất đi tính thống nhất trên toàn quốc của pháp luật. Tôi cho là chưa chắc. Vì thế, chưa nên đưa vào luật”.
Lê Hân