Dân Việt

Nông sản an toàn khó chinh phục thị trường

19/11/2011 06:26 GMT+7
(Dân Việt) - Sau hơn 3 năm thực hiện Quyết định 107 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng đến nay tại một số địa phương, những sản phẩm này chưa "chinh phục" được thị trường...

Sản xuất chưa bền vững

Theo Sở NNPTNT Hà Nội, nhu cầu rau xanh bình quân của Hà Nội mỗi năm lên tới hàng triệu tấn, song thực tế sản xuất tại thành phố mới chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu, còn lại 40% phải nhập từ các tỉnh lân cận. Trong đó diện tích RAT mà Hà Nội sản xuất ra mới chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu.

img
Thị trường RAT bấp bênh khiến người sản xuất chưa mặn mà.

Hiện thành phố có 12.041,7ha diện tích trồng rau, nhưng diện tích sản xuất RAT đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận mới chỉ đạt 3.255ha, với sản lượng 227.800 tấn, phân bổ ở 95 vùng trọng điểm thuộc 74 xã. Ngoài ra, rau sản xuất được cấp chứng nhận VietGAP mới có diện tích 115ha, sản lượng khoảng 8.000 tấn. Đặc biệt, rau hữu cơ chỉ có một diện tích rất nhỏ (10,2ha) với sản lượng khoảng 510 tấn.

Ông Nguyễn Văn Chí - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho rằng, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân về RAT, bên cạnh chính sách hỗ trợ của T.Ư và các địa phương, doanh nghiệp tiêu thụ RAT cần liên kết chặt chẽ với người sản xuất, đại diện là nhóm hộ sản xuất, HTX và xác định đây là bộ phận cấu thành, quyết định đến sự thành bại trong kinh doanh của doanh nghiệp.

Tỉnh Bắc Ninh hiện có 263ha RAT theo tiêu chuẩn VietGap, mỗi ngày cung cấp cho thị trường trong tỉnh từ 100- 105 tấn rau sạch các loại. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Trượng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh này cho biết: Do sản xuất của nông dân còn manh mún, nhỏ lẻ nên việc áp dụng quy trình VietGAP ở Bắc Ninh chưa rộng rãi, phần lớn mới dừng lại ở các mô hình. Nhận thức của người tiêu dùng về các sản phẩm của VietGAP còn hạn chế.

Thêm vào đó, áp dụng quy trình VietGAP, người sản xuất phải đầu tư rất tốn kém, tuân thủ các quy định ngặt nghèo, trong khi sản xuất thông thường vẫn tiêu thụ được sản phẩm một cách dễ dàng, nên họ chưa mặn mà với VietGAP. Hơn nữa, mối liên kết giữa người sản xuất với các doanh nghiệp mới chỉ manh nha, chưa tạo được đột phá trong sản xuất RAT.

Theo Bộ NNPTNT, tính đến nay nhiều địa phương đã xây dựng đề án, chương trình, ban hành chính sách hỗ trợ quy hoạch, phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ rau, quả, chè an toàn như: Hà Nội, Bắc Ninh, Lào Cai, Thái Nguyên, Quảng Bình, Gia Lai, Bình Thuận, Đồng Tháp… Tuy nhiên, hiện đang có một nghịch lý là người sản xuất RAT không có thị trường hoặc thị trường không ổn định, còn người tiêu dùng chưa tin tưởng vào chất lượng sản phẩm RAT.

Mở rộng hỗ trợ VietGap

Theo Bộ NNPTNT, tính đến hết năm 2010 đã có 199 mô hình rau, quả, chè được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP với 2.643ha, 58 mô hình theo hướng VietGAP với diện tích 4.535,9ha và 86 mô hình đang thực hiện với diện tích 2.235,57ha… Tuy nhiên, theo kết quả giám sát chất lượng rau quả năm 2010 của Cục Quản lý Chất lượng nông, lâm sản và thủy sản, có tới 8,5% mẫu vượt ngưỡng cho phép về hóa chất thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng, NO3…

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Bùi Bá Bổng cho biết, thực hiện Quyết định 107 trong trồng trọt cho thấy cần mở rộng chính sách hỗ trợ áp dụng VietGAP sang lĩnh vực lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng trong nước và bảo vệ vị trí cường quốc xuất khẩu nông, lâm sản của nước ta.

Về nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trên, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Bùi Bá Bổng cho rằng, trong khi sản xuất nông nghiệp của nước ta còn nhỏ lẻ, manh mún, ý thức người sản xuất về đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường chưa cao, thì việc áp dụng GAP đòi hỏi người sản xuất phải tự giác áp dụng các biện pháp quản lý chất lượng trong nội bộ. Ngoài ra, việc đầu tư cho quy hoạch xác định vùng sản xuất đủ điều kiện còn hạn chế do thiếu kinh phí.

Đặc biệt, theo ông Bổng, hiện việc gắn kết chặt chẽ và có hiệu quả giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm an toàn, thị trường tiêu thụ sản phẩm an toàn trong nước còn hạn chế, chưa tạo cho người tiêu dùng nhiều cơ hội lựa chọn sản phẩm an toàn có nguồn gốc và chứng nhận rõ ràng.