Dân Việt

Mất an toàn PCCC chung cư: Người dân và cơ quan quản lý cùng “kêu”

Nam Sơn 02/04/2018 10:08 GMT+7
Sau vụ cháy chung cư Carina Plaza, những sai phạm, khuyết điểm trong công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại các chung cư cao tầng của TP.HCM dần lộ rõ. Có những bất cập kéo dài nhiều năm không được khắc phục triệt để khiến người dân “kêu cứu” và ngay cả cơ quan quản lý nhà nước cũng “kêu khó”.

Dân căng băng rôn “kêu cứu”

Cuối tuần qua, hàng chục cư dân tại chung cư Topaz City (đường Tạ Quang Bửu, phường 4, quận 8, TP.HCM) đã tổ chức căng băng rôn phản đối bên ngoài chung cư, nhằm yêu cầu Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ Xây dựng Kinh doanh nhà Vạn Thái (Vạn Thái Land) phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về nhà ở, PCCC nhằm bảo vệ quyền lợi, tính mạng cũng như tài sản của cư dân.

Theo những người dân nơi đây, chủ đầu tư còn nợ những vấn đề như: Chưa trao trả, cấp sổ hồng cho cư dân; chưa diễn tập PCCC; không công khai quỹ bảo trì; chưa mở lối thoát hiểm ra đường. Ngoài ra, cư dân cho biết, nhiều lần bị Ban quản lý chung cư “đe dọa” khi họ chưa đồng ý đóng phí bảo trì và yêu cầu được chủ đầu tư tổ chức những buổi tập huấn hướng dẫn kỹ năng xử lý tình huống PCCC khi có hỏa hoạn xảy ra.

img

Cư dân chung cư Topaz City  căng băng rôn “kêu cứu”. Ảnh: Nam Sơn

Cũng theo phản ánh của các cư dân, mặc dù họ đã sống một thời gian dài tại block B1 và B2 của chung cư Topaz City nhưng chủ đầu tư chưa một lần tổ chức hội nghị nhà chung cư để bầu ra Ban quản trị, đồng thời hoàn thiện hạ tầng cơ sở theo đúng thiết kế để các phương tiện cứu hộ, cứu nạn có thể tiếp cận giải cứu dân cư khi có sự cố xảy ra.

Trước đó, cư dân chung cư cao cấp Giai Việt (số 854 - 856 Tạ Quang Bửu, quận 8, do Quốc Cường Gia Lai làm chủ đầu tư, được bàn giao từ tháng 10.2016) cũng viết đơn phản ánh nhiều hàng mục công trình đã xuống cấp nghiêm trọng và có hạng mục chưa hoàn thành theo cam kết. Cư dân cho biết, những hạng mục công trình xuống cấp như: Các đường ống thoát nước rò rỉ, nước chảy tràn ra tường gây ẩm móc, hôi thối; hệ thống PCCC chỉ mang tính đối phó, khó có thể sử dụng khi áp dụng thực tế.

Chủ đầu tư Quốc Cường Gia Lai còn bị tố trây ỳ trong việc tổ chức hội nghị nhà chung, bầu Ban quản trị.

Tương tự cư dân chung cư Giai Việt, nhiều cư dân của chung cư The Easter City (6B), cũng do Quốc Cường Gia Lai đầu tư, bày tỏ sự lo lắng về chất lượng chung cư này như thang máy, hệ thống PCCC, cửa thoát hiểm.

Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho biết, thực trạng nhiều chung cư tại TP.HCM bị người tiêu dùng quan ngại về chất lượng xây dựng, trong đó công trình PCCC chất lượng thấp, hoạt động không ổn định, thiếu tin cậy. Cụ thể, có chung cư hệ thống báo cháy kém chất lượng, liên tục "báo cháy giả" nên cư dân có thói quen bình thản khi nghe báo cháy, mà nếu xảy cháy thật thì rất nguy hiểm. Có nơi tắt luôn hệ thống báo cháy để khỏi bị "làm phiền"; cửa ngăn khói các tầng bị chèn, mở thông để tiện đi lại, nếu xảy cháy thì không còn tác dụng ngăn khói xâm nhập; lối thoát hiểm một số chung cư bị chiếm dụng, không còn tác dụng thoát hiểm khi xảy cháy.  

Cũng theo HoREA, nhiều chung cư, nhà ở cao tầng lại được cấp phép xây dựng trong hẻm nên tiềm ẩn nguy cơ về an toàn thoát hiểm cho cư dân khi xảy cháy. Có trường hợp cơ quan chức năng duyệt quy hoạch tổng mặt bằng chung cư nhưng thiếu dành đường vào cho xe chữa cháy. Có trường hợp chủ đầu tư dự án chừa đường vào cho xe chữa cháy, nhưng tải trọng mặt đường không đáp ứng theo quy định của Luật PCCC, nên xe chữa cháy hạng nặng không thể vào được...

Cơ quan quản lý cũng “kêu khó”

Năm 2017, Cảnh sát PCCC TP.HCM công bố danh sách 169 công trình đã đưa vào sử dụng nhưng chưa đảm bảo về an toàn PCCC. Trong đó có nhiều chung cư bị cảnh báo có khả năng cháy gây thiệt hại lớn về người và tài sản hay cháy lan sang khu vực xung quanh.

Ở cấp độ nguy hiểm cao hơn là các chung cư xây dựng trước năm 1975 hoàn toàn không có hệ thống cảnh báo cháy và chữa cháy. Cùng với đó là hàng loạt chung cư chưa thẩm duyệt, nghiệm thu PCCC như: Chung cư C9 số 90A Lý Thường Kiệt; chung cư Nguyễn Tri Phương 7A Thành Thái; chung cư Bưu Điện 354/15abc Lý Thường Kiệt; chung cư Trần Văn Kiểu (quận 10); block B1 chung cư Hưng Ngân (quận 12); chung cư Nguyễn Quyền (quận Bình Tân); chung cư Cao ốc xanh (quận 9)…

img

Chung cư Viên Ngọc Phương Nam chưa đảm bảo an toàn PCCC. Ảnh: Nam Sơn

Trong thực tế, năm 2016, chính quyền TP.HCM đã phải cưỡng chế di dời 20 hộ dân tại chung cư Bảy Hiền Tower (phường 11, quận Tân Bình) vì chủ đầu tư đã đưa dân vào ở trong tình trạng chung cư đang thi công dở dang, sai giấy phép xây dựng và không có hệ thống PCCC. Một chung cư khác mới hoàn thành năm 2017 là Viên Ngọc Phương Nam tại đường Âu Dương Lân, quận 8 cũng vi phạm khi đưa 52/216 hộ vào sinh sống khi chưa tổ chức nghiệm thu PCCC và bị xử phạt 100 triệu đồng.

Theo Cảnh sát PCCC TP.HCM, có thực trạng nhiều Ban quản lý chung cư còn né tránh, chậm thực hiện các kiến nghị khắc phục về an toàn PCCC của cảnh sát PCCC, nhất là tại các chung cư đã giao về cho các hộ dân tự quản lý, dẫn đến tình trạng các vi phạm về an toàn PCCC vẫn tiếp tục kéo dài. Tại chung cư Nhất Lan (quận Bình Tân), dù đã bị cháy nhưng khi kiểm tra Ban quản trị chung cư này vẫn không tổ chức bảo trì, bảo dưỡng hệ thống, phương tiện chữa cháy với lý do… hết kinh phí. Cũng với lý do trên, Ban quản trị chung cư Tân Tạo (phường Tân Tạo A, quận Bình Tân), chung cư Nguyễn Quyền (phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân) không sửa chữa hệ thống báo cháy, máy bơm…

Ông Trần Trọng Tuấn - Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho hay, bên cạnh việc chủ đầu tư, Ban quản lý thờ ơ với việc PCCC, chính người dân cũng chưa có ý thức cao trong việc chấp hành các điều kiện an toàn PCCC. Điều này thể hiện qua việc cử người giúp việc đến tham gia các buổi tập huấn PCCC. Nhiều hộ gia đình do nhu cầu sinh hoạt, kinh doanh đã tự ý xây dựng, cơi nới, lấn chiếm hành lang, lối đi, bố trí bãi xe cản trở giao thông, làm mất tác dụng của cửa đi vào buồng thang bộ, câu mắc, đấu nối thêm các thiết bị điện không đảm bảo theo quy định. 

Cần xem lại khâu thực thi Luật PCCC

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho rằng, theo pháp luật quy định, chung cư, nhà cao tầng chỉ được đưa vào sử dụng sau khi đã được nghiệm thu bàn giao đạt yêu cầu, trong đó có hạng mục công trình PCCC và phải được bảo hành, bảo dưỡng, bảo trì theo định kỳ. Nhưng có một số chủ đầu tư, Ban quản trị chung cư, đơn vị quản lý vận hành chưa làm đầy đủ trách nhiệm trong công tác thường xuyên bảo dưỡng, bảo trì hệ thống PCCC để đảm bảo vận hành bình thường, đúng công suất theo thiết kế đã được thẩm duyệt. Nhất là các trường hợp đã được cơ quan PCCC kiểm tra, lập biên bản khuyến nghị, yêu cầu, như trường hợp chung cư Carina Plaza.

Theo Chủ tịch HoREa, Cơ quan Cảnh sát PCCC có quyền kiểm tra an toàn về PCCC định kỳ hoặc bất thường đối với nhà chung cư, nhưng trên thực tế, công tác này có thể đã chưa được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, nhất là khâu hậu kiểm đối với chủ đầu tư trong việc chấp hành khuyến nghị, yêu cầu sau khi kiểm tra.

“Các quy phạm pháp luật về PCCC hiện nay về cơ bản tương đối đầy đủ, nhưng vấn đề đặt ra là cơ chế phối hợp triển khai, tổ chức thực hiện và kiểm tra để đảm bảo trách nhiệm thể hiện bằng hành động cụ thể, thiết thực và hiệu quả của các chủ đầu tư dự án, các đơn vị thi công xây lắp, các đơn vị tư vấn quy hoạch, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát thi công, Ban quản trị chung cư, đơn vị quản lý vận hành", ông Châu nói.