Dân Việt

Tàn sát rừng ở Quảng Nam: Ai bảo kê cho lâm tặc?

Trương Hồng 02/04/2018 13:05 GMT+7
Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Nam đang nghi ngờ khả năng kiểm lâm bao che cho lâm tặc, nhưng chưa thể kết luận được, vì phải điều tra mới sáng tỏ.

Ngày 2.4, xung quanh việc tàn sát rừng phòng hộ Sông Kôn và rừng lim quý ở huyện Nam Giang, trao đổi với Dân Việt, ông Huỳnh Tấn Đức - Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Nam cho biết, hai vụ phá rừng Sông Kôn và rừng lim ở Nam Giang, Sở đã chỉ cho lực lượng Chi cục Kiểm lâm tỉnh xuống kiểm tra cụ thể ở cơ sở, yêu cầu phải kiểm điểm nghiêm túc, sau đó Sở sẽ đánh giá chặt chẽ hơn.

Phóng viên hỏi, liệu có sự bao che của kiểm lâm cho lâm tặc hay không?. Ông Huỳnh Tấn Đức nói rằng: “Cũng có khả năng (ý nói kiểm lâm bao che cho “lâm tặc”-PV), nhưng hiện nay chưa thể kết luận được. Sở sẽ phối hợp với cơ quan Công an tỉnh xác minh việc này, nếu phát hiện sẽ xử lý nghiêm túc. Còn không có liên đới với “lâm tặc” vẫn phải xử lý đối với kiểm lâm địa bàn, Ban quản lý về mặt quản lý địa bàn”.

img

Một cây gỗ lim bị lâm tặc chặt phá còn trơ lại gốc.

Trong khi đó, ông Huỳnh Tấn Sâm - nguyên Bí thư Huyện ủy Bắc Trà My, Quảng Nam bức xúc: “Rừng liên tục bị phá là có sự tiếp tay, nhất là tay trong, tay ngoài. Lâm tặc vào rừng cũng phải bằng đường rừng, đường núi chứ có phải nhảy từ trên trời xuống đâu mà các anh tuần tra lại không phát hiện.

Mặc khác, những cánh rừng này lại nằm trong phạm vi của các Ban quản lý rừng, các địa phương, kiểm lâm địa bàn. Vậy kiểm lâm ở đâu mà để lâm tặc phá hàng chục hecta lại không hề hay biết. Thật quá phi lý, cây gỗ chứ có phải cây kim đâu mà lâm tặc vận chuyển từ trong rừng ra liên tục, kiểm lâm lại không biết”.

Theo ông Sâm, cần phải xử nghiêm những đơn vị quản lý rừng, kiểm lâm địa bàn và chính quyền xã nơi có rừng bị tàn phá. “Là người quản lý rừng mà để rừng bị phá thì quản lý cái gì? Muốn bảo vệ được lá phổi của rừng, ngoài mạnh tay với lâm tặc, cần phải mạnh tay hơn nữa với các đơn vị, ban quản lý rừng, chính quyền xã. Xử thật nặng để răn đe những người khác”, ông Sâm nói.

img

Gỗ quý được xẻ thành phẩm nằm ngổn ngang trong rừng chưa được vận chuyển ra ngoài.

Cùng ngày, trao đổi với Dân Việt, ông Hà Thế Xuyên - Phó Trưởng công an huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết, cơ quan này đã khởi tố vụ án, khởi tố và bắt tạm giam 7 bị can trong vụ phá rừng ở khu vực Khe Bưa.

Theo ông Xuyên, 7 đối tượng bị khởi tố bắt tạm giam ba tháng gồm: Tăng Đức Xưng (SN 1955), Nguyễn Văn Triều (SN 1978), Văn Bá Điệp (SN 1983) và Phan Văn Tài (SN 1984, cả 4 cùng quê xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, Quảng Nam); Lương Văn Luận (SN 1990), Lê Minh Thành (SN 1985) và Tăng Tấn Dịp (SN 1981, cả 3 cùng quê xã Đại Sơn, huyện Đại Lộc, Quảng Nam).

Trong lúc điều tra, lực lượng chức năng huyện Nam Giang đã bắt quả tang 6 bị can khi đang xẻ 5 cây gỗ tại khu vực Khe Bưa giáp ranh 3 xã Tà Pơơ, Zuôih (huyện Nam Giang) và xã Lăng (huyện Tây Giang) với khối lượng trên 24m3 và tạm giữ 2 máy cưa lốc, 1 phà máy, 1 ghe máy cùng các dụng cụ khác.

“Qua đấu tranh, các đối tượng này khai người cầm đầu là Tăng Tấn Dịp. Sau đó, đơn vị thành lập Ban chuyên án và xác định được băng nhóm phá rừng quy mô lớn, tinh vi, đông người do Tăng Tấn Dịp cầm đầu. Ngoài vụ Khe Bưa, công an huyện cũng đã khởi tố vụ án trong vụ phá rừng gỗ lim thuộc rừng phòng hộ Nam Sông Bung” - ông Xuyên nói.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam báo cáo, vụ khai thác gỗ lim trái phép xảy ra tại khoảnh 1, 3, Tiểu khu 335, thôn Cần Đôn, xã Chà Val, huyện Nam Giang, thuộc lâm phận quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung.

Qua kiểm tra, có 34 cây gỗ rừng tự nhiên bị chặt hạ (33 cây Lim Xanh và 1 cây Xoan Đào). Ước tính tổng khổi lượng gỗ thiệt hại 235,111 m3; trong đó gỗ Lim xanh 223,121 m3 và gỗ Xoan đào 11,990 m3; khối lượng gỗ còn tại hiện trường 125,909 m3 gỗ tròn và 3,949 m3 gỗ xẻ.