Dân Việt

'Thần cước' của làng võ Việt, hạ thủ cả võ sĩ nước ngoài

Vũ Đình Trung 02/04/2018 20:33 GMT+7
Trước năm 1975, cha tôi (Võ Thơ) mở lò võ tại nhà ở huyện Phù Cát (Bình Định) để dạy võ cho con em tại địa phương. Không biết cơ duyên thế nào mà cha tôi mời được võ sư Lê Thanh Tùng, người được mệnh danh là “Thần cước” trong làng võ thuở ấy về dạy. Thế nên bây giờ, tại Bình Định hiện vẫn còn nhiều truyền nhân của “Thần cước” Lê Thanh Tùng. 

Từ “cầm thủ” trở thành “Thần cước”

Trước năm 1975, võ đường Lê Đại Hoan (cha của võ sư Lê Thanh Tùng) nức tiếng trên đất Sài Gòn. Mới 6 tuổi, con trai của võ sư Lê Đại Hoan là Lê Thanh Tùng đã được người cha cho tiếp cận với võ thuật. Tuy nhiên, phương pháp huấn luyện khắc nghiệt của võ sư Lê Đại Hoan chẳng những đã không hun đúc được niềm đam mê võ thuật trong lòng con trai, mà còn làm chú bé Lê Thanh Tùng ngày càng “quay lưng” với võ thuật. Thuở ấy, chú bé Tùng luyện võ chỉ là để làm vừa lòng cha chứ trong tâm khảm không ưng lắm, càng ngày chàng “võ sĩ nhí” càng lộ rõ thiên hướng mê âm nhạc.

img

Ngọn cước thần sầu của võ sư Lê Thanh Tùng (ảnh tư liệu gia đình).

Khi Lê Thanh Tùng vừa tròn 15 tuổi, một hôm võ sư Lê Đại Hoan nhìn thấy chàng trai trẻ ở cái tuổi “bẻ gãy sừng trâu” ôm cây đàn guitar luyện ngón say sưa, bỏ bê chuyện luyện võ, không cầm được ngọn lửa giận phừng phừng trong đầu, võ sư Lê Đại Hoan vớ ngay cây đàn đập vỡ toác. Bây giờ, khi đã gần chạm tuổi “thất thập cổ lai hy”, ngồi nhớ lại chuyện xưa, lòng của võ sư Lê Thanh Tùng không thể không lay động.

“Lúc bị cha đập vỡ cây đàn, lòng tôi luôn đầy ắp nỗi buồn, vì niềm đam mê của mình đã tiêu tan. Sau đó mấy ngày, võ sư môn quyền anh Tám Denis, người gốc Pháp, đến nhà thăm cha tôi. Sau khi nghe cha kể chuyện, võ sư Tám Denis tìm cách trò chuyện với tôi. Tôi bỗng mềm lòng trước sự thuyết phục của võ sư Tám Denis nên sau đó tôi tham gia tập luyện quyền anh”, võ sư Lê Thanh Tùng nhớ lại.

Đến với quyền anh được 3 năm, võ sĩ Lê Thanh Tùng bắt đầu sự nghiệp thượng đài và liên tục thắng những trận đấu với những võ sĩ đồng hạng 48kg, thắng cả võ sĩ Xuân Thanh, đương kim vô địch quyền anh quốc gia hạng 51kg. Thành công bước đầu trong nghiệp võ đã thắp lên ngọn lửa đam mê trong lòng chàng võ sĩ trẻ. Đến lúc này Lê Thanh Tùng mới thẩm thấu được lời khuyên của cha, nên quay lại tập luyện võ cổ truyền tại võ đường của võ sư Lê Đại Hoan và bắt đầu chuyển sang thi đấu võ tự do.

img

Những trận đài vinh danh võ sư Lê thanh Tùng (ảnh tư liệu gia đình).

Trên võ đài tự do, Lê Thanh Tùng bách chiến bách thắng hết trận đấu này đến trận đấu khác, từ các võ đài ở Sài Gòn đến các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Hầu hết các trận đấu, võ sĩ Lê Thanh Tùng đều hạ đối phương trong 1 - 2 hiệp đầu và đều bằng đòn chân nên được mệnh danh là “Thần cước”. 

Hạ thủ cả võ sĩ nước ngoài

Trong sự nghiệp thượng đài, số võ sĩ bị hạ thủ bởi những đòn cước của võ sĩ Lê Thanh Tùng đếm không xuể, nhưng đáng nhớ nhất là những chiến thắng trước những võ sĩ nước ngoài.

Trong những chuyến du đấu tại các tỉnh miền Trung - Tây nguyên vào những năm đầu của thập niên 70 (thế kỷ 20), võ sĩ Lê Thanh Tùng đã thắng nốc ao trận đấu quyền anh 1 võ sĩ người Mỹ.

img

Cha tôi (ngoài cùng bìa trái), võ sư Lê Thanh Tùng (người đứng thứ 2 tính từ phải sang) và võ sư Vũ Lê Cang (ngoài cùng bìa phải) trong thời gian dạy võ tại Phù Cát (ảnh tư liệu gia đình).

Theo võ sư Lê Ngọc Có, Chủ tịch Hội Võ thuật cổ truyền tỉnh Gia Lai, trong 2 đêm 24 và 25.12.1971, võ sĩ Lê Thanh Tùng liên tiếp có 2 trận thượng đài tại Pleiku (Gia Lai) lần lượt với võ sĩ Trần Can (võ đường Hà Trọng Sơn) và 1 người Mỹ là cố vấn quân sự cho Quân đoàn II của Việt Nam Cộng hòa thời bấy giờ tên là John. “Lúc ấy ông John đã ngoài 30 tuổi nhưng ra đòn rất chuyên nghiệp. Tuy nhiên, đến hiệp đấu thứ 2, ông John bị trúng đòn vào mặt, chảy máu mũi nên xin dừng trận đấu, chấp nhận thua cuộc”, võ sư Lê Ngọc Có kể lại.

Sang năm sau (1972), nhận lời thách đấu của 2 võ sĩ Minh Phi và Thạch Danh, môn sinh của võ đường Minh Cảnh ở Sài Gòn, võ sĩ Lê Thanh Tùng theo cha là võ sư Lê Đại Hoan ra Quy Nhơn (Bình Định) để thượng đài. Đối thủ của ông Tùng trong đêm thượng đài thứ 2 tại Quy Nhơn là võ sĩ Thạch Danh, người gốc Miên.

Khi thi đấu, Thạch Danh ngậm tượng Phật vào miệng làm bùa để được phù hộ, chịu được đòn đánh của đối phương và giành chiến thắng. Trận đấu vừa bắt đầu, Thạch Danh liền có những hành động tâm linh kỳ quái để làm phân tâm đối thủ. Thậm chí, võ sĩ này còn tự dùng tay đấm vào ngực mình thình thình để hù dọa đối phương. Chỉ mất chưa đến 1 phút quan sát đối thủ, sau 1 loạt đòn tay, Lê Thanh Tùng tung liên tiếp những cú đá chính xác khiến Thạch Danh không thể trụ được, đành bỏ cuộc ngay cuối hiệp 1.

Trong những chuyến võ sĩ Lê Thanh Tùng thi đấu tại Quy Nhơn (Bình Định), quá ngưỡng mộ tài năng của chàng võ sĩ trẻ có dáng dấp rất nghệ sĩ, cha tôi ngõ lời mời Lê Thanh Tùng về lò võ của mình ở huyện Phù Cát để truyền thụ võ nghệ, nhất là đòn cước.

Võ sư Vũ Lê Cang, hiện ở phường Đập Đá (TX An Nhơn, Bình Định) là 1 trong những học trò của võ sư Lê Thanh Tùng khi ấy. Sau này, khi mở võ đường, những đường quyền, ngọn cước mà võ sư Vũ Lê Cang truyền dạy cho học trò vẫn còn mang nét vừa thanh thoát vừa hiệu quả của võ sư Lê Thanh Tùng.

Trận đấu đầu tiên của võ sư Vũ Lê Cang tại Quy Nhơn tôi được cha dẫn đi xem. Trận đấu đó Vũ Lê Cang gặp phải đối thủ là dân miền biển, rất lì đòn. Nhắm không thể thắng cái “tảng sắt di động” ấy bằng đòn tay, Vũ Lê Cang liên tục dùng cước “phang giò” (đá vắt vào đùi chân trụ đối phương). Do bị ê ẩm cả 2 đùi nên đối thủ không thể ra đòn, trận đấu ấy võ sĩ Vũ Lê Cang thắng điểm.

img

Võ sư Lê Thanh Tùng hiện nay.

Thời gian võ sư Lê Thanh Tùng dạy võ ở huyện Phù Cát, khi ấy tôi đã 15 tuổi nên được cha cho tập luyện cùng các đàn anh. Không theo nghiệp võ được lâu vì sau đó tôi phải đi học nội trú xa nhà, nhưng mãi đến giờ tôi vẫn còn nhớ kỹ thuật luyện cước rất công phu. Để luyện ống quyển cứng, môn sinh hàng ngày phải đá vắt vào những bao quân trang may bằng vải lính, đựng đầy mùn cưa. Trước khi tập, môn sinh phun nước vào bao để mùn cưa cứng lại như gỗ, ống quyển cứ đá miết vào bao mùn cưa lâu riết cứng như “ống đồng”. Nhờ đó trong thi đấu, nếu khi đá mà bị đối phương “ba rê” bằng cùi chỏ ống quyển vẫn không thấy đau, có thể tiếp tục ra ngay đòn khác.

Cuối tháng 9.2017, sau mấy mươi năm biền biệt, bỗng dưng võ sư Lê Thanh Tùng xuất hiện, hội ngộ cùng bạn võ ở Pleiku (Gia Lai) khiến giới võ thuật xôn xao, hoan hỉ. Hiện đã 68 tuổi, nhưng trông võ sư Lê Thanh Tùng vẫn rắn rỏi, phong nhã chẳng kém ngày nào. Năm 1978, võ sư Lê Thanh Tùng sang định cư tại Mỹ. Năm 2011, ông trở về sống tại TP.Hồ Chí Minh, sau đó ông kết hôn và về quê vợ ở một làng ven biển thuộc xã Xuân Thịnh (TX Sông Cầu, Phú Yên) ẩn cư và chuyên tâm vào nghiên cứu võ học.