Liên quan đến vụ tài xế xe tải ở Hải Phòng đánh lái “xuất thần” cứu hai cô gái ngã ra đường đang phải đối mặt với khoản bồi thường 240 triệu đồng do chủ xe con yêu cầu, chiều nay (2.4), trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, anh Đỗ Văn Tiến (trú tại xã Kỳ Sơn, huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng) - tài xế xe tải đã chính thức có văn bản nhờ ông trợ giúp pháp lý.
Luật sư Thơm đã đồng ý và hứa sẽ trợ giúp miễn phí cho anh Tiến. Ngày hôm qua (1.4), luật sư này đã về xã Kỳ Sơn, huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng để tiếp xúc với tài xế xe tải.
Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: IT
Luật sư Thơm phân tích, trong trường hợp này, lái xe tải gây thiệt hại về tài sản cho phương tiện đi trên đường (kể cả trường hợp thương vong) thuộc trường hợp tình thế cấp thiết được quy định tại Điều 23 Bộ luật hình sự 2015 là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.
Tình thế cấp thiết là tình thế của người đứng trước sự đe dọa đến lợi ích được pháp luật bảo vệ, đồng thời muốn bảo vệ lợi ích này, người ta không còn cách nào khác là phải gây thiệt hại cho lợi ích khác cũng được pháp luật bảo vệ.
Trong luật hình sự, người được coi là có hành động trong tình thế cấp thiết khi người đó đã biết hy sinh một cách hợp lý lợi ích nhỏ để bảo vệ lợi ích khác lớn hơn, cần thiết hơn. Chính vì tính hợp lý này mà về mặt xã hội, nên coi việc hành động trong tình thế cấp thiết là hành động có ích.
Việc gây thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa không bị coi là tội phạm. Đồng thời, người có hành vi gây thiệt hại sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm. Ảnh: NVCC
Tuy nhiên, luật sư Thơm cho hay, trong buổi tiếp xúc, anh Tiến nói cơ quan pháp luật địa phương cho rằng trong trường hợp này anh Tiến có lỗi gây ra thiệt hại vì không giữ khoảng cách an toàn giữa các phương tiện khi lưu thông trên đường theo Điều 12 Thông tư số 91/2015/TT-BGTVT.
Cụ thể điều này quy định như sau: “Khi điều khiển xe chạy với tốc độ từ 60 km/h trở xuống, trong khu vực đô thị, đông dân cư, người lái xe phải chủ động giữ khoảng cách an toàn phù hợp với xe chạy liền trước xe của mình. Khoảng cách này tùy thuộc vào mật độ phương tiện, tình hình giao thông thực tế để đảm bảo an toàn”.
"Nếu vi phạm quy định này, anh Tiến phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi gây thiệt hại kể cả về mặt hình sự và dân sự. Nếu anh Tiến là người có lỗi gây thiệt hại tài sản từ 100 triệu đồng trở lên sẽ bị xem xét xử lý về hình sự về tội vi phạm an toàn giao thông theo Khoản 1 Điều 260 BLHS 2015", luật sư Thơm nói.
Tuy nhiên, theo luật sư Thơm, trong vụ tai nạn anh Tiến đã điều khiển xe đi đúng tốc độ cho phép trong khu dân cư, theo lời khai ban đầu là khoảng từ 30-40 km/h (tối đa cho phép là 50km/h). Tình huống xảy ra va chạm nhanh, xuất phát từ xe máy của hai cô gái vượt xe tải và bất ngờ va chạm với đuôi xe máy đi cùng chiều, rồi ngã ra đường ngay phía trước xe anh Tiến.
Theo phản xạ, anh Tiến đã nhanh trí xử lý tình huống tránh thương vong cho hai cô gái, đánh lái sang bên kia đường nên va quệt vào hai phương tiện gây hư hỏng.
"Như vậy, nếu như đúng lời khai và xét về khoảng cách an toàn, anh Tiến đã chủ động giữ khoảng cách phù hợp trong khu vực đô thị, nhưng do tình thế quá cấp thiết nên anh Tiến chủ động đánh lái tránh gây thiệt hại về tính mạng cho hai cô gái. Đây là hành vi đáng biểu dương", vị luật sư nhận định.
Từ những phân tích trên, luật sư Thơm nêu quan điểm, nếu cơ quan pháp luật cho rằng anh Tiến là người có lỗi và có căn cứ giám định thiệt hại tài sản hư hỏng từ 100 triệu đồng trở lên mà phải xử lý hình sự là quá mức cần thiết và chưa đánh giá đúng tính chất mức độ, nguyên nhân, hoàn cảnh xảy ra vụ va chạm.
Mặt khác, nếu giữa anh Tiến, chủ phương tiện xe tải và bên phía chủ phương tiện bị hư hỏng thỏa thuận bồi thường trách nhiệm dân sự, không yêu cầu xử lý hình sự thì các cơ quan pháp luật hoàn toàn có thể miễn truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 29 BLHS 2015.