Dân Việt

Tàu 67 hư hỏng: Ngư dân thiệt hại 33 tỷ, doanh nghiệp vẫn "cù nhầy"

Dũ Tuấn 05/04/2018 08:25 GMT+7
Trong khi chủ nhân các tàu vỏ thép bị hư hỏng ở Bình Định yêu cầu bồi thường thiệt hại lên đến hàng chục tỷ đồng thì 2 đơn vị đóng tàu chỉ đồng ý hỗ trợ một phần kinh phí rất nhỏ.

Ngày 4.4, lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, cho biết, Công ty TNHH Đại Nguyên Dương và Công ty TNHH MTV Nam Triệu vẫn đang trong quá trình đàm phán với ngư dân để đi đến thống nhất chuyện đền bù, hỗ trợ trong sự cố tàu 67 hư hỏng.

img

Tàu 67 hư hỏng đóng tại Công ty TNHH Đại Nguyên Dương được đưa lên bờ sửa chữa (Ảnh tư liệu)

Cù nhầy bồi thường

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, trong số 20 tàu vỏ thép hư hỏng gỉ sét, có 15 tàu đã khắc phục xong đi hoạt động sản xuất, 5 tàu đã sửa chữa xong nhưng chưa đi sản xuất, lý do chủ tàu còn đang thực hiện chuyển đổi nghề khai thác từ nghề lưới vây sang nghề mành chụp, kiểm tra, sửa lại ngư lưới cụ và hoàn thiện các thủ tục, giấy tờ để chuẩn bị đi biển.

Theo thống kê, số liệu thiệt hại của 20 chủ tàu vỏ thép hư hỏng tại Bình Định lên đến hơn 33 tỷ đồng (trong đó: Công ty TNHH Đại Nguyên Dương trên 5,3 tỷ, Công ty TNHH MTV Nam Triệu trên 27,8 tỷ).

Điều đáng nói, dù đã trải qua rất nhiều cuộc họp nhưng giữa doanh nghiệp đóng tàu hỏng và ngư dân vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong việc bồi thường. Sự việc chỉ dừng lại ở chuyện kê khai, kỳ kèo thêm bớt... sau sự cố.

Ngày 18.1.2018, Công ty Đại Nguyên Dương có văn bản không đồng ý giải quyết và không có trách nhiệm bồi thường các khoản thiệt hại trước khi đưa tàu lên đà sửa chữa cho ngư dân. Việc yêu cầu bồi thường của 5 chủ tàu là không có căn cứ, công ty chỉ đồng ý hỗ trợ một phần chi phí sửa chữa hợp lý cho các chủ tàu.

Trong khi đó, ngày 25.1.2018, Công ty Nam Triệu cũng có văn bản không có trách nhiệm bồi thường, đền bù cho 14 chủ tàu. Phía các doanh nghiệp lấy lý do rằng, yêu cầu bồi thường thiệt hại của khách hàng là không có căn cứ, đồng thời đề nghị các khoản đề nghị bồi thường, hỗ trợ phải có hóa đơn, chứng từ cụ thể. Công ty chỉ đồng ý hỗ trợ một số khoản để chia sẽ khó khăn với ngư dân bị thiệt hại.

Tại cuộc họp giải quyết chuyện bồi thường do Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định tổ chức (chiều 2.4), ông Nguyễn Xuân Nguyên - Giám đốc Công ty Đại Nguyên Dương cùng ông Bùi Hữu Hùng - Phó tổng giám đốc Công ty Nam Triệu, đề nghị tiếp tục gặp từng chủ tàu để đàm phán, thương lượng.

Riêng ông Nguyên “tuyên bố”, nếu hai bên không đồng thuận thì cùng nhau ra tòa giải quyết. Còn ông Hùng cũng đồng ý giải quyết theo quy định pháp luật.

27 cuộc họp… mọi chuyện sẽ kết thúc ở pháp đình?

Bức xúc trước việc chối bỏ trách nhiệm bồi thường của 2 đơn vị đóng tàu trên, nhiều chủ tàu vỏ thép hư hỏng khẳng định sẽ khởi kiện ra tòa.

Ngư dân Nguyễn Văn Lý  - chủ tàu BĐ 99004 TS, cho hay: “Tàu tôi vừa hạ thủy chưa được bao lâu đã hư hỏng nặng, nằm bờ gần cả năm, gây thiệt hại hơn 1,6 tỉ đồng. Vậy mà đơn vị đóng tàu lại chối bỏ trách nhiệm bồi thường, chỉ hỗ trợ vài chục triệu đồng thì không thể chấp nhận được. Chúng tôi sẽ đưa vụ việc này ra tòa để đòi lại quyền lợi chính đáng cho ngư dân”.

img

Ngư dân Bình Định yêu cầu doanh nghiệp đền bù do sự cố tàu 67 hư hỏng

Trước bức xúc của ngư dân, bà Huỳnh Thị Kim Xuyên - Phó Chủ tịch Hội Luật gia Bình Định, hứa sẽ vào cuộc với thông điệp: “Hội luật gia sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ về mặt pháp lý giúp các ngư dân khởi kiện doanh nghiệp ra tòa với điều kiện phải đúng với pháp luật, yêu cầu của ngư dân phải thấu tình đạt lý”.

Những "nhùng nhằng", dây dưa của sự việc kéo dài khiến ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định phải thốt lên rằng, trong ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định chưa có vấn đề nào giải quyết “tốn” nhiều thời gian như sự cố tàu vỏ thép bị hư hỏng.

Đến nay đã có 27 cuộc họp liên quan, riêng vấn đề bồi thường thiệt hại do tàu bị hư hỏng đã trải qua ít nhất 5 cuộc họp nhưng chưa đi đến thống nhất.

“UBND các huyện có tàu vỏ thép bị hư hỏng sẽ đứng ra tổ chức các cuộc họp để hai bên tiếp tục thỏa thuận việc bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, trong vòng 1 tháng nữa, nếu hai bên vẫn không thống nhất chuyện bồi thường, các cơ quan chức năng của địa phương sẽ hỗ trợ pháp lý cho ngư dân khởi kiện”, ông Hổ khẳng định.

Theo ông Trần Châu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, ngư dân và các doanh nghiệp đóng tàu là Công ty Nam Triệu và Đại Nguyên Dương hiện nay đang có đàm phán, thương lượng. Tuy nhiên, chưa có sự đồng nhất về quan điểm với nhau trong chuyện đền bù, hỗ trợ.

“Chúng tôi đã chỉ đạo phải làm việc thật cụ thể về những thiệt hại mà ngư dân phải chịu trong sự cố tàu bị hư hỏng, nằm bờ. Phải tính toán cụ thể, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các bên, để ngư dân yên tâm sớm trở lại ngư trường”, ông Châu nói.

Tiền lãi lớn hơn tiền gốc

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Chi nhánh tại Bình Định, số tàu nợ quá hạn Ngân hàng quá lớn, ảnh hưởng đến hiệu quả của chính sách. Hiện, toàn tỉnh Bình Định có 41 chủ tàu bị nợ quá hạn gốc và lãi ngân hàng với tổng số tiền là 58,363 tỷ đổng (gốc: 28,950 tỷ đồng, lãi: 29,415 tỷ đồng); trong đó có 20 trường hợp tàu cá vỏ thép bị hư hỏng phải nằm bờ sửa chữa.

Hiện nay, các Ngân hàng thương mại chưa có hướng dẫn cụ thể về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, phân loại nợ theo thẩm quyền để “gở rối” cho các ngư dân.