Mới đây, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Vương Duy Biên đã ký văn bản trình Chính phủ về việc xây dựng Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Trong đó, 4 vấn vấn đề trọng tâm được đề cập liên quan đến việc cấp phép ca khúc sáng tác trước năm 1975, việc cấp phép cho cá nhân người Việt Nam định cư ở nước ngoài về nước biểu diễn nghệ thuật, việc “nới lỏng” quy định cho người đẹp - người mẫu tham gia các cuộc thi quốc tế và bãi bỏ văn bản thỏa thuận sử dụng quyền tác giả trong thành phần hồ sơ đề nghị cấp giấy phép.
Theo quy định hiện nay, việc cấp giấy phép biểu diễn cho người Việt định cư ở nước ngoài được căn cứ trên đề nghị của pháp nhân đủ điều kiện để xác định trách nhiệm pháp lý trong trường hợp có hành vi vi phạm quy định pháp luật. Điều này dẫn đến việc nghệ sỹ phải thực hiện thủ tục hành chính nhiều lần.
Bên cạnh đó, hoạt động biểu diễn người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về thẩm quyền của các cơ quan quản lý nhà nước dẫn đến nhiều trường hợp không có sự thống nhất, đồng thuận về hoạt động biểu diễn của nhóm nghệ sỹ này.
Thứ trưởng Vương Duy Biên đã ký tờ trình liên quan đến việc nới lỏng, bãi bỏ một số quy định, thủ tục, chính sách đang gây nhiều bất cập.
Vì vậy, chính sách đối với cấp phép biểu diễn cho cá nhân là người Việt định cư ở nước ngoài cần tạo điều kiện thuận lợi cho các nghệ sỹ được tham gia các chương trình biểu diễn nghệ thuật do các pháp nhân (đủ điều kiện hoạt động đầu tư, kinh doanh) tổ chức sau khi được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép.
Tờ trình này cũng xác định, hiện nay, điều kiện và thủ tục cấp phép cho thí sinh Việt Nam ra nước ngoài dự thi người đẹp, người mẫu quốc tế chưa phù hợp với thực tiễn đất nước trong bối cảnh phát triển và hội nhập quốc tế. Thực tế, mỗi năm có rất nhiều trường hợp thí sinh không tuân thủ quy định pháp luật ra nước ngoài tham dự các cuộc thi sắc đẹp quốc tế rồi chấp nhận nộp phạt vi phạm hành chính.
Vì thế, việc điều chỉnh các quy định để phù hợp với thực tiễn đất nước trong bối cảnh phát triển và hội nhập quốc tế là rất cần thiết. Theo đó, điều kiện được điều chỉnh theo hướng linh hoạt hơn, mở rộng về số lượng thí sinh được tham dự các cuộc thi quốc tế nhưng vẫn đảm bảo công tác quản lý nhà nước và phù hợp với quy định pháp luật.
Việc bãi bỏ văn bản sử dụng quyền tác giả trong thành phần hồ sơ đề nghị cấp giấy phép cũng được đề cập đến. Đại diện Bộ VHTT&DL đặt vấn đề rằng, việc quy định thành phần hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang và giấy phép phê duyệt nội dung bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu phải có “hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận với các tác giả, chủ sở hữu tác phẩm” đã vô hình chung biến quan hệ thỏa thuận giữa tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả và tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm thành quan hệ hành chính.
Nếu tờ trình được thông qua, nhiều người đẹp - người mẫu sẽ có cơ hội được "mang chuông đi đánh xứ người" mà không sợ bị xử phạt.
Trong thực tế áp dụng, thủ tục này gây ra nhiều bất lợi cho đơn vị tổ chức biểu diễn khi tổ chức đại diện quyền tác giả áp đặt các mức giá không công bằng, thiếu minh bạch giữa các đơn vị khai thác, sử dụng; không đảm bảo thực hiện nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015 về quyền bình đẳng giữa các bên trong quá trình thỏa thuận, ký kết hợp đồng, quan hệ dân sự được xác lập, thực hiện không dựa trên cơ sở tự do, tự nguyện, thiện chí, trung thực.
Vì lẽ đó, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đề nghị bãi bỏ “thủ tục cứng nhắc” này để hạn chế sự chồng chéo các quy định trong hệ thống pháp luật.
Vấn đề được dư luận quan tâm nhiều nhất chính là việc cấp phép phổ biến các tác phẩm âm nhạc, sân khấu sáng tác trước năm 1975. Theo đó, tờ trình đề nghị các tác phẩm âm nhạc, sân khấu đã trở nên quen thuộc, được phổ biến trong thực tế và không có nội dung, ca từ trái với thuần phong mỹ tục, xâm phạm lợi ích quốc gia thì không phải cấp phép phổ biến.
“Mục tiêu của chính sách Quy định về việc quản lý, cấp phép đối với tác phẩm âm nhạc, sân khấu sáng tác trước năm 1975 là vấn đề phức tạp, trong đó có yếu tố lịch sử để lại. Trong thời gian trước đây, việc cấp phép, phổ biến tác phẩm sáng tác trước năm 1975 được thực hiện theo đúng quy định pháp luật.
Toàn bộ các bài hát được cấp phép phổ biến đều của các tác giả phía Nam hoặc tác giả miền Bắc di chuyển vào phía Nam định cư. Việc cấp phép phổ biến được thực hiện đối với các bài hát “nhạc đỏ” hoặc do các tác giả phía Nam sáng tác.
Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua đã nảy sinh một số vấn đề phức tạp đối với công tác quản lý trong hoạt động này như: Việc cấp phép một số bài hát đã trở nên quen thuộc, phổ biến trong thực tế có cần thiết hay không; Danh mục bài hát được phổ biến rộng rãi có phù hợp với thực tế hay không...
Vì vậy, cần quy định lại nội dung quản lý đối với tác phẩm âm nhạc, sân khấu trong thời kỳ mới. Cụ thể là bãi bỏ quy định về cấp giấy phép phổ biến tác phẩm âm nhạc, sân khấu nhằm đạt các mục tiêu giải quyết các vấn đề phức tạp đối với công tác quản lý tác phẩm âm nhạc, sân khấu; đảm bảo biện pháp quản lý đối với các tác phẩm âm nhạc, sân khấu, ngăn chặn những bài hát có nội dung, ca từ trái với thuần phong mỹ tục, đi ngược lại chính sách của Đảng, trái với pháp luật Nhà nước. Đặc biệt là đơn giản hóa thủ tục hành chính, việc phổ biến tác phẩm âm nhạc, sân khấu sáng tác trước năm 1975 được thực hiện thống nhất với quy định tại Luật Xuất bản năm 2012.
Những tác phẩm âm nhạc sáng tác trước 1975 nếu đã quen thuộc, được phổ biến trong thực tế và không có nội dung, ca từ trái với thuần phong mỹ tục, xâm phạm lợi ích quốc gia thì không phải cấp phép phổ biến.
Ngoài ra, đây cũng là cách để đảm bảo biện pháp phối hợp quản lý nhà nước đối với các tác phẩm âm nhạc, sân khấu giữa Bộ VHTT&DL với Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc ngăn chặn những bài hát có nội dung, ca từ trái với thuần phong mỹ tục, đi ngược lại chính sách của Đảng, trái với pháp luật Nhà nước”, Thứ trưởng Vương Duy Biên chia sẻ.
Thứ trưởng Vương Duy Biên cho biết, các nội dung của dự thảo Nghị định này chủ yếu quy định thủ tục hành chính theo hướng sửa đổi, bãi bỏ một số thủ tục bất hợp lý, không cần thiết, đơn giản hóa một số loại giấy tờ và sửa đổi, bổ sung một số quy định về điều kiện kinh doanh để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất. Vì vậy, để đảm bảo triển khai thi hành sau khi được thông qua, về cơ bản, các cơ quan, tổ chức, cá nhân vẫn sử dụng nguồn lực tài chính và nguồn nhân lực hiện hành.
Dự thảo này dự kiến trình Chính phủ trong tháng 11/2018 theo quy trình được quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.