Dân Việt

3 lý do để tăng thu nhập của nông dân lên gấp 2 lần trong 5 năm tới

Bách Anh Tùng (ghi) 04/04/2018 16:25 GMT+7
Xung quanh câu chuyện tăng thu nhập nông dân lên gấp 2 lần trong 5 năm tới, NTNN đã trao đổi với ông Hồ Xuân Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam. Ông cho rằng: Biết khó nghĩa là biết cách để tháo gỡ.

Nói về mục tiêu của ngành nông nghiệp trong năm 2018 và các năm tiếp theo, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: “Trong 5 năm tới, ngành nông nghiệp đặt ra mục tiêu phải thúc đẩy chương trình tái cơ cấu, từ đó phấn đấu ít nhất thu nhập của bà con nông dân phải tăng gấp 2 lần”. Thực tế, đây là mục tiêu đã được đặt ra khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2009 và đó được coi như mốc để so sánh chỉ tiêu tăng thu nhập này. 

Không ít chuyên gia cho rằng đây là mục tiêu xa vời, hoặc phải nhân đôi thời gian thực hiện là 10 năm thì mới có được con số đó.

img

Các kết quả đạt được trong quá trình xây dựng NTM và tái cơ cấu nông nghiệp là tiền đề để nâng cao thu nhập cho nông dân. Ảnh: IT

Tuy nhiên, ông Hồ Xuân Hùng nhấn mạnh: Chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin vào mục tiêu này bởi các lý do:

Thứ nhất, chúng ta đã có tiền đề từ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, qua 2 giai đoạn của chương trình, không chỉ diện mạo làng quê đổi mới mà chất lượng cuộc sống của nông dân cũng tạo bước đột phá. Đặc biệt, qua thực hiện 2 chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, thu nhập của hộ nông dân trong 5 năm qua đã tăng 1,85 lần.

Thứ hai, kết quả của ngành nông nghiệp năm 2017 rất khả quan, nhiều loại nông sản tăng mạnh, hầu hết các loại nông sản được tiêu thụ kịp thời, giá ở mức có lợi cho nông dân. Nhiều mô hình sản xuất rau, hoa, quả, thủy sản... ứng dụng công nghệ cao đem lại thu nhập cao gấp 4 - 5 lần so với sản xuất lúa.

Thứ ba, ngày càng có nhiều nông sản của chúng ta tiếp cận được với các thị trường khó tính trên thế giới. Năm 2017, nhóm sản phẩm chủ lực của quốc gia bao gồm 10 sản phẩm có giá trị từ 1 tỉ USD trở lên đã tập trung khắc phục những điểm yếu trong từng nhóm sản phẩm. Vì vậy, năm qua nhóm 10 sản phẩm này đều tăng trưởng.

Có những nhóm sản phẩm tăng trưởng rất nhanh như nhóm rau củ quả tăng trưởng tới 42%, đạt giá trị xuất khẩu tới 3,6 tỉ USD, nhóm sản phẩm thuỷ sản đã xuất khẩu vượt 8 tỉ USD, nhóm sản phẩm về gỗ - lâm sản cũng đã cán đích xuất khẩu 8 tỉ USD...

Chưa kể nhóm sản phẩm thuộc khu vực lợi thế riêng từng tỉnh,  thành cũng có những bước đột phá mới, tạo ra giá trị cao. Ví như Bắc Giang với nhóm sản phẩm chủ lực là cây vải, đã hình thành vùng vải tập trung ở Lục Ngạn với 23.000 ha, có giá trị tổng thể cả sản xuất và dịch vụ xấp xỉ 5.000 tỉ đồng; sản phẩm gà đồi Yên Thế, chỉ một huyện nhưng một năm đã phát triển tới 15 triệu con gà, cho giá trị 1.400 tỉ đồng.

Và cuối cùng, tư duy của người nông dân cũng thay đổi. Các mô hình sáng tạo, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học vào sản xuất… ngày càng nở rộ. Giờ đây nông dân điều hành cả doanh nghiệp, sử dụng smartphone, máy tính để kết nối, tiêu thụ nông sản không còn là chuyện hiếm.

Vì thế, có thể khẳng định chúng ta đã hoàn toàn có cơ sở để tin vào mục tiêu nâng mức thu nhập gấp đôi cho nông dân. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều khó khăn mà ngành nông nghiệp cần nghiêm túc nhìn nhận và tìm cách tháo gỡ càng sớm càng tốt.

Đó là: phải tổ chức lại lao động để khu vực nông nghiệp không còn 43%. Đẩy mạnh đào tạo để người nông dân nắm được khoa học, kỹ thuật phù hợp trong quá trình sản xuất nhằm tái cơ cấu nông nghiệp thành công, thích ứng với biến đổi khí hậu, theo hướng hội nhập và cơ chế thị trường.

img

Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để mang lại giá trị kinh tế cao hơn, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. Ảnh: IT

Thời gian tới, ngành nông nghiệp phải có những giải pháp để phát triển mạnh phong trào thu hút lực lượng trẻ qua phong trào khởi nghiệp, qua thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, tổ chức hợp tác xã kiểu mới.

Cần phải thay đổi cơ bản định hướng phát triển nông nghiệp trong thời gian tới, bắt đầu bằng quy hoạch các mặt hàng chủ lực tương ứng với từng vùng miền cụ thể.

Phải có chính sách thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư vào nông nghiệp như miễn thuế thu nhập, giảm thuế đầu tư máy móc công nghệ để nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng cao.

Nhà nước phải trả đất đai về cho thị trường, để các giao dịch giữa doanh nghiệp và người có đất dựa trên quan hệ cung cầu, phản ánh đúng giá trị của đất đai thay vì nhà nước đứng ra lấy đất với giá rẻ và giao cho doanh nghiệp.

“Tôi cho rằng biết mình khó cũng là một thế mạnh rồi, biết khó để tìm đường gỡ thuận lợi hơn. Nếu thực hiện được các giải pháp trên, mục tiêu nâng cao thu nhập gấp đôi cho nông dân hoàn toàn có thể đạt được” – ông Hồ Xuân Hùng kết luận./.