Trung tướng Bùi Văn Thành kiểm tra công tác PCCC (ảnh cand.com.vn)
Chiều ngày 4.4, bên hành lang Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, Trung tướng Bùi Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an đã có trao đổi với báo chí xung quanh những vụ cháy gần đây.
Trung tướng Bùi Văn Thành cho biết: Trước tình hình hiện nay, trước khi thống nhất có đoàn kiểm tra liên ngành về công tác PCCC thì giao cho các đơn vị phải tự kiểm tra và công khai. Các chủ cơ sở, ban quản trị tòa nhà chung cư phải tự kiểm tra báo cáo cho cơ quan PCCC.
Vụ cháy chung cư Carina Plaza ở TP.HCM khiến dư luận xôn xao (ảnh Vietnamnet.vn).
Lực lượng chức năng sẽ kiểm tra và thống kê chi tiết đến từng tòa nhà chung cư thưa Trung tướng?
- Đúng vậy, chúng tôi đang làm. Chúng tôi đã giao ban toàn quốc, sơ kết và phát động đợt cao điểm tấn công, trấn áp giặc lửa trên toàn quốc. Ngoài ra, đối với 7 tỉnh có nhà cao tầng, siêu cao tầng là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP. Hồ Chí Minh và Vũng Tàu phải kiểm tra, rà soát.
Có thể nói các tòa nhà cao tầng như một xã hội thu nhỏ. Chúng tôi giao trách nhiệm đầu tiên là lực lượng PCCC cùng với chủ đầu tư, ban quản lý phải thông báo công khai về an toàn PCCC của tòa nhà. Việc này đã làm thường xuyên nay làm quyết liệt, triệt để, lên danh sách “điểm đen” về PCCC. Chúng tôi thống kê trên toàn quốc toàn bộ các cơ sở làm tốt về PCCC, các cơ sở không tốt để báo cáo Thủ tướng.
Trong báo cáo, ngoài lên danh sách “điểm đen” thì có phương án xử lý “điểm đen” không thưa Trung tướng?
- Việc xử lý vi phạm về PCCC thì phải theo quy định của pháp luật. Còn các “điểm đen” về công tác PCCC có nơi có cái khó. Đó là có rất nhiều nhà xây dựng trước khi có Luật PCCC bây giờ xử lý sẽ có rất nhiều vấn đề như liên quan như khoảng cách an toàn, thoát hiểm, thoát nạn… Trước khi có Luật PCCC, có quy định việc xử lý tất cả các nhà không bảo đảm PCCC thì giao cho UBND cấp tỉnh, tất nhiên lực lượng PCCC là nòng cốt. Nhưng khi đầu tư về PCCC thì liên quan đến kinh phí, hiện nay có nơi có vài trăm ngôi nhà chung cư thì lấy từ đâu, đây là cái khó. Chính vì thế những tòa nhà được xây dựng trước khi có luật thì phải báo cáo Thủ tướng thực trạng và quy mô mất an toàn. Chúng tôi sẽ đề xuất giải pháp rất căn cơ, chắc việc này Chính phủ phải vào cuộc.
Còn những tòa nhà xây sau khi có Luật PCCC thì vấn đề đảm bảo PCCC trách nhiệm thuộc về các chủ đầu tư, ban quản lý tòa nhà, nếu nơi nào không đủ điều kiện thì chúng tôi sẽ yêu cầu chủ đầu tư phải khắc phục có thời hạn, không khắc phục được thì có các chế tài xử lý triệt để.
Bà con có thể yên tâm sống trong các tòa nhà chung cư khi tòa nhà đó đủ điều kiện an toàn. Nhưng để có được điều đó, một trong những yếu tố rất quyết định là ý thức của mọi người. Với kinh nghiệm 30 năm làm công tác PCCC, nếu mọi người cùng hợp tác thì tôi khẳng định rằng, chúng ta có thể ngăn ngừa, ngăn chặn được sự gia tăng các vụ cháy. Nếu chỉ để cơ quan PCCC, rồi chủ đầu tư tòa nhà thì không làm được. Ví dụ, việc người dân ở trong nhà dùng lửa không đúng, đùa nghịch, vô hiệu hóa kỹ thuật như bít hệ thống cảnh báo thông minh trong nhà thì không hoạt động, ngắt chuông. Cho nên, mọi người phải hợp tác để cách ly nguồn nhiệt, nguồn gây cháy.
Theo thống kê của Hà Nội thì có 79 tòa nhà vi phạm PCCC, đến nay mới khắc phục 50 tòa nhà, hiện còn 29 tòa nhà, trong có 15 tòa nhà không thể khắc phục bảo đảm về PCCC, theo Trung tướng phải xử lý thế nào?
- Những tòa nhà này được xây dựng trước khi có Luật PCCC. Giải pháp an toàn thì phải tính căn cơ nhưng khi nói đến đầu tư chắc sẽ liên quan đến nguồn kinh phí rất lớn. Việc này chúng tôi sẽ thống kê thực trạng, nguy cơ để báo cáo Chính phủ xin chủ trương.
Có hạ chuẩn PCCC không thưa Trung tướng?
- Không hạ chuẩn. Đối với công trình xây dựng trước khi có luật như không có thang thoát hiểm thì sao xây mới được nên đầu tư phải có lộ trình. Chúng tôi sẽ có giải pháp và người dân cùng đồng hành, trong đó cơ quan chức năng sẽ là nòng cốt xử lý vi phạm về PCCC một cách cương quyết, xử lý không có vùng cấm, không nương tay và đây là bảo vệ sinh mệnh của người dân.
Xin cảm ơn Trung tướng (!)