Dân Việt

Nhạc sĩ Trần Minh Phi: Tôi cũng bị Sky Music xâm phạm Quyền tác giả

Minh Anh 05/04/2018 07:00 GMT+7
Sau các nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, Hoài An, nhạc sĩ Trần Minh Phi tiếp tục tìm đến Dân Việt để lên tiếng về việc tác phẩm bị xâm phạm Quyền tác giả.

Để phản ánh sự việc một cách trung thực tới bạn đọc, phóng viên Báo điện tử Dân Việt có cuộc trao đổi với nhạc sĩ Trần Minh Phi qua điện thoại và e-mail xung quanh nỗi bức xúc của anh.

img

Nhạc sĩ Trần Minh Phi: "Tôi sẽ kiện để đòi lại công bằng"

Xin chào nhạc sĩ Trần Minh Phi. Anh phát hiện ra tác phẩm của mình bị vi phạm Quyền tác giả trong trường hợp nào? 

NS Trần Minh Phi: "Lần đầu tiên tôi nghe đến cái tên Sky Music, có nghĩa là chưa bao giờ có đại diện nào của họ làm việc chính thức với tôi về vấn đề bản quyền".

-Việc này, tôi thỉnh thoảng vẫn phát hiện được là do tình cờ, do có người thông báo hoặc do mình chủ động tìm thấy. Lần này với Sky Music, tôi được một nhà báo bên báo Giao thông vận tải thông tin cho biết.

Khi phát hiện tác phẩm bị xâm phạm quyền tác giả, anh có kiến nghị VCPMC làm rõ vấn đề này hay không?

-Là một trong những người ký hợp đồng đầu tiên khi VCPMC thành lập, tôi luôn thông báo cho họ những trường hợp như thế để nhờ trợ giúp theo đúng như quyền lợi của mình được ghi trong hợp đồng.

Trong quá trình thu thập dữ liệu, có khi nào các đối tác khác liên lạc với anh để trao đổi về tác quyền?

- Lần đầu tiên tôi nghe đến cái tên Sky Music, có nghĩa là chưa bao giờ có đại diện nào của họ làm việc chính thức với tôi về vấn đề tác quyền.

img

Tôi nghĩ, vấn đề nào cũng cần linh hoạt, không phải quá nguyên tắc, nhưng vẫn phải đặt trên cơ sở tôn trọng với nơi mình đã ký hợp đồng về mặt pháp lý, cũng như là quan hệ tin tưởng giữa 2 bên. Có nghĩa là phải thông báo trước trong những trường hợp không quá nghiêm trọng.

Anh đã ký ủy thác bao nhiều tác phẩm với VCPMC và tác quyền giả anh được chi trả như thế nào?

- Tôi đã uỷ thác toàn bộ tác phẩm của mình cho VCPMC từ ngày đầu ký hợp đồng. Tác quyền tôi nhận được hàng quý từ VCPMC luôn đúng hạn, không chậm trễ.

img

Trong danh sách 47 bản ghi, phía Sky Music đã mắc lỗi khi lấy bản ghi của người khác, gán tên nhạc sĩ Trần Minh Phi

Nhiều người đặt câu hỏi về cách phân phối tác quyền của VCPMC, còn anh thì sao?

- Dĩ nhiên cách phân phối của VCPMC trong bối cảnh pháp lý cũng như trình độ kỹ thuật của nước ta chưa phải là khoa học và khách quan lắm. Nó còn mang tính đổ đồng, chưa phản ánh chính xác được tần suất sử dụng tác phẩm trong một số hạng mục như các nước phát triển và văn minh hơn ta. Điều đó là tất yếu vì chúng ta mới làm quen với vấn đề này. Nhưng tôi tin là họ luôn làm hết mình và trung thực vì lợi ích của các nhạc sĩ.

Theo thời gian, cách làm việc cũng như phân phối tác quyền của VCPMC cũng tiến bộ rất nhiều. Thật lòng mà nói, cho dù họ có thiếu sót hay vấp váp nào đó, thì các nhạc sĩ cũng đã bớt thiệt thòi rất nhiều kể từ khi có VCPMC.

Việc xâm phạm Quyền Sở hữu trí tuệ đang gây bức xúc trong giới nhạc sĩ và dư luận. Quan điểm của anh về vấn đề này như thế nào?

- Văn hoá về Quyền tác giả ở nước mình rất kém. Tôi nhấn mạnh là "văn hoá", là vì có nhiều cá nhân, đơn vị kinh doanh hay sử dụng tác phẩm của người khác, tuy rất hiểu quy định của Luật sở hữu trí tuệ, nhưng họ cố tình như không biết, nguỵ biện hoặc đánh lận con đen để đối phó với việc chi trả bản quyền của các tác giả, nhằm kéo dài thời gian trục lợi.

img

Mới đây là Sky Music, họ nói rằng đã xin phép ca sĩ về quyền của người biểu diễn (quyền liên quan), nhưng lại tảng lờ coi như không biết đến quyền tác giả - quyền của người đã sáng tạo ra chính tác phẩm được ca sĩ biểu diễn. Như vậy, một bài hát ghi âm sẽ không chỉ có một bản quyền duy nhất, ngoại trừ chính ca sĩ là người sáng tác luôn bài hát đó, hoặc mua đứt bản quyền của người khác. Chưa kể, nếu bản ghi âm đó được sản xuất không phải bởi ca sĩ, mà do một cá nhân hoặc hãng băng đĩa nào đó đứng ra thực hiện. Lúc này, bản ghi âm sẽ liên quan bản quyền đến 3 chủ thể:1 là tác giả/nhạc sĩ; 2 là ca sĩ/người biểu diễn và 3 là nhà sản xuất hoặc chủ sở hữu bản ghi âm ghi hình. Vì thế, người nào muốn sử dụng kinh doanh bản ghi âm này sẽ phải làm việc với 3 chủ thể quyền trên mới bảo đảm đầy đủ về mặt pháp lý.

Lần lượt các nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, Hoài An... cho biết sẽ làm đến cùng vụ việc vi phạm tác quyền trắng trợn này, còn anh thì sao, thưa anh? 

Tôi đã làm việc với VCPMC và yêu cầu làm đến cùng. Nếu không kiện người ta bảo mình ngu. Lẽ ra tôi cũng không muốn làm căng nhưng thấy Sky Music không có thiện chí nhận lỗi, lại còn "vừa ăn cướp vừa la làng" nên tôi quyết kiện.

Xin trân trọng cảm ơn nhạc sĩ!

Nhạc sĩ Trần Minh Phi bắt đầu sáng tác từ năm 1988. Ca khúc đầu tay là: Góc phố dịu dàng. Tiếp đó là hàng loạt ca khúc được yêu thích như: Hôn môi xa, Sông ngân êm đềm, Cổ tích chuyện tình... Từ năm 1991-1997 anh công tác tại báo Khăn Quàng Đỏ. Từ năm 1997 cho đến nay, nhạc sĩ Trần Minh Phi hoạt động tự do trong lĩnh vực báo chí và âm nhạc. Năm 2000 anh cho ra mắt Album Sông Ngân Êm Đềm, do VAFACO sản xuất và phát hành.

Nhiều tác phẩm của anh đã đoạt giải thưởng như: Giải Trẻ của Hội Liên Hiệp Thanh Niên và báo Thanh Niên năm 1991 với ca khúc Chiếc Xích Đu Ngày Thơ; Giải Thưởng Làn Sóng Xanh năm 2001 và năm 2002 với các ca khúc Góc Phố Dịu Dàng, Gửi Đôi Mắt Nai, Hôn Môi Xa, E-mail Tình Yêu, Phiêu Du và VTV Bài Hát Tôi Yêu cho ca khúc Phiêu Du.