Theo ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ TT&TT), ngay từ năm 2013, Bộ TT&TT đã tiến hành quy hoạch các nhóm kênh, đồng thời để lại toàn bộ phần băng tần mà Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) đã quy hoạch cho di động băng rộng.
Ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện chia sẻ về việc quy hoạch tần số tại Việt Nam. Ảnh: Trọng Đạt.
Bộ TT&TT cũng đã ban hành quy định về thời gian bắt buộc chuyển đổi tần số băng tần truyền hình, giải phóng hết toàn bộ băng tần từ 694 GHz trở lên dành cho băng rộng di động.
Tại Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước hiện đang cấp phép cho 3 băng tần 850/900 MHz, 1.800 MHz và 2.100 MHz dùng cho di động. Bộ TT&TT đã quyết định cho phép tất cả các nhà khai thác đang sử dụng những băng tần này được chuyển đổi từ 2G lên 3G và 4G.
Theo ông Đoàn Quang Hoan, “Chúng ta hiện chưa thể có tốc độ 4G thực tế bởi băng tần sử dụng cho 4G còn hạn chế và các doanh nghiệp chủ yếu khai thác trên băng tần 1.800 MHz”.
“Về lý thuyết, có bao nhiêu trạm cũng có thể sử dụng được băng tần 4G, tuy nhiên trên thực tế, tốc độ truy cập bị giới hạn bởi độ rộng băng tần và số lượng người sử dụng. Đây là lý do tốc độ 4G thực tế vẫn chưa thể đạt được tại Việt Nam”, người đứng đầu Cục Tần số Vô tuyến điện chia sẻ.
Ba nhà mạng lớn là Viettel, MobiFone và VNPT chiếm tới 95% thị phần di động tại Việt Nam.
Bao giờ có quy hoạch băng tần cho 5G?
Chia sẻ tại buổi hội thảo, ông Đoàn Quang Hoan cho biết 5G được phát triển với 3 mục tiêu. Các mục tiêu này bao gồm việc triển khai di động băng rộng với tốc độ rất cao, cung cấp dịch vụ kết nối IoT với số lượng kết nối cực lớn và cung cấp các dịch vụ có độ tin cậy siêu cao và độ trễ siêu thấp.
Trước thắc mắc về việc bao giờ 5G mới được triển khai, người đứng đầu Cục Tần số Vô tuyến điện cho biết đến 2019, ITU mới xác định băng tần nào dành cho các dịch vụ của 5G.
Danh sách 156 kênh truyền hình ở tần số 700MHz. Tất cả các kênh này sẽ được chuyển về băng tần dưới 694MHz hoặc phải dừng hoạt động vào năm 2020.
Khi nói về từng mục tiêu phát triển của 5G, ông Đoàn Quang Hoan cho biết việc cung cấp dịch vụ kết nối IoT với số lượng cực lớn và các dịch vụ có độ tin cậy siêu cao, độ trễ siêu thấp có thể đáp ứng ngay ở các băng tần phía dưới. Do vậy, điều này không đòi hỏi phải có băng tần khác.
“Độ tin cậy siêu cao mới chỉ thực hiện trong phòng thí nghiệm. Độ trễ siêu thấp đã được dùng để truyền video các pha biểu diễn tại Olympic mùa đông 2018 vừa diễn ra”, ông Đoàn Quang Hoan chia sẻ.
Theo người đứng đầu Cục Tần số Vô tuyến điện, 5G vẫn còn rất lâu nữa mới có thể triển khai ở Việt Nam, công việc trước mắt của chúng ta là quy hoạch băng tần 700MHz dùng cho di động.
Băng tần 700MHz có một ý nghĩa rất quan trọng. Đây là băng tần thấp nhất để cung cấp dịch vụ di động toàn cầu. Trước đây cũng đã có băng tần 450MHz dùng cho viễn thông điện lực, một số nước cũng đã sử dụng băng tần 600MHz nhưng rất hãn hữu. Do đó, băng tần 700MHz là băng tần thấp phổ biến nhất ở phạm vi toàn cầu. Đây cũng là băng tần thích hợp nhất cho băng rộng di động.