Dân Việt

Khám phá quan niệm thần tiên trú trong thân thể của Trung Quốc

Xuân Lộc (theo Toutiao) 06/04/2018 14:32 GMT+7
Người Trung Quốc quan niệm con người là một tiểu vũ trụ quy tụ đầy đủ sự âm dương biến hóa, ngũ hành sinh khắc. Đồng thời họ cũng cho rằng trong mỗi thân thể có rất nhiều thần tiên trú ngụ ở những cơ quan khác nhau.

Trong văn hóa Trung Hoa, trong cơ thể mỗi người chúng ta đều có sự tồn tại của các vị thần, mà số lượng không hề ít, lại được phân chia thành các cấp bậc khác nhau. Nhắc tới vấn đề này, xin giới thiệu một số những diễn giải cơ bản của văn hóa truyền thống Trung Quốc.

Đầu tiên là khái niệm “vũ trụ”. Từ ngày khai thiên lập địa, trong văn hóa truyền thống của Trung Quốc, đây là một khái niệm mô tả sự song hành của hai chiều không gian và thời gian.

img

Có thể nói đơn giản rằng, “tam giới” mà mọi người vẫn hay nhắc tới chính là 3 tầng của vũ trụ: thượng – trung – hạ. Thượng giới là thiên giới, nơi đây có các vị thần, tiên và những người phụ tá của họ; trung giới chính là nơi mà con người chúng ta và tất cả các loài sinh vật cư ngụ, theo cách nói của hiện đại thì còn được gọi là giới tự nhiên hay nhân giới. Còn hạ giới là nơi của địa ngục, của âm tào địa phủ, yêu ma quỷ quái, cũng được gọi là địa giới.

Cũng phải nói rằng, cách phân chia tam giới như trên và cách phân chia tam giới của Phật giáo là hoàn toàn không tương đồng. Tam giới của Phật giáo là dựa theo thuyết nhân quả báo ứng của nhà Phật mà phân định. Trong Phật giáo, tầng thấp nhất được gọi là “dục giới” bởi phàm là con người ai cũng có vật dục và có cái nhục dục. Tầng ở giữa là “sắc giới”, các vị ở đây đã chấm dứt được mọi ham muốn, ăn uống, nhưng vẫn còn có khoái lạc. Tầng cao nhất được gọi là “vô sắc giới”, là cõi giới vô hình vô tướng, không còn sắc, thanh hương, vị, xúc (cảm giác về hình dáng màu sắc, âm thanh, mùi, vị, tiếp xúc), chúng sinh ở cõi này chỉ còn ý thức, không còn thân thể hình bóng gì cả.

Họ cũng không dùng âm thanh ngôn ngữ để giao tiếp vì họ đã hòa lẫn vào nhau, không cần nói, không cần giao tiếp cũng hiểu nhau. Phân tích như vậy để thấy được rằng ngay từ xuất phát điểm, cách phân chia các giới của Phật giáo và của truyền thống Trung Hoa đã tồn tại sự khác biệt, tránh gây ra sự nhầm lẫn.

Người ta thường nói “Thiên địa nhất nhân thân, nhân thân tiểu thiên địa”, bởi vậy con người chúng ta cũng tương ứng có thể chia làm 3 tầng: thượng – trung – hạ. Mỗi một tầng đều có những vị thần tiên trấn giữ, nhưng thực ra đó là 3 loại thần trùng hay còn gọi là “Tam Thi”.

Tầng thứ nhất là phần đầu của con người. Trấn giữ khu vực này là Thượng thi. Thượng thi hay còn gọi là Bành Cư, làm con người thích ăn những thứ ngon ngọt, lại khiến người ta bị hoa mắt chóng mặt, tinh thần bất ổn.

Tầng thứ hai là phần tâm phúc của con người (ngực và bụng). Trấn giữ ở đây là Trung thi hay Bành Chất, làm con người dễ nóng giận, tham tiền tài, mê hoặc lòng người, nhiễu loạn tâm trí.

Và tầng thứ 3 là thận tạng. Thận vốn là nguồn gốc tinh khí tiên thiên của con người. Bên trong tầng này là thần Hạ Thi, cũng gọi là Bành Kiều. Nó có thể làm con người ham mê tính dục, hao tổn tinh khí gây ra trăm thứ bệnh cho cơ thể.

img

Sau khi đã nghe những giới thiệu trên đây, chắc hẳn mọi người phát hiện ra là 3 anh em “Tam Thi” không tốt đẹp gì. Thực vậy, thời cổ đại, loại bỏ “tam thi” chính là một trong những điều kiện quan trọng để con người có thể hồi phục sức khỏe khi lâm bệnh.

Người ta cũng sử dụng phương pháp để loại bỏ chúng cực kỳ đơn giản, được gói gọn trong 4 chữ: “Tịch cốc tuyệt thực” tức là người bệnh không ăn ngũ cốc, lương thực. Thêm nữa là họ mời đạo sĩ cao minh tới nhà vẽ bùa niệm chú mong giải trừ bệnh tật.

Ngoài “tam thi”, trong ngũ tạng của con người còn có thần minh, so với tam thi còn cao cấp hơn nhiều. Chúng không chỉ có danh (danh xưng) mà còn có tự (tên chữ).

Ngũ tạng tức tâm, can, tỳ, phế, thận.

Thần trong Tâm, danh gọi Đan Nguyên, tự Thủ Linh;

Thần trong Can, danh gọi Long Yên, tự Hàm Minh;

Thần trong Tỳ, danh gọi Thường Tại, tự Hồn Đình;

Thần trong Phế, danh gọi Hạo Hoa, tự Hư Thành;

Thần trong Thận danh gọi Huyền Minh, tự Dục Anh.

Theo truyền thuyết, người Trung Quốc thời xưa khi chữa các bệnh liên quan đến ngũ tạng, họ tin rằng chỉ cần niệm tên của các vị thần tương ứng với các cơ quan mắc bệnh, bệnh tình sẽ thuyên giảm.

Ngoài ra, trong cơ thể con người còn phân thành thượng, trung, hạ đan điền. Mỗi đan điền đều có một thần minh. Bao gồm Hộ Não chân nhân, Hộ Tâm xích tử, Hộ Tạng hư nhân. Họ cũng đều là các thiện thần. Có thể nói họ là những “vệ sĩ kiên cường” bảo vệ đan điền tránh khỏi các ngoại tà xâm nhập.

Có rất nhiều những diễn giải khác nữa về khía cạnh này, trong đó còn có thuyết rằng “thần minh trong cơ thể con người có tổng cộng 3 vạn 6 ngàn vị, tương ứng với 360 khớp xương, tất cả đều có tên gọi”.

Qua bài viết trên đây, có thể thấy rằng các quan niệm trên đây là những quan niệm dân gian dựa trên tín ngưỡng vạn vật hữu linh và ngày nay những thuyết này đều đã lùi vào dĩ vãng.