Lễ hội Cầu ngư tại xã Ngư Lộc diễn ra từ ngày 21-24.2 âm lịch hàng năm, là dịp để người dân Hậu Lộc nói chung và người dân xã Ngư Lộc nói riêng tưởng nhớ công đức to lớn của các vị thần linh và Đức Phật đối với đời sống của họ. Đây cũng là dịp để người dân gửi gắm những khát vọng về nghề đánh cá, ra khơi vào lộng được mưa thuận, gió hòa, trời yên, biển lặng, cuộc sống nhân dân ấm no, hạnh phúc.
Năm nay, lễ hội diễn ra trong bối cảnh đón bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nên không khí càng thêm phấn chấn.
Đông đảo người dân vùng biển Hậu Lộc (tỉnh Thanh Hóa) về dự Lễ hội Cầu ngư. Ảnh: HĐ
Lễ hội gồm 2 phần. Phần lễ được tổ chức trang nghiêm với việc khai trống, khai chiêng, biểu diễn trống hội, nhạc lưu thủy, lễ yên vị, lễ cầu an, rước cỗ, rước kiệu, đặc biệt là nghi lễ rước thuyền Long Châu - biểu tượng linh thiêng nhất của Lễ hội Cầu ngư.
Phần hội với nhiều hoạt động văn hóa, thể dục thể thao sôi nổi, mang đậm nét văn hoá truyền thống vùng biển như thi câu mực, đan lưới, cờ tướng, đập bóng, hát hò đối...
Bí thư Huyện ủy Hậu Lộc Nguyễn Văn Ấp đánh trống khai hội Lễ hội Cầu ngư. Ảnh: HĐ
Theo các cụ cao niên trong làng, Lễ hội Cầu ngư xuất phát từ Lễ hội Cầu mát của cư dân làng Diêm Phố. Lễ hội có từ khi làng mới thành lập vào thời nhà Hậu Lê, trải qua nhiều thế kỷ vẫn được bảo tồn và phát huy giá trị. Các vị thần được thờ ở Lễ hội này là: Tứ vị Thánh Nương, Đông Hải Đại Vương, Nẹ Sơn Tôn Thần, Nam Hải Đại tướng quân… Đây là lễ hội lớn nhất trong năm của xã, đồng thời cũng là lễ hội lớn nhất và đặc trưng nhất vùng ven biển xứ Thanh.
Đám rước dài 2km. Ảnh: BTH
Hàng năm, Lễ hội Cầu ngư thu hút đông đảo nhân dân, du khách thập phương tham dự với 81 dòng họ. 450 chiếc tàu đánh cá của xã Ngư Lộc đều về tham gia lễ hội.
Điều đặc biệt nhất, đám rước dài khoảng 2km và hàng trăm hương án của nhân dân bái lạy Long Châu suốt dọc đường rước về lễ đài, thể hiện lễ hội này là của nhân dân, do nhân dân sáng tạo, hưởng thụ, thực hành tín ngưỡng với lòng ước mong có cuộc sống tốt đẹp.
Lễ đón nhận bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho Lễ hội Cầu ngư, xã Ngư Lộc. Ảnh: HĐ
Trước đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra Quyết định số 3421/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trong đó có Lễ hội Cầu ngư tại xã Ngư Lộc.