“Trước đây nó là một đứa rất mạnh mẽ, “hầm hố”, nhưng nay lại cực kỳ yếu đuối. Nó không giao tiếp với bất kỳ ai và dễ dàng bật khóc khi có ai hỏi thăm về vụ cháy”, N., chị của A. nói.
Theo chị N., tối hôm đó ngay khi biết chung cư bị cháy, A. tức tốc cùng vài người hàng xóm chạy xuống đất. Nhưng chỉ mới xuống được vài tầng lầu, do ngạt khói và không thấy đường, tất cả lại chạy ngược lên trên và đập cửa xin một cư dân cho vào tránh nạn.
Vào được bên trong, họ tìm mọi cách ngăn không cho khói vào nhà. Sau hơn hai giờ cố thủ, sống trong nỗi hoang mang cực độ vì không biết tình hình bên ngoài thế nào và sống chết ra sao, cuối cùng tổng số 7 người của họ cũng được cảnh sát cứu hỏa tiếp cận và đưa xuống đất an toàn.
“Nó không hề hấn gì, căn hộ của nó cũng không bị ảnh hưởng, nhưng từ đó đến nay nó phải đi ăn nhờ ở đậu nhà bạn bè. Nó gầy rộc hẵn vì bỏ ăn uống và mất ngủ. Không biết khi nào nó mới xóa bỏ được ký ức kinh hoàng của ngày hôm đó”, N. nói tiếp.
Nạn nhân hỏa hoạn có thể bị sang chấn tâm lý nặng nề trong thời gian dài. (Ảnh: TLBY)
Theo các chuyên gia tâm lý, nạn nhân của các vụ hỏa hoạn ít nhiều đều bị những sang chấn tinh thần. Người an toàn, lành lặn như bác sĩ A. còn bị khủng hoảng như thế, huống chi người bị mất mát vật chất hay người thân.
Các chuyên gia của Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ (APA) cho biết việc mất nhà cửa do hỏa hoạn không đơn thuần là mất chỗ trú ngụ mà còn là mất nhiều thứ giá trị như album ảnh, tài liệu quan trọng và các đồ vật quý giá. Đặc biệt, do nhà là chỗ trú ngụ an toàn của mỗi người, nên khi nó không còn, cảm giác an toàn sẽ mất đi và phá vỡ đáng kể chuẩn mực an toàn của cuộc sống thường ngày mà người ta có được.
Những người rơi vào hoàn cảnh này thường trải qua nhiều giai đoạn sa sút tinh thần gồm sốc, giận dữ, trầm cảm và cảm giác thất vọng. Cuối cùng, họ đi đến giai đoạn chấp nhận và có thể tự vượt qua nỗi cay đắng, mất niềm tin và buồn bã. Những cảm giác tích cực rồi bắt đầu trỗi dậy với sự tập trung hướng về tương lai. Người ta bắt đầu cảm thấy an toàn, thoải mái và cuộc sống lại hướng về phía trước.
Tuy nhiên không phải nạn nhân hỏa hoạn nào cũng trải qua tiến trình tâm lý như thế. Một nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học Current Opinion in Psychiatry năm 2011 cho thấy tác động tâm lý trên những người này có thể khởi phát muộn hơn, tồn tại trong vòng nhiều năm trời, thậm chí có thể đến 20 năm.
Khanh, 32 tuổi, nạn nhân một vụ hỏa hoạn chung cư vào năm 2014 tại TP.HCM, là một thí dụ. Vụ cháy diễn ra lúc 19 giờ 30, bắt đầu từ tầng 2 của tòa cao ốc 25 tầng vì chập điện. Chỉ trong vài phút, khói sộc từ tầng dưới lên toàn bộ các tầng bên trên, điện tắt ngúm, tạo ra hỗn loạn cực độ cho toàn bộ cư dân.
Chị nhớ lại: “Cũng như nhiều người cùng tầng lầu, tôi mở cửa nhà chạy xuống dưới theo thang bộ, nhưng mới được vài bước thì phải chạy lại vào nhà vì sức nóng và khói ngạt tứ bề. Nhưng vào nhà cố thủ cũng không xong vì khói len theo các ngách cửa vào bên trong. Tôi phải chạy ra hành lang, kéo chặt cửa kính lại và kêu cứu rất lâu. May mắn cảnh sát cứu hỏa cũng nghe thấy và chạy lên cứu tôi”.
Vụ cháy lần đó không thiệt hại về người, mọi cư dân đều an toàn, nhưng gần 4 năm sau sự cố này, mỗi lần nghe tiếng còi cứu hỏa là Khanh lại thẩn thờ, rợn người và buồn bã, mất ngủ nhiều ngày trời.
Dĩ nhiên, những nạn nhân hỏa hoạn có tổn thương thể xác thường bị ảnh hưởng tinh thần nặng nhất. Ngày 20.2.2003, một hộp đêm ở TP West Warwick (Mỹ), bị cháy. Tại chỗ có 462 người, nhưng vụ cháy làm chết 100 người và 230 người bị những tổn thương do bỏng, ngạt khí và giẫm đạp lên nhau, tạo ra một trong những thảm kịch hỏa hoạn chết người lớn nhất trong lịch sử Mỹ.
Từ vụ cháy này, trong nhiều năm sau đó, một nhóm nghiên cứu đã theo dõi diễn biến các nạn nhân và nhận thấy ở những người bị bỏng xuất hiện tình trạng đau mạn tính kèm theo suy nghĩ tiêu cực và rối loạn cảm xúc. Hiện tượng này xuất hiện và tồn tại trong nhiều năm trời, thậm chí có người kéo dài đến 11 năm, làm ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Frontiers in Neurology vào năm 2014.
Trước đó, một nghiên cứu đăng trên tạp chí Burns năm 2011 cũng cho thấy 55% nạn nhân hỏa hoạn bị bỏng cũng trải qua các vấn đề tinh thần như lo âu, trầm cảm, mất ngủ trong vòng 6 tháng; 12% nạn nhân có những dấu hiệu của rối loạn stress sau chấn thương (PTSD).
Để vượt qua những sang chấn tâm lý trên, chuyên gia của APA đề nghị các nạn nhân sau hỏa hoạn thực hành các kỹ thuật giảm stress như thiền, thở sâu, tập luyện đều đặn; cho phép mình khóc lóc, la hét để xua tan những cảm xúc tiêu cực; không cô lập bản thân quá nhiều mà dành thời gian với người thân; ăn uống cân bằng; không dùng các chất làm ảnh hưởng đến tâm trạng không được bác sĩ kê toa như rượu và các loại thuốc...