Những chuyến bay đầy thử thách
Chia sẻ về khoảnh khắc gay cấn phải chuyển gấp quả tim trong ca ghép tạng xuyên Việt lần thứ 3, từ Bệnh viện 108 (Hà Nội) vào Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) ngày 26.2 vừa qua, ông Nguyễn Hoàng Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép các bộ phận cơ thể người cho biết: “Chúng tôi vừa làm vừa run vì không biết diễn biến tiếp theo sẽ như thế nào, liệu có kịp thời gian mang tim từ Bắc vào Nam an toàn, khỏe khoắn để ghép thành công cho người cần hay không”.
Ông Phúc cho biết, ở nước ngoài, việc vận chuyển tạng chỉ tối đa trong khoảng 500 dặm (hơn 800km), có máy bay trực thăng, vận chuyển tạng chuyên dụng, có sự hỗ trợ của cảnh sát dẫn đường. Họ có quy định, quy trình rõ ràng, chỉ cần có ca ghép tạng là mọi bộ phận đều vào cuộc, răm rắp. Còn ở Việt Nam vận chuyển quá xa, hơn 1.700km. Chúng ta cũng không có máy bay chuyên dụng, chỉ có thể vận chuyển bằng máy bay dân dụng, êkíp ghép tạng không thể làm chủ về thời gian, thậm chí việc mua vé gấp cũng rất khó khăn.
“Đối với ca chuyển tạng từ Bắc vào Nam vừa qua, chúng tôi không mua được đủ vé cho êkíp vận chuyển và chuyên gia ghép tạng. Dù trước đó, chúng tôi đã có văn bản hỏa tốc tới sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Việt Nam Airlines để nhờ giúp đỡ. Cuối cùng cả đoàn vẫn mang quả tim ra sân bay vì thời gian không thể trì hoãn. May mắn, GS Trịnh Hồng Sơn - Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép các bộ phận cơ thể người đã gặp được người quen, có khả năng can thiệp để tìm được 3 vé cuối cùng.
Sự phối hợp kỳ diệu trong mũi khâu tại một ca ghép gan tại Bệnh viện Việt Đức. ảnh: BSCC
Ca ghép tim đã rất thành công và trong chuyến bay sau, một quả thận cũng được mang từ Bắc vào Nam để ghép cho một người bệnh khác. “Quả tim sau khi lấy ra khỏi lồng ngực chỉ bảo quản được 6 tiếng, quả thận là 10 tiếng. Vì thế, bất cứ một trục trặc, trì hoãn, tắc đường, muộn bay đều có nguy cơ biến mọi nghĩa cử, mọi tấm lòng trở thành vô nghĩa” - GS Sơn chia sẻ.
Lần này, các bác sĩ đã có thùng đựng tạng chuyên biệt. Còn với 2 ca ghép tạng xuyên Việt trước đó, các bác sĩ Việt Nam đã tạo ra “kỳ tích” khi đựng tạng trong… thùng đựng kem.
“Các bác sĩ đã bỏ tạng vào túi nylon đựng dung dịch bảo quản, rồi bỏ vào thùng kem đựng đá. Để tránh xóc nảy, các bác sĩ đã phải “ôm khư khư” thùng tạng bên mình, không dám lơi là. Cứ 2 tiếng một lần, kể cả lúc trên máy bay, các bác sĩ lại giở “thùng kem” ra để bơm dung dịch bảo quản vào “tiếp sức” cho quả tim, quả thận, lá gan” - ông Phúc kể.
Cho đến khi hoàn thành ca ghép tạng xuyên Việt thứ 2 vào tháng 9.2015, Bộ Công an đã trao tặng Bệnh viện Việt Đức 2 hộp đựng tạng chuyên dụng. Nhờ đó, ca ghép tạng xuyên Việt lần 3 của các bác sĩ đỡ vất vả hơn.
Tổng cộng 3 quả tim, 1 quả thận, 1 lá gan đã có hành trình xuyên Việt để đến với người bệnh. Quá trình lấy tạng, ghép tạng từ người cho chết não cũng là một “trận chiến” cam go của đội ngũ hơn 100 bác sĩ khi cùng lúc phải thực hiện mổ lấy tạng, di chuyển, cấy ghép. Có nhiều lúc 3-4 bàn mổ cùng thực hiện một lúc. Các bác sĩ phải nhúng tay vào đá để bàn tay lạnh ngắt, đảm bảo khi lấy tạng, bóc tách đảm bảo nhiệt độ đủ lạnh để làm ngưng quá trình chuyển hoá của tế bào trong tạng. Những bác sĩ đứng phụ thay đá liên tục để đảm bảo đúng kỹ thuật. Việc đặt tạng, khâu nối từng mạch máu cũng phải đảm bảo chính xác, liên tục.
Với những ca ghép tạng xuyên Việt, nhiều bác sĩ đã không ngủ suốt 20-30 tiếng đồng hồ, đứng suốt 6-7 tiếng để thực hiện các ca ghép.
Nhớ về những chuyến bay đặc biệt của mình, GS Sơn cho biết, hình ảnh những đồng nghiệp ngồi bên cạnh những chiếc hộp đựng tạng nâng niu, chăm sóc sẽ khiến ông ấm áp suốt trong cuộc đời làm nghề. Chiếc hộp đầy đá giá lạnh chở tình cảm ấm áp của người hiến tạng và gia đình, của những bác sĩ vượt mọi khó khăn để cứu sống người bệnh.
Những dấu mốc sáng chói
Ca ghép phổi từ người cho chết não - Thiếu tá Lê Hải Ninh ngày 26.2 vừa qua tại Bệnh viện Quân đội T.Ư 108 một lần nữa ghi dấu mốc của lịch sử ghép tạng Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện thành công một ca ghép phổi từ người cho chết não.
Nói về ca ghép này, TS Ngô Vi Hải (Bệnh viện 108) - người tham gia ghép cho biết, ghép phổi là một trong những kỹ thuật rất khó của kỹ thuật ghép tạng, đặc biệt ghép phổi từ người hiến chết não thì càng khó khăn hơn. Vì phổi là cơ quan hô hấp nên khi cơ thể có sự thay đổi đều ảnh hưởng đến phổi, dễ bị nhiễm khuẩn. Ghép phổi khó vì khả năng nhiễm trùng của bệnh nhân được ghép rất lớn. Ghép phổi từ người cho chết não càng khó khăn hơn vì người hiến đã có thời gian phải chịu trợ giúp của máy móc, phổi hoạt động đã rất kém, dễ bị tổn thương. Quá trình lấy phổi từ người đã chết não diễn ra trong tình huống cấp cứu chứ không thể chủ động như khi lấy phổi từ người hiến còn sống hiến một phần của lá phổi. Vì vậy đòi hỏi kỹ thuật viên lấy tạng phải rất nhanh chóng và chính xác.
Chia sẻ về kỹ thuật ghép tạng của Việt Nam, GS Nguyễn Tiến Quyết - chuyên gia ghép tạng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt Đức khẳng định, các bác sĩ Việt Nam dù đi chậm hơn thế giới nhưng trình độ không thua kém. Tuy nhiên, nguồn tạng của Việt Nam quá ít, kinh tế còn khó khăn nên các ca ghép còn quá ít so với nhu cầu ghép tạng và khả năng của đội ngũ bác sĩ Việt Nam.
Theo GS - TS Trịnh Hồng Sơn - Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép các bộ phận cơ thể người, nhu cầu được ghép tạng hiện nay rất lớn. Theo một nghiên cứu nhỏ của Trung tâm, chỉ riêng Hà Nội đã có hơn 2.200 người cần ghép thận. Rất nhiều người nếu không được ghép tạng ngay thì sự sống chỉ còn tính bằng ngày, bằng tháng. Tuy nhiên, nguồn tạng hiện nay rất hiếm.
Sau ca ghép phổi từ người cho chết não thành công, Trung tướng Mai Hồng Bàng cũng khẳng định, bệnh viện sẽ tiếp tục nghiên cứu để tiến hành các ca ghép tạng đầu tiên ở Việt Nam khác như ghép ruột, ghép tử cung…
Các dấu mốc ghép tạng của Việt Nam - Ngày 26.2.2018: Lần đầu tiên ghép phổi từ người cho chết não thành công tại Bệnh viện Quân đội T.Ư 108. - Ngày 21.2.2017: Ca ghép phổi từ người cho sống đầu tiên của Việt Nam do các bác sĩ Bệnh viện Quân y 103 thực hiện. Bệnh nhân được ghép phổi là bé Ly Chương Bình (7 tuổi, ở Hà Giang), được nhận phổi từ 2 người cho là bố và bác ruột. - Năm 2010: Ca ghép tim đầu tiên của Việt Nam tiến hành thành công tại Bệnh viện Quân y 103. Bệnh nhân được ghép tim là anh Bùi Văn N (48 tuổi), bị bệnh cơ tim thể giãn, suy tim độ 4. - Năm 2004: Ca ghép gan đầu tiên do Bệnh viện Quân y 103 thực hiện. Bé gái (10 tuổi, Nam Định) được ghép gan từ người cho là bố đẻ. - Năm 1992: Ca ghép thận và cũng là ca ghép tạng đầu tiên ở Việt Nam, với người nhận là Vũ Mạnh Đ (40 tuổi) bị suy thận giai đoạn cuối từ người hiến là em trai ruột 28 tuổi tại Bệnh viện Quân y 103. |