Tại sao một sự thông cảm của tổng giám đốc một ngành, với sự nghèo khó của người lao động ngành mình, lại không nhận được sự thông cảm. Rất đơn giản là bởi đây mới chỉ là lương "để hạch toán vào giá thành điện". Có nghĩa là mỗi đồng tăng thêm của giá điện, mỗi hào tăng thêm trong đồng lương ngành điện đều do nhân dân chịu cả. Có nghĩa là chưa tính thưởng. Đây còn là lời than nghèo, kêu lỗ để đòi tăng giá điện.
Nhưng thành thị không phải chỉ toàn người của EVN. Và nếu lương 7,3 triệu của một ngành như EVN không sống nổi thì các ngành khác, hay tệ hơn là hơn 11% dân số sống ở mức 400-500 nghìn/tháng, theo chuẩn nghèo, có còn được gọi là sống?
Một báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam công bố một tháng trước đây cho ra những thông số thảm hại: 73,4% số người lao động có mức lương dưới 3 triệu đồng/tháng (dưới mức sống tối thiểu). Mức lương bình quân chỉ đủ đáp ứng 80-90% nhu cầu dinh dưỡng để tái sản xuất sức lao động. Và đó là mức đủ để "mua" 56,7-62,5%, mức sống tối thiểu thực tế.
Trong chính ngày tổng giám đốc của EVN than vãn lương thấp, 19.11, báo chí kể chuyện cô giáo Bùi Thị Luyến: "Tôi không hề muốn bỏ việc, bản thân có 29 năm gắn bó với lũ trẻ làng. Từ lúc đất nước còn khó khăn, chúng tôi phải nhận lương 3-4kg gạo mỗi tháng. Nay lạm phát, giá cả tăng cao nhưng tôi cũng chỉ nhận khoản tiền lương trên 500.000 đồng/tháng, ngoài ra không có hỗ trợ gì khác nên đời sống rất bi đát".
Chủ trương cải cách tiền lương giai đoạn 2008-2012 theo hướng, bảo đảm cho công chức sống được bằng lương ở mức trung bình khá trong xã hội.
Nhưng đến tận bây giờ, khi năm 2011 sắp sửa kết thúc, vẫn còn những câu chuyện hơn 15 nghìn đồng cho một ngày công giáo viên, tổng giám đốc của EVN vẫn kết luận lương 7,3 triệu, mức đủ để đóng thuế thu nhập cao là "không sống nổi", và Quốc hội vẫn còn đang băn khoăn nghiên cứu làm sao để "lương tổi thiểu phải bám sát đời sống tối thiểu", làm sao để lương theo nổi chỉ số giá.
Anh Đào