Gần một tuần trước, chị Đỗ Thị Hoa nhận được tin nhắn của một nhà mạng về việc bổ sung ảnh cá nhân cho số điện thoại thuê bao trả trước đã dùng hơn chục năm. Vì tin nhắn khá dài, chị tưởng quảng cáo nên bỏ qua. Mấy hôm nay nghe bạn bè, người thân bàn tán xôn xao quy định nộp ảnh chân dung, chứng minh thư cho nhà mạng nếu không sẽ bị cắt số, chị mới giật mình.
Chị Hoa nói thấy khó hiểu với mục đích quản lý của quy định này, bởi đăng ký sở hữu ôtô, nhà đất cũng không yêu cầu phải nộp ảnh. Nhưng sợ bị cắt số điện thoại, chị cho hay sẽ thực hiện yêu cầu trên và mong nhà mạng bảo mật tốt để thông tin khách hàng không bị lộ ra ngoài.
Nhà mạng gửi thông báo cho khách hàng yêu cầu gửi ảnh cá nhân. Ảnh: I.T
Việc chụp ảnh chủ thuê bao nói trên là nội dung trong Nghị định 49/2017 (sửa đổi, bổ sung Nghị định số 25/2011/NĐ-CP) quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông. Theo đó, các thuê bao hòa mạng trước ngày Nghị định 49 có hiệu lực (24.4.2017), chủ thuê bao phải cung cấp ảnh chụp cho doanh nghiệp viễn thông. Nếu quá hạn quy định mà chủ thuê bao không thực hiện, doanh nghiệp có quyền khóa một chiều sau 15 ngày gửi tin nhắn và khóa hai chiều sau 15 ngày tiếp theo. Quy định này có hiệu lực từ 24.4.
Nhận định việc doanh nghiệp yêu cầu một số thuê bao phải bổ sung ảnh chụp chân dung là đúng tinh thần của nghị định, tuy nhiên luật sư Vũ Tiến Vinh cho rằng quy định này chưa khả thi bởi một số lý do.
Thứ nhất, Nghị định không quy định nói rõ chủ thuê bao có thể tự chụp rồi gửi cho doanh nghiệp hay chỉ doanh nghiệp mới có quyền chụp. Nếu khách hàng tự chụp, tự gửi thì doanh nghiệp không kiểm soát được tính chân thực. Còn nếu doanh nghiệp phải thực hiện việc chụp ảnh thì lại chưa có chính sách hỗ trợ người già yếu, ở vùng sâu vùng xa hoặc người đang nằm viện, công tác xa… Trong khi đó, người đang thi hành án muốn nhờ người thân ở nhà duy trì số thuê bao đã đăng ký thì cũng không thể đến điểm giao dịch để chụp ảnh.
Thứ hai, hình ảnh cá nhân của chủ thuê bao có thể lọt ra ngoài qua các lỗ hổng an ninh mạng mà doanh nghiệp gặp phải. Điều này có khả năng cao xảy ra trong thực tế. Doanh nghiệp khó lòng cam kết bảo vệ an toàn tuyệt đối khách hàng với hình ảnh của họ. Trường hợp này, trách nhiệm của doanh nghiệp như thế nào thì chưa được quy định rõ.
Thứ ba, mục tiêu quản lý nhà nước khi yêu cầu chủ thuê bao cung cấp ảnh chụp là không rõ ràng, thậm chí là không đáp ứng được mục tiêu quản lý nếu có. Bởi quản lý công dân, quản lý tài sản của công dân thì thường dựa trên số chứng minh nhân dân, thẻ căn cước, đặc điểm sinh trắc học như vân tay, mống mắt… Với tài sản có giá trị lớn như nhà đất, ôtô, chủ tài sản cũng chỉ xuất trình giấy tờ tùy thân chứ không phải cung cấp ảnh chụp cho cơ quan quản lý.
"Chẳng hạn, chủ thuê bao nếu mất điện thoại, nếu muốn xin cấp lại simcard thì doanh nghiệp “xem mặt” có giống với ảnh trong hệ thống hay không thì mới cấp chăng?", luật sư thắc mắc.
Với các phân tích trên, luật sư Vinh kiến nghị nhà chức trách xem xét lại quy định này để có những điều chỉnh phù hợp; đáp ứng chủ trương của Chính phủ trong việc cắt giảm thủ tục hành chính rườm rà, gây khó khăn cho người dân.
Trước những lo ngại về kẽ hở và các thủ tục trong quá trình cung cấp ảnh, đại diện Viettel - nhà mạng giữ thị phần lớn nhất - cho biết, chủ thuê bao có 4 phương thức để cập nhật thông tin. Một là đến điểm giao dịch, hai là tới các gian hàng lưu động do Viettel tổ chức; ba là dùng ứng dụng My Viettel và cuối cùng là cập nhật tại nhà. Phương thức thứ tư chỉ áp dụng cho khách hàng tuổi cao, sức khỏe yếu, đi lại khó. Nhóm khách này có thể gọi tới tổng đài để yêu cầu nhân viên nhà mạng hỗ trợ.
Với khách hàng doanh nghiệp lớn, Viettel cũng cử người đến tận nơi. Nhà mạng này cho biết đang liên hệ các doanh nghiệp tạo điều kiện cho tiếp cận chuẩn hóa thông tin thuê bao cho cán bộ nhân viên ngay tại nơi làm việc.
VinaPhone cũng cho biết sẽ mở cửa các điểm giao dịch trên toàn quốc đến 21h, và mở thêm nhánh 3 tổng đài 18001091 để giải đáp và hướng dẫn khách hàng cập nhật thông tin thuê bao. Khách hàng cũng có thể chụp ảnh chân dung, chứng minh nhân dân và các thông tin khác rồi gửi vào email hoặc qua ứng dụng di động My VinaPhone.
Tương tự, khách hàng của MobiFone cũng có thể ra cửa hàng chính thức của nhà mạng hoặc các điểm cung cấp dịch vụ của đơn vị này (khoảng 14.500 điểm) để cập nhật thông tin. Ngoài phương thức trên, chủ thuê bao có thể truy cập website của MobiFone để khai báo.
Về lo ngại thông tin khách hàng bị lợi dụng, đại diện các doanh nghiệp viễn thông khẳng định sẽ không để xảy ra tình trạng này.
"Ảnh và thông tin cá nhân của khách hàng được lưu trữ trên cơ sở dữ liệu tập trung và chỉ sử dụng trong việc quản lý thuê bao theo quy định của pháp luật. MobiFone đảm bảo bí mật thông tin khách hàng theo đúng Luật Viễn thông và các quy định hiện hành", đại diện nhà mạng nói.
Còn lãnh đạo Viettel khẳng định việc đảm bảo an toàn và bí mật thông tin thuê bao là trách nhiệm của doanh nghiệp, đã được quy định trong Luật An toàn thông tin mạng và Nghị định số 174/2013 của Chính phủ. Vì thế, nhà mạng sẽ triển khai các biện pháp để đảm bảo điều đó.
Theo Nghị định 49, việc ký hợp đồng thuê bao với khách hàng chỉ được thực hiện tại các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông. Địa điểm giao kèo này phải có đủ trang thiết bị để nhập thông tin, số hóa giấy tờ của các cá nhân, tổ chức; chụp ảnh người trực tiếp đến đăng ký thuê bao. Ảnh phải có thông tin về thời gian (ngày, giờ) chụp.
Khi đăng ký, cá nhân, tổ chức có trách nhiệm xuất trình giấy tờ: bản chính hộ chiếu hoặc chứng minh thư, thẻ căn cước còn hạn sử dụng; bản chính hoặc sao được chứng thực quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế hoặc giấy phép đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Thông tin thuê bao được coi là đầy đủ phải gồm: số thuê bao; thông tin trên giấy tờ tùy thân của cá nhân, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, bản số hóa toàn bộ các giấy tờ của cá nhân, ảnh chụp người đăng, hình thức thanh toán giá cước, họ tên nhân viên giao dịch; thời gian thực hiện; địa chỉ và số điện thoại liên hệ của điểm cung cấp dịch vụ viễn thông…