Dân Việt

Các thành viên Chính phủ thực hiện lời hứa thế nào

22/11/2011 06:48 GMT+7
(Dân Việt) - Hôm qua (21.11), các đại biểu Quốc hội nhận được báo cáo tổng hợp việc thực hiện lời hứa qua hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 8 và thứ 9, Quốc hội khóa XII.

Kiểm điểm vụ hồ chứa bùn

Về vấn đề an toàn tại hồ chứa bùn đỏ trong các dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên, Bộ Công Thương cho biết đã chỉ đạo chủ đầu tư thuê đơn vị tư vấn nước ngoài có kinh nghiệm, uy tín để tái thẩm định thiết kế hồ bùn đỏ Tân Rai. Bộ cũng tổ chức nhiều đoàn khảo sát, nghiên cứu, rút kinh nghiệm về đảm bảo an toàn cho các dự án bauxite.

img
Chính phủ cam kết sẽ tăng đầu tư, phát triển giao thông công cộng để giải bài toán ùn tắc .

Bản báo cáo thẳng thắn nhìn nhận, sự cố rò rỉ xút ở Dự án Tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng xảy ra trong thời gian gần đây là điều đáng tiếc, nguyên nhân chủ yếu do ý thức của người thi công. Nhờ khắc phục kịp thời nên theo đánh giá ban đầu, mức độ ảnh hưởng đến môi trường là không đáng kể.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng đã yêu cầu các cơ quan liên quan tổ chức kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm, khẩn trương khắc phục hậu quả của sự cố, giải quyết bồi thường thiệt hại (nếu có) cho các hộ dân bị ảnh hưởng; đồng thời khẩn trương lập và phê duyệt biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất theo quy định.

Liên quan đến Vinashin, Bộ GTVT cho biết, trách nhiệm của Bộ đã được nêu rõ tại kết luận của Thanh tra Chính phủ. Khuyết điểm của Bộ là chưa kiên quyết có những giải pháp kịp thời và hiệu quả để yêu cầu Hội đồng Quản trị Vinashin xây dựng, trình Thủ tướng ban hành điều lệ tổ chức và hoạt động, bổ nhiệm hoặc thuê tổng giám đốc điều hành; chưa phát hiện kịp thời những yếu kém và cố ý làm trái trong hoạt động của tập đoàn để chủ động đề nghị các cơ quan chức năng báo cáo Thủ tướng ngăn chặn, xử lý. Qua một năm thực hiện tái cơ cấu, Bộ đã hướng dẫn, phối hợp chặt chẽ với Vinashin, trực tiếp tháo gỡ khó khăn để tập đoàn từng bước ổn định sản xuất kinh doanh.

Di dời trụ sở, trường học

Báo cáo về các giải pháp đẩy lùi tai nạn giao thông (TNGT) trong cả nước và ùn tắc giao thông (UTGT) ở các thành phố lớn cũng vừa được gửi đến các đại biểu Quốc hội.

Về nguyên nhân gây ra TNGT, Chính phủ nhấn mạnh đến công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông của các cấp còn nhiều thiếu sót; ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của người tham gia giao thông còn rất kém; cơ sở hạ tầng giao thông được đầu tư không đáp ứng kịp với tốc độ phát triển của xã hội… Chính phủ đặt ra mục tiêu giảm 5 - 10% số vụ tai nạn, số người chết, bị thương do tai nạn giao thông hằng năm.

Theo báo cáo, trong 10 tháng đầu năm 2011, toàn quốc xảy ra 11.036 vụ TNGT, làm chết 9.265 người, bị thương 8.379 người. So với cùng kỳ năm 2010, giảm được 181 vụ (giảm 1,61%), giảm 118 người chết (giảm 1,26%), tăng 214 người bị thương (tăng 2,62%). Bình quân mỗi năm nước ta có 11.929 người chết và 9.290 người bị thương do TNGT gây ra. “Thiệt hại về người và tài sản do TNGT gây ra đang là một thảm họa và có thể coi là quốc nạn mà chúng ta cần kiên quyết giảm thiểu” - báo cáo nhấn mạnh.

Về giải pháp cấp bách, Chính phủ sẽ quy định trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, cán bộ, công chức đối với nhiệm vụ giảm thiểu TNGT và chống UTGT. Tăng cường hiệu quả trong công tác phối hợp thực hiện giữa các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương. Chính phủ cũng nhấn mạnh sẽ đẩy mạnh phong trào chống tiêu cực trong khi thi hành nhiệm vụ tuần tra, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông.

Về thực trạng UTGT tại Hà Nội và TP.HCM, các giải pháp được đưa ra để giải quyết vấn đề này là tăng quỹ đất dành cho giao thông đô thị theo Luật Giao thông đường bộ (16-26%). Chính phủ khẳng định thực hiện di dời trụ sở các cơ quan hành chính nhà nước, các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, dừng ngay việc đầu tư mở rộng các bệnh viện trong khu vực trung tâm thành phố.

Ngoài ra, Chính phủ sẽ đầu tư, phát triển giao thông công cộng, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân; thu phí ô tô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm. Đặc biệt, sẽ giải phóng vỉa hè dành cho người đi bộ, lòng đường dành cho phương tiện tham gia giao thông… bố trí lệch giờ làm việc, học tập trong ngày giữa các đối tượng: Học tập, làm việc, kinh doanh.

Mỗi năm 12.000 người chết vì tai nạn giao thông

Ngày 21.11, Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế và Bộ GTVT tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới tưởng niệm nạn nhân TNGT.

Theo WHO, mỗi năm Việt Nam có gần 12.000 người chết do TNGT và hàng nghìn người khác phải hứng chịu hậu quả bệnh, tật di chứng mà TNGT để lại. Do vậy, Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu của Thập kỷ là giảm 5 triệu người chết và 50 triệu người bị thương do TNGT. Chiến lược của Việt Nam giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2030 đã đặt mục tiêu giảm 40% số người chết do TNGT.