Bên cạnh đó, có cử tri gửi trực tiếp kiến nghị đề nghị làm rõ những khuất tất của Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang.
Theo đó, cử tri ở tỉnh Bình Dương kiến nghị: Sau những thông tin trên một số báo gây hiểu lầm về tiền chất PSE là chất gây nghiện, dù Bộ Y tế đã có văn bản đính chính nhưng trên thị trường thuốc tân dược vẫn tăng giá nhất là các loại thuốc điều trị cảm cúm, viêm mũi, viêm xoang có chứa tiền chất PSE đã đồng loạt tăng giá. Actifed trước đây giá 600 đồng/viên thì nay tăng lên 4.500 đồng/viên.
Tương tự, Woaheader giá trước đây 300 đồng/viên thì nay tăng lên 4.500 đồng/viên, có loại tăng lên đến 18 lần. Cử tri đề nghị Bộ Y tế có biện pháp giải quyết tình trạng này.
Khảo sát tại chợ thuốc sỉ tại TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Hà Nội thời gian qua đều rất hiếm các loại thuốc cảm cúm có chứa thành phần PSE do các doanh nghiệp trong nước sản xuất trong khi tràn ngập các loại thuốc ngoại nhập lậu. Điều đáng lo ngại là, ngay sau khi một số tờ báo đăng thông tin gây hiểu lầm, đã có hiện tượng các đầu nậu thao túng thị trường.
Theo ông Ngô Phong Thánh – một “trùm” phân phối thuốc tân dược, cùng một hoạt chất nhưng tên thuốc khác nhau, có người mua thuốc trong nước đem ra nước ngoài bán nhưng có người lại mua loại thuốc đó từ nước ngoài đem về bán tại thị trường VN. Việc này vừa gây hại cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước, vừa tạo điều kiện cho giới đầu cơ trục lợi.
Trước đó, như Báo NTNN đã phản ánh, Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang đã cho rằng PSE là chất gây nghiện và còn thông tin lấp lửng rằng: Bọn tội phạm đang lợi dụng thu gom thuốc cảm cúm có chứa tiền chất PSE để tổng hợp ra ma túy (ngay sau thông tin này đăng trên mặt báo thị trường thuốc cảm cúm đã biến động mạnh như đã nói ở trên).
Sau đó, dù Bộ Y tế đã có văn bản chính thức khẳng định tiền chất PSE không phải là chất gây nghiện hay ma túy nhưng một tờ báo ở TP.HCM khi phỏng vấn ông Cao Minh Quang - Thứ trưởng Bộ Y tế - vẫn tiếp tục cho rằng PSE là chất gây nghiện.
Về việc này, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo Thanh tra Chính phủ làm rõ nội dung đơn tố cáo của BV Pharma về việc ông Quang đã vu khống BV Pharma bán nguyên liệu PSE ra thị trường và dùng bột bắp để sản xuất thuốc giả đồng thời cung cấp thông tin sai sự thật cho một số tờ báo gây hiểu lầm về tiền chất PSE là chất gây nghiện.
Cũng liên quan đến những khuất tất của Thứ trưởng Cao Minh Quang, cử tri Ngô Minh Nho – đảng viên, cựu chiến binh ở TP.HCM – cũng đã có văn bản kiến nghị gửi đến Ban Dân nguyện.
Cử tri Ngô Minh Nho đặt vấn đề về quyết định ngưng nhập khẩu nguyên liệu PSE của ông Cao Minh Quang dựa theo văn bản hay quy định nào của Bộ Y tế hay chỉ là phát ngôn tùy hứng của ông Cao Minh Quang trên mặt báo (từ đó dẫn đến xáo động thị trường thuốc như đã nói ở trên). Như vậy, thiệt hại của các doanh nghiệp Việt Nam khi không tiêu thụ được thuốc cảm cúm có chứa PSE ai sẽ chịu trách nhiệm?
Các doanh nghiệp đã chuẩn bị sản xuất, ký kết các đơn hàng thuốc có chứa PSE phải bị ngưng trệ thì thiệt hại này ai chịu? Ông Cao Minh Quang khi cung cấp thông tin gây hiểu lầm về tiền chất PSE là chất gây nghiện thì bị xử lý như thế nào? Những thông tin này gây tăng giá đột biến thuốc cảm cúm sẽ xử lý ra sao?...
Cử tri Ngô Minh Nho thắc mắc vì sao Bộ Y tế lại sử dụng một người có bằng tiến sĩ dỏm như ông Cao Minh Quang để quản lý lĩnh vực liên quan đến sức khỏe người dân? Đối với 8 doanh nghiệp dược phía Nam đồng ký đơn tố cáo tập thể tố cáo Cục Quản lý dược Bộ Y tế, bước đầu các cơ quan chức năng đã xác định là tố cáo không có cơ sở.
Trong khi đó, 3 trong số các doanh nghiệp dược tố cáo này gồm Công ty cổ phần Dược phẩm Imexpharm, Công ty cổ phần Dược phẩm Minh Hải và Công ty cổ phần Dược phẩm Stada VN lại có những vi phạm nghiêm trọng trong hoạt động sản xuất, mua bán thuốc có chứa chất gây nghiện, chất hướng thần và tiền chất PSE.
Cử tri Ngô Minh Nho đề nghị cần làm rõ những khuất tất của Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang mà báo chí đã nêu trong một thời gian dài vừa qua.
Minh Anh – Đức Phúc