Dân Việt

Nga công bố tài liệu mật, bà May lâm thế bí?

Ngọc Việt 11/04/2018 16:38 GMT+7
Thủ tướng Anh đã tự đưa mình vào thế bí, phải tìm ra chứng cứ buộc tội Nga, phải trưng ra hồ sơ chứng minh nhà nước Nga tài trợ ám sát...

Nga cho công bố tài liệu mật liên quan tới trách nhiệm của Thủ tướng May

Sputnik ngày 10.4 cho hay, Văn phòng Tổng Công tố Nga đã công bố một loạt các tài liệu chứng minh London cố tình không hợp tác với Moscow điều tra nhiều vụ việc liên quan trách nhiệm hai bên, trong đó có cái chết của tài phiệt Boris Berezovsky.

Tài liệu của Văn phòng Tổng Công tố Nga bao gồm nhiều thư tín công vụ - mang tính chất thông tin mật của nữ Thủ tướng Theresa May khi bà còn đang là Bộ trưởng Nội vụ Anh.

Những thư tín này được đăng tải trên Telegram của Văn phòng Tổng công tố Nga. Trong tổng số 16 thư tín được công bố, có 1 bức thư gửi đến cá nhân bà May.

 Đó là bức thư tay của Phó Tổng công tố Nga gửi cho bà May vào năm 2010.

img

Bà đầm thép đệ nhị đã tự mình đưa mình vào thế bí

Trong thư, Phó Tổng công tố Nga Saak Karapetyan đề cập đến việc giới chức Anh chưa có đủ các biện pháp cần thiết để đảm bảo sự an toàn của những người có liên quan trong quá trình điều tra hình sự nhà tài phiệt Nga Berezovsky.

"Lá thư này và các thư tín trao đổi sau đó của Văn phòng Tổng công tố Nga với bà Theresa May cho đến lúc này vẫn chưa hề có phản hồi", thông cáo của Văn phòng Tổng công tố Nga cho biết.

Ngày 9.4, Văn phòng Tổng Công tố Nga đã tổ chức họp báo về tình huống ngộ độc cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái của ông, Yulia.

Văn phòng chỉ ra rằng trường hợp Skripal, Berezovsky và Litvinenko đều cùng một kịch bản.

Berezovsky, người đã tham gia vào nhiều vụ án hình sự ở nhiều quốc gia khác nhau, và đã chết ở nhà riêng tại London vào năm 2013. Cái chết của ông được xác định là một vụ tự sát, nhưng London cáo buộc Moscow đứng sau vụ việc.

Litvinenko, cựu điệp viên Nga và sang Anh năm 2000 sau khi một số vụ án hình sự được mở ra chống lại ông ta. Ông Litvinenko được xác nhận là bị đầu độc bằng polonium-210 vào tháng 11.2006 và London đã khẳng định Moscow là thủ phạm.

Cố vấn Tổng Công tố Nga Nikolai Atmonyev cho hay, chính quyền Nga có thông tin cho thấy Berezovsky dính dáng đến việc sát hại cựu điệp viên Alexander Litvinenko, nên đã gửi 39 yêu cầu tới Anh trong thời gian 2006-2011 liên quan đến Berezovsky.

"Tôi có mọi lý do để khẳng định Berezovsky dính dáng đến việc loại bỏ Litvinenko vào thời điểm đó", ông Atmonyev quả quyết. Tiếc thay Nga đã không nhận được bất kỳ tài liệu nào từ chính quyền Anh.

Cuối cùng cả Alexander Litvinenko lẫn Boris Berezovsky đều bị sát hại trên lãnh thổ Anh và London đều khẳng định Moscow là tác nhân trực tiếp.

Song khi Văn phòng Tổng công tố Nga công bố tài liệu mật, dường như London mới là tác nhân thực sự.

img

Phó Tổng công tố Nga Saak Karapetyan công bố tài liệu mật

Phó Tổng công tố Nga Karapetyan cho biết, Moscow buộc phải công bố các bức thư tín bởi thái độ thiếu hợp tác của London trong điều tra vụ cựu điệp viên nhị trùng Sergei Skripal nghi bị đầu độc.

Ông Karapetyan cáo buộc chính quyền Anh vi phạm luật pháp quốc tế khi "bưng bít" thông tin các vụ việc liên quan đến cựu điệp viên Sergei Skripal cũng như Alexander Litvinenko và Boris Berezovsky.

Điều đáng nói là dù bưng bít như vậy, song London lại dựa vào đó để đưa ra những cáo buộc vô căn cứ đối với Moscow, rồi lấy đó làm cơ sở cho việc thúc đẩy gia tăng xung đột với Nga, thậm chí áp trừng phạt Nga như trong vụ đầu độc Skripal.

Văn phòng Tổng công tố Nga còn cho biết, trong 15 năm qua, London đã từ chối 60 yêu cầu của Moscow về dẫn độ người Nga bị cáo buộc phạm tội, rồi 55 trong số đó được cấp quy chế tị nạn ở Anh.

"Trong vòng 15 năm qua, Nga đã gửi 83 yêu cầu dẫn độ tới các cơ quan liên quan của nước Anh, trong đó có 72 người bị buộc tội hoặc đã bị kết án tham ô với số tiền 500 tỷ rúp (trên 8,5 tỷ USD).

Tính đến hôm nay, 60 trong số 83 yêu cầu đã bị từ chối. Tôi muốn chỉ ra rằng trong 55 trường hợp bị từ chối, có những người đã được công nhận là tị nạn chính trị hoặc là nạn nhân của một cuộc bức hại chính trị ".

Điều đáng nói là, theo Phó Tổng công tố Nga Karapetyan, các yêu cầu của Moscow bị London từ chối phần lớn nằm trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến năm 2016, thời điểm bà Theresa May đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Nội vụ Anh.

Như vậy, theo những gì mới được Văn phòng Tổng công tố Nga công bố, cho thấy hàng chục năm qua chính quyền Anh bao che tội phạm, chính trị hoá tội phạm hình sự và có liên quan tới những cái chết bí ẩn của những người Nga phản bội Tổ quốc.

Tổng thống Putin chơi cờ hiểm

img

Thủ tướng May chưa thể là đối thủ của Tổng thống Putin

Còn nhớ, chiều ngày 12.3 phát biểu trước Quốc hội Anh về việc Nga bị cho có  liên quan đến vụ cựu điệp viên Skripal bị đầu độc, nữ Thủ tướng May tuyên bố đây là “nỗ lực điên cuồng giết người vô tội trên đất nước chúng ta”, theo Euronews.

Cho dù, ngay từ lời phát biểu đầu tiên của "bà đầm thép đệ nhị", dư luận đã mường tượng ra một kịch bản được London dàn dựng rồi đổ vấy trách nhiệm cho Moscow, song nữ Thủ tướng vẫn quyết khẳng định quan điểm và đã bị hở sườn.

Bà May tuyên bố: “Là quốc gia tin tưởng vào công lý và pháp quyền, chúng tôi tiến hành đúng cách thức - không phải bằng cảm tính mà là bằng chứng.

Vì vậy chúng tôi cung cấp cho cảnh sát không gian và thời gian để tiến hành điều tra một cách hợp lý”.

Và bà May kết luận: "Từ hồ sơ của Nga về các vụ ám sát do nhà nước tài trợ, theo chúng tôi những người đào thoát là mục tiêu hàng đầu cho các vụ ám sát, Chính phủ cho rằng nhiều khả năng Nga hành động chống lại Sergei và Yulia Skripal". 

Theo các nhà quan sát, nữ Thủ tướng Anh trong cơn cao hứng đã vô tình đưa mình vào thế bí - bởi từ tuyên bố của bà May, London phải tìm ra chứng cứ để buộc tội Nga và phải trưng ra hồ sơ những vụ ám sát do nhà nước Nga tài trợ.

Đây đều là những điều gần như không tưởng và với kinh nghiệm của một điệp viên KGB kỳ cựu, Tổng thống Putin đã nhanh chóng tấn công vào điểm chết người này, buộc Thủ tướng May phải biến điều không tưởng thành sự thật.

Moscow luôn yêu cầu phải có bằng chứng chứng minh diễn tiến sự việc và đến nay thì có thể khẳng định London không thể đáp ứng. 160 quốc gia khác cũng kêu gọi London đưa ra bằng chứng.

Biết bà đầm thép đệ nhị đuối lý, cựu điệp viên KGB quyết tung đòn hiểm khi cho công bố tài liệu mật liên quan đến trách nhiệm của London trong các vụ án hình sự xuyên quốc gia, đặc biệt là tội phạm hình sự Nga được Anh chính trị hoá.

img

Tổng thống Putin đã nhận diện nguy hiểm của cả Alexander Litvinenko và Boris Berezovsky khi sống tại Anh

Lúc này có lẽ chỉ giải thích trước công luận và dư luận về việc bưng bít thông tin, từ chối yêu cầu dẫn độ tội phạm hình sự của Nga cũng đã khiến số 10 phố Downing mệt mỏi, thậm chí chao đảo.

Trong khi đó, London còn phải trưng ra các tài liệu chứng minh chính quyền Nga tài trợ các vụ ám sát chính trị - cơ sở quan trọng cho nhận định rằng Moscow liên quan đến vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal - để đập lại Moscow.

Ngay khi London cáo buộc Moscow đứng sau vụ đầu độc cựu điệp viên nhị trùng, Đại sứ quán Nga tại London đã cảnh báo cho rằng chính quyền nữ Thủ tướng May đang "chơi trò nguy hiểm”, nhưng London không để ý.

Nay thì vấn đề đã đi qua xa và trò chơi nguy hiểm đã không còn nằm trong tầm kiểm soát của London nữa, mà nước đi của Tổng thống Nga - cho công bố tài liệu mật - chẳng khác nào đòn kết liễu sự nghiệp của Thủ tướng May.

Bởi việc chính phủ vô trách nhiệm để các cựu điệp viên nhị trùng bị sát hại, đầu độc đã là khó chấp nhận, vậy thì một chính phủ bưng bit thông tin tội phạm - thậm chí chính trị hoá tội phạm - làm sao có thể đứng vững?

Theo các nhà bình luận, đã đến lúc London chấm dứt mưu đồ, đối diện sự thật và có lẽ đó là cách tốt nhất để Thủ tướng May có thể cứu vãn sự nghiệp, sau khi đã sai lầm làm mất rất nhiều giá trị của Brexit, giúp Brussels chuyển từ thế thua sang thế thắng, dồn ép London!