Dân Việt

Đau đáu một nỗi niềm vợ “người điện”

23/12/2011 13:48 GMT+7
(Dân Việt) - Cùng với tiềm năng miễn nhiễm với điện của người thứ 4 trong gia đình được phát hiện, bà Lượt lại cố nén một tiếng thở dài nặng trĩu.

Những tưởng có được chồng, con trai, cháu nội miễn nhiễm với điện, bà Nguyễn Thị Lượt phải hãnh diện và tự hào lắm. Ít ai biết rằng, thẳm sâu trong người phụ nữ thuần nông này luôn đau đáu một nỗi lo khó thể nói thành lời mỗi khi chồng, con trai xách túi đồ lên đường đi sửa điện.

Nỗi lo chồng miễn nhiễm điện

Mở cửa đón khách, bà Nguyễn Thị Lượt (thôn Phúc Nghiêm, xã Ngọc Sơn, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) tỏ ra ngỡ ngàng khi thấy chúng tôi muốn gặp bà chứ không phải người chồng nổi danh điện giật không chết của bà. Trái với những gì chúng tôi dự đoán, khi nhắc đến người chồng Dương Đình Thắng, vẫn được mọi người gọi là "người điện", bà Lượt không nén nổi một tiếng thở dài lo lắng.

img
Bà Lượt bên đứa cháu 14 tháng tuổi miễn điện.

Theo câu chuyện của bà, chúng tôi được biết bà quen ông Thắng khi cùng là công nhân thủy lợi ở Thái Nguyên. Thương yêu nhau, ông bà nên vợ nên chồng. Lấy nhau rồi ông Thắng mới cho bà Lượt biết về khả năng miễn nhiễm với điện của mình.

Ông kể rằng ông biết mình có khả năng miễn nhiễm với điện từ năm 1975, khi về công tác tại Công ty 2 Bộ Thủy lợi. Công việc của ông Thắng lúc đó là đi lắp đặt đường dây điện. Sau nhiều lần gặp tai nạn ngã vào dây điện hở có cảm giác tê tê, ông Thắng mới mạnh dạn thử cầm tay trần vào dây đang dẫn điện. Kết quả là ông bình an vô sự. Lúc này ông mới khẳng định chắc chắn rằng mình có khả năng đặc biệt có thể cho dòng điện chạy qua người.

Năm 1990, xã Ngọc Sơn quê ông Thắng bắt đầu có điện. Với kinh nghiệm và khả năng sẵn có, ông được cử vào làm ở ban điện tại địa phương. Từ lúc này, bà Nguyễn Thị Lượt, người vợ thương yêu chồng nhất mực, không lúc nào vơi nỗi lo thắc thỏm mỗi khi chồng xách túi đồ đi làm.

Bà Lượt chia sẻ: "Chủ quan với khả năng của mình, ông ấy dù sửa điện ở nhà hay ở ngoài đường cũng không bao giờ chịu ngắt cầu dao và luôn dùng tay trần để nối điện. Có những lần bão lớn, gió giật đứt dây điện cả thôn, trời mưa to sấm chớp đùng đoàng như vậy, ông ấy vẫn tay không leo lên cột điện để nối dây. Những lần như thế, tôi ở nhà như ngồi trên đống lửa.

Bà Lượt cho biết, đã có một đoàn kiểm tra ở Hà Nội vào mang theo máy móc đo đạc, thử nghiệm và kết luận, điện trở trong người ông Thắng lớn gấp 20 lần so với những người bình thường. Vì thế khi điện chạy qua người, ông không bị giật mà chỉ cảm thấy tê tê, buồn buồn.

Lo lắng lắm chứ. Nhất là khi tôi đọc báo thấy có một anh tên Hùng ở Cà Mau cũng có khả năng miễn nhiễm với điện như ông nhà tôi, nhưng cuối cùng lại chết vì tai nạn điện giật. Khả năng là do ông trời cho, biết lúc nào ông trời thu lại mà chủ quan được. Thế nhưng ông ấy về chỉ bảo, nước mưa chảy đến đâu thấy điện cắn buồn buồn đến đấy chứ chết làm sao được".

Qua câu chuyện của bà Lượt, chúng tôi rất cảm thông với nỗi lo lắng, bất an của người đàn bà chất phác này. Như lời bà Lượt kể, từ khi gắn bó với nghề điện đến giờ, ông Thắng cũng đã có 2 lần gặp tai nạn điện đặc biệt nghiêm trọng.

Một lần vào năm 1995, khi ông ra ao đấu điện đánh cá thì dây bị hở, ông bị giật bắn tung lên bờ. Dù người chỉ bị tê hơn bình thường, nhưng cũng đủ làm ông Thắng lạnh toát mồ hôi. Còn bà Lượt thì suýt ngất khi nghe tin vì chỉ cách thời điểm đó ít lâu, trong thôn cũng có một cậu thanh niên bắt cá bằng điện ở ao bị giật cháy đen.

img
“Người điện” Dương Đình Thắng.

Lần tai nạn điện kinh hoàng nhất trong đời ông Thắng có lẽ là lần ông đi mắc dây điện trần cho xóm ở dốc gần nhà vào năm 2008. Cũng như mọi lần, ông bắc 2 thang tre bắt chéo vào nhau để đứng nối dây mà không cần ngắt cầu dao hay sử dụng biện pháp phòng hộ nào.

Đang hí húi cắt nối thì bỗng dưng bốt điện chập nổ, lửa văng tóe ra như pháo bông. Những người đứng dưới tưởng ông chết chắc. Nào ngờ ông Thắng vẫn bình an vô sự, chỉ bị bỏng tay. Sau lần đó, tính liều vẫn còn nhưng ông cũng cẩn thận hơn. Cẩn thận không phải vì lo cho sự an toàn của bản thân mà cẩn thận vì sợ cháy dây của người ta không có tiền đền.

Còn bà Lượt thì khác, sau lần cháy nổ kinh hoàng đó, bà gay gắt yêu cầu chồng phải đảm bảo và tuân thủ những nguyên tắc an toàn về điện. Mỗi lần chồng đi làm, bà lại chuẩn bị đồ bảo hộ cho ông đầy đủ và không quên nhắc nhở chồng phải ngắt cầu dao rồi mới được sờ vào dây điện. Dẫu thấy ông gật đầu vui vẻ, nhưng bà vẫn không hẳn đã yên tâm vì tính liều của ông bà hiểu hơn ai hết.

Tiếng thở dài chưa dứt

Thế rồi nỗi lo lắng của bà Lượt càng nhiều hơn khi ông Thắng phát hiện ra cậu con trai Dương Minh Lợi cũng có khả năng miễn nhiễm với điện từ khi mới 3 tuổi. Lạ kỳ hơn, 20 năm sau, con trai của Lợi là Dương Tiến Mạnh mới 6 tuổi, nhưng cũng miễn nhiễm với điện.

Vừa ôm đứa cháu nội vào lòng, bà Lượt vừa rùng mình nhớ lại sự liều lĩnh của ông Thắng. Bà kể: "Gia đình tôi vì có ông nhà tôi và em Lợi đều làm nghề điện, lại có khả năng không bị điện giật nên các đồ điện trong nhà để khá tùy tiện chứ không cẩn trọng như nhiều gia đình khác. Vì thế đã không ít lần cháu Mạnh nghịch sờ vào ổ điện hay các thiết bị điện mà không bị làm sao.

Đặc biệt, có lần bố cháu đang hàn điện, cháu ra nghịch dây điện đúng chỗ hở lõi đồng. Bố cháu sợ quá nhào đến cắt cầu dao rồi bế cháu lên nhưng ngạc nhiên là cháu chẳng bị làm sao cả, vẫn cười toe. Từ đấy ông Thắng nhà tôi mới ngờ rằng cháu Mạnh được di truyền khả năng miễn nhiễm với điện từ ông nội và bố.

Hiện cậu con trai thứ 2 của Dương Minh Lợi là Dương Đình Quân mới 14 tháng tuổi, nhưng đã nghịch công tắc điện và các thiết bị điện hàng ngày mà chưa thấy bị điện giật bao giờ. Cùng với tiềm năng miễn nhiễm với điện của người thứ 4 trong gia đình được phát hiện, bà Lượt lại cố nén một tiếng thở dài nặng trĩu.

“Một tối giữa năm 2011, khi tôi đi tập dưỡng sinh về thì thấy ông nhà tôi lăm lăm đoạn dây điện bên cạnh cháu Mạnh đang ngủ ngon lành. Tôi thấy lạ hỏi thì ông ấy bảo đang kiểm tra khả năng miễn nhiễm với điện của cháu. Sau khi bảo tôi cầm lấy đoạn dây, ông ấy cắm một đầu vào ổ điện, còn một đầu gí vào tay cháu Mạnh.

Tôi cầm dây mà người cứ rủn ra, nhỡ đâu cháu nó không có khả năng đó thì hậu quả khôn lường. May mắn là khi dòng điện chạy qua người, cháu vẫn ngủ ngon lành. Lấy bút thử điện chạm vào bất cứ đâu trên người cháu cũng đều đỏ đèn cả. Lúc thử xong rồi mà tôi vẫn lạnh hết sống lưng khi nghĩ đến hành động liều lĩnh vừa rồi của nhà tôi".

Hiện tại với khả năng đặc biệt của mình, ông Thắng và người con trai Dương Minh Lợi được nhiều cơ quan, đơn vị tín nhiệm nhờ đến lắp đặt hệ thống điện. Mỗi lần thấy bố con ông Thắng xách túi đồ đi làm là bà Lượt lại chuẩn bị chu đáo đồ phòng hộ cho 2 bố con, dặn dò mọi nhẽ và không quên cầu trời khấn phật cho bố con ông được an toàn.

Bà thở dài: "Thằng Mạnh lớn lên mà cũng liều lĩnh như ông nội và bố nó thì tôi cũng đến không sống nổi vì lo lắng. Giá như nhà tôi đừng có đến 3 đời không miễn nhiễm với điện thì cuộc sống thật bình yên biết bao".