Như Dân Việt đã thông tin, mới đây, các cơ quan chức năng TP Hải Phòng vừa bắt tại trận một nhóm công nhân của sở sản xuất hóa mỹ phẩm và thực phẩm chức năng Vinaca đang đổ bột than tre vào các vỏ thuốc con nhộng để đóng gói bán cho bệnh nhân ung thư.
Có 3 đối tượng được xác định liên quan đến vụ việc là bà Đào Thị Chúc (đại diện cơ sở Vinaca), ông Nguyễn Văn Tuấn (Giám đốc Công ty Hồng An Phong), ông Nguyễn Xuân Thu (Giám đốc công ty Vinaca).
Tang vật được cơ quan chức năng thu giữ tại cơ sở do bà Đào Thị Chúc quản lý .
Liên quan đến vụ việc này, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, việc xác định các đối tượng nêu trên sẽ bị xử lý như thế nào cần có kết quả điều tra cuối cùng của cơ quan chức năng TP Hải Phòng.
Tuy nhiên, nếu theo thông tin ban đầu được phát ra từ Sở Y tế TP Hải Phòng có thể thấy, hành vi của các đối tượng trong vụ việc này đã có dấu hiệu lừa dối người có nhu cầu mua sản phẩm thuốc hỗ trợ chữa bệnh ung thư.
Cụ thể, các đối tượng dùng thủ đoạn lợi dụng việc có hồ sơ đăng ký gửi Sở Y tế xin chứng nhận cho 6 sản phẩm hóa mỹ phẩm gồm: Vinaca Vi5, Vinaca ung thư CO3.2, Baby Vinaca Vi6, Vinaca Activated Carbon đa dụng, Vinaca vi lượng và Vinaca đa dụng.
Sau đó, khi đi vào sản xuất đã lập lờ rằng đây là sản phẩm hỗ trợ chữa bệnh ung thư, nghiêm trọng hơn là việc lấy than tre đóng gói thành viên thuốc hỗ trợ chữa bệnh ung thư rồi bán ra thị trường.
Từ những phân tích trên, luật sư Thơm cho rằng, hành vi của các đối tượng trên đã đủ dấu hiệu của tội lừa dối khách hàng. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 162 BLHS 2015. Mức phạt cao nhất cho người vi phạm luật này là phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Theo luật sư Thơm, tội lừa dối khách hàng là hành vi tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý, người phạm tội biết rõ hành vi lừa dối của mình nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn cố tình thực hiện. Động cơ phạm tội phục vụ mục đích thu lợi bất chính.
Sản phẩm "Vinaca ung thư CO3.2" được đóng hộp thành phẩm.
Ngoài ra, vị luật sư này cũng phân tích thêm, hành vi của các đối tượng trong vụ việc này không thỏa mãn dấu hiệu tội “sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm” theo Điều 193 BLHS 2015.
Bởi lẽ, sản xuất hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, được hiểu là hành vi làm (tạo) ra sản phẩm, hàng hoá một cách trái phép giống như những sản phẩm hàng hoá được Nhà nước cho phép sản xuất, nhập khẩu và tiêu thụ trên thị trường (tức hàng thật) gây nhầm lẫn hoặc để lừa dối khách hàng.
Trong trường hợp này, các đối tượng đã lợi dụng sản phẩm của công ty xin cấp phép là mỹ phẩm nhưng lại sản xuất lập lờ bán ra thị trường lại là loại thuốc hỗ trợ điều trị bệnh ung thư nên không thể là sản xuất, buôn bán hàng giả nhái sản phẩm của công ty khác.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm cũng cho rằng, đối với vụ việc này, cần thiết phải giám định chất lượng, thành phần hóa học của sản phẩm Vinaca được giới thiệu chữa ung thư có ảnh hưởng đến sức khỏe hay tính mạng con người không.
Trường hợp, nếu có căn cứ xác định các sản phẩm Vinaca khi sử dụng ảnh hưởng đến sức khỏe con người, tùy theo hậu quả gây ra cho người sử dụng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo Điều 134 BLHS 2015.
Trong khi đó, luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo như công dụng được quảng cáo thì sản phẩm Vinaca CO3.2 ung thư là thực phẩm chức năng chứ không phải là hóa mỹ phẩm như công ty đăng ký ban đầu.
Ngoài ra, khi bị kiểm tra các lô hàng đều không rõ nguồn gốc xuất xứ và không xuất trình được bất cứ giấy tờ nào chứng minh nguồn gốc của hàng hóa đang sản xuất. Nhân viên phụ trách sản xuất không được tập huấn về an toàn thực phẩm.
Điều này cho thấy công ty Vinaca đã vi phạm luật an toàn thực phẩm 2010. Hành vi này cần được cơ quan điều tra làm rõ để áp dụng mức xử phạt và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định 178/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, luật sư Tuấn Anh cũng thông tin, trên nhãn mác của sản phẩm Vinaca ung thư CO3.2 có ghi rõ thành phần gồm tinh chất nano carbon từ thục đen, tinh chất nghệ nano, cao sắc V1 (nghệ, côn bổ, đình lịch tử,…); Cao sắc V2 (nghệ, hương phụ, sài hồ); V3 (bột nghệ, bạch truật); V4 (nghệ, phèn chua); Cao sắc V5 (khổ sâm, phèn đen) nhưng thực tế lại cho than tre vào là đã vi phạm Điều 8 Luật Quảng cáo 2012 quy định về hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo.
Theo luật sư này, đối với hành vi quảng cáo sai sự thật, gây nhầm lẫn cho khách hàng về tính năng tác dụng của sản phẩm sẽ áp dụng xử phạt theo Điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính, thể thao, du lịch, quảng cáo.
Đối với những trường hợp quảng cáo sai sự thật có dấu hiệu của hành vi “quảng cáo gian dối” sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 197 Bộ luật Hình sự.