Dân Việt

Hàng loạt chợ tiền tỷ bỏ hoang

22/11/2011 14:35 GMT+7
(Dân Việt) - Toàn tỉnh Trà Vinh có 112 chợ thì 24 chợ bỏ hoang hoặc hoạt động kém hiệu quả. Do không có người mua bán nên các dự án tiền tỷ này bị bỏ hoang.

Lãng phí quá lớn

Từ năm 2006 - 2010, tỉnh Trà Vinh đã đầu tư khoảng 108 tỷ đồng để xây dựng mới và nâng cấp, cải tạo 23 chợ ở khu vực nông thôn. Tổng cộng có gần 500.000m2 đất được quy hoạch xây dựng và dự kiến đáp ứng cho gần 5.600 điểm kinh doanh (ki-ốt) với 9.600 hộ tiểu thương. Chỉ có điều, thực tế không như mong muốn của các nhà làm quy hoạch.

img
Trong khi chợ Phong Phú, huyện Cầu Kè xây dựng xong bỏ hoang ...
img
... ...thì người dân dựng lều ở ngoài đường để mua bán .

Cụ thể, công trình chợ Phong Phú, huyện Cầu Kè được quy hoạch trên diện tích 6.500m2, với tổng kinh phí khoảng 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành, mấy năm qua, sân chợ chỉ là… sân phơi lúa. Còn nhà lồng chợ trở thành nơi trú mưa cho khách đi đường. Trong khi đó, đường dẫn vào khu vực chợ (ven QL 54) lại trở thành nơi họp chợ của nhiều tiểu thương.

Bà Nguyễn Thanh Vân bán quần áo may sẵn ở chợ này, cho biết: “Chợ có hơn chục người bán mà nhà lồng thênh thang lại nằm tuốt phía trong. Vì vậy tất cả các hộ tiểu thương đều tự che chắn ngoài trời gần mặt đường để đón khách, còn chợ vẫn bỏ không…”.

Ngoài ra, chợ Tân Hiệp ở huyện Trà Cú trở thành bãi đúc bê tông của một đơn vị sản xuất ống cống; chợ trái cây đầu mối ở Ninh Thới, huyện Cầu Kè được đầu tư xây dựng từ năm 2006, đến năm 2008 thì hết vốn, từ đó đến nay công trường xây dựng chợ trở thành bãi hoang.

Ở huyện Cầu Kè có 14 cụm chợ với gần 200 ki-ốt và khoảng 700 hộ kinh doanh nhưng cảnh hoang vắng luôn túc trực ở 6 cụm chợ. Nằm ngay trung tâm xã Ninh Thới, thuận tiện giao thông thuỷ nhưng chợ Ninh Thới đang xuống cấp, nhà lồng chợ thường bị ngập nước mỗi khi mưa lớn. Trong nhà lồng chợ rộng gần 500m2 chỉ có 1 sạp nhôm nhựa và 1 sạp bán tạp hóa kinh doanh lay lắt qua ngày.

Ông Tám Hết - hộ kinh doanh tạp hoá ở đây cho biết: “Chợ xây khang trang gồm hai dãy nhưng chỉ bán được hàng tự sản tự tiêu vào buổi sáng sớm. Đến trưa, chợ không một bóng người”.

Vì sao chợ vẫn không người?

Ông Trần Quốc Tuấn - Giám đốc Trung tâm Khuyến công (Sở Công Thương Trà Vinh) cho biết: “Lâu nay chương trình hàng Việt về nông thôn được người tiêu dùng Trà Vinh hưởng ứng rất nhiệt tình. Nhiều phiên chợ kết thúc nhưng chưa thoả mãn nhu cầu mua sắm của người dân”. Nhưng vì sao nhiều chợ nông thôn ế ẩm? “Có thể do các điểm xây dựng không phù hợp nên không có người tham gia mua bán” - ông Tuấn lý giải.

Như ở huyện Tiểu Cần, hiện có 15 cụm chợ thì 7 chợ thiếu người mua bán. Chị Ba Tiền - đại lý tạp hoá ở chợ Tập Ngãi, huyện Tiểu Cần, cho biết: “Khi dời tới chợ mới phải tốn thêm tiền thuê lô sạp, bảo quản hàng hoá khó khăn hơn nhưng lại ở phía trong rất ít người mua nên tiểu thương không mặn mà”.

Hầu hết tiểu thương không chịu tập trung vào nhà lồng chợ để buôn bán vì theo họ, cách tính thuế của địa phương quá cao, khu vực nhà lồng lại chật hẹp, không đủ ánh sáng…

Còn chợ trung tâm thị trấn Tiểu Cần có tổng diện tích hơn 4.000m2 , nhà lồng kiên cố rộng 1.300m2, có mặt bằng đảm bảo cho hơn 600 ki-ốt, hộ tiểu thương… tham gia các hoạt động kinh doanh, làm dịch vụ… Tuy nhiên, trên thực tế chỉ có 2 ki-ốt bán vải nhưng rất ít người mua. Ông Nguyễn Minh Trung - Chủ tịch UBND huyện Tiểu Cần cho biết: “Chợ Tiểu Cần thiếu khả năng thu hút tiểu thương phần lớn do nhà thầu yếu năng lực tài chính, đầu tư chậm, không đáp ứng yêu cầu sử dụng cho hoạt động kinh doanh”.

Nhu cầu kinh doanh của các chợ ở nông thôn vẫn còn đang rất lớn nhưng nghịch lý là vẫn còn nhiều nơi xây dựng chợ tốn tiền tỷ rồi lại bỏ hoang. Thực tế này cho thấy công tác quy hoạch, xây dựng chợ sao cho hợp lý, đúng nhu cầu của cả người mua và người bán đang là vấn đề cần được quan tâm.