Dân Việt

Vinashin mất, nhưng chưa hết

24/11/2010 08:05 GMT+7
(Dân Việt) - Câu chuyện Vinashin được dự báo là sẽ nóng và thực tế đây là chủ đề được chất vấn nhiều nhất đối với cả Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng GTVT trong ngày hôm qua 23-11.
img
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết chất vấn Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh

Tiếp tục xác định vi phạm

Đại biểu Đặng Như Lợi (Cà Mau) chất vấn: Vinashin (VNS) với tổng tài sản là 105 nghìn tỷ đồng nhưng khi đã bỏ tiền ra mua tàu, mua thiết bị lạc hậu... thì giá trị tài sản trên thực tế còn bao nhiêu?

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết đến 30-6-2009, tổng tài sản của VNS là 104 nghìn tỷ đồng, tổng nợ 86 nghìn tỷ đồng. "Nợ này nằm trong tài sản hình thành nên các dự án, nhà máy. Hiện trong số 110 nhà máy còn 28 nhà máy đang hoạt động tốt. VNS có mua một số tài sản, máy móc hiện đang được các cơ quan cho là vi phạm. Số này không mất hết, nhưng xác định được mất bao nhiêu cần phải đánh giá" - ông Ninh nói.

Về trách nhiệm quản lý của Bộ Tài chính và cá nhân mình, Bộ trưởng Ninh cho rằng VNS được quyền tự huy động vốn và họ có trách nhiệm trả nợ, trừ khoản vay của Chính phủ. Bộ Tài chính có trách nhiệm giám sát, kiểm tra chứ không phê duyệt phương án sản xuất, không quyết định doanh nghiệp (DN) đầu tư vào đâu, mua gì. "Chúng tôi đã thanh tra, phát hiện ra sự đầu tư dàn trải, sử dụng vốn chưa hiệu quả, chúng tôi yêu cầu VNS phải xử lý. Có việc họ xử lý, có việc họ chưa thực hiện nghiêm túc, cũng có việc chưa thực hiện được ngay. Ví như việc mua-bán tàu, có xử lý nhưng chưa triệt để".

Đại biểu Ngô Quốc Dung (Thái Bình) khẳng định, qua câu trả lời của Bộ trưởng vẫn chưa thấy rõ trách nhiệm của Bộ Tài chính, của Bộ trưởng về chức năng quản lý vốn đối với VNS: 105 nghìn tỷ tổng tài sản nhưng thực tế sẽ còn rất ít: Nhiều tàu cũ được mua, đưa nhà máy điện cũ về, gom các DN thua lỗ từ các địa phương để số DN đội lên tới 289 DN, nhiều dự án dở dang không thu hồi vốn được...

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh một lần nữa lại nhắc lại: Nếu đúng là đánh giá lại tài sản sẽ bị mất, nhưng không phải mất hết. Bộ Chính trị và Thủ tướng đã có ý kiến về việc tái cơ cấu lại VNS. Về biện pháp thu hồi vốn, có rất nhiều giải pháp: Tạo nguồn vốn ngay từ khâu sản xuất kinh doanh. Chuyển giao, bán dự án. Cơ cấu lại nợ. Đàm phán lại với ngân hàng nước ngoài cho dãn nợ.

“Phải chăng chúng ta bất lực?”

Đại biểu Ngô Minh Hồng (TP.HCM) cũng hỏi: Việc cho VNS vay lại 750 triệu USD có đúng Luật Ngân sách không? Bộ đã thẩm định như thế nào? "Khi cho vay lớn thế thì trách nhiệm quản lý ngân sách đến đâu?”.

Đại biểu Hồng gay gắt: Bộ Tài chính từ năm 2007 đã thanh tra, 4 lần kiểm tra định kỳ việc sử dụng trái phiếu vay, nhưng kết quả VNS vẫn như hôm nay? Vậy hiệu lực quản lý đến đâu? Phải chăng chúng ta bất lực?

Ông Ninh trả lời: "Việc cho vay lại 750 triệu USD, không phải là lấy từ ngân sách nhà nước", đồng thời cho biết: VNS có xây dựng đề án ngành công nghiệp đóng tàu, cần 39 nghìn tỷ, trong đó có 17 nghìn tỷ vay nước ngoài. Bộ có trình Chính phủ và sau đó có nghị quyết phát hành vốn và cho VNS vay lại. Ông Ninh khẳng định: “Việc cho vay là phù hợp với các quy định”.

Chính phủ chi 218 tỷ để thực hiện Đại lễ

Đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đăk Lăk) chất vấn về số liệu "kinh phí cho Đại lễ 94 nghìn tỷ và việc mua 2.000 viên rubi từ châu Phi để làm mắt rồng biếu tặng đại biểu".  

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho hay, đến nay Chính phủ đã chi 218 tỷ để thực hiện Đại lễ. “Tôi đã có yêu cầu báo cáo và Hà Nội đang đôn đốc quyết toán. Nhưng tôi khẳng định không có con số 94 nghìn tỷ chi cho Đại lễ. Về 2.000 viên rubi, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh phân trần: “Tôi cũng chỉ biết như đại biểu thôi, tức là chỉ biết khi đọc trên báo. Người ta không xin tiền ngân sách, không báo cáo tôi. Công ty CP Mỹ nghệ Đông Sơn làm 1.000 con rồng, còn gắn rubi thế nào thì tôi không biết, vì đó là tiền của họ.

Đến đầu giờ chiều, đại biểu Ngô Minh Hồng tiếp tục thắc mắc: Tại sao người điều hành quản lý lại có thể nói "750 triệu USD không phải lấy từ NSNN". Nói như thế nếu VNS thua lỗ không trả được thì sẽ lấy tiền đâu để trả nợ nếu không từ NSNN. "Phát biểu của Bộ trưởng làm tôi, làm cử tri cả nước không yên tâm và rất ngạc nhiên" - bà Hồng nói.

Về bốn cuộc kiểm tra, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết có phát hiện sử dụng vốn chưa đúng cam kết, có hiện trượng dàn trải... Bộ có báo cáo và Chính phủ đã chỉ đạo yêu cầu VNS tiếp thu kiến nghị của Bộ nhưng việc thực hiện chưa nghiêm. "Chúng tôi có thanh - kiểm tra, giám sát, có phát hiện và yêu cầu VNS thực hiện. Tuy nhiên, chúng tôi thấy khi phát hiện chưa có chế tài cưỡng chế bắt buộc đối tượng phải thực hiện" - ông Ninh nói.

Lỗ không đến 100 ngàn tỷ đồng

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết chất vấn: Mỗi ngày phải trả bao nhiêu tiền lãi cho số nợ của VNS? Trường hợp khoanh nợ thì ai phải chịu? Riêng về số nợ của VNS, ông Thuyết cho rằng có sự mâu thuẫn và nếu chỉ căn cứ vào báo cáo của VNS nói còn lại bao nhiêu thì không tin được bởi theo báo cáo một trong những nguyên nhân thua lỗ do VNS luôn báo cáo không trung thực".

Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng khẳng định: "Lỗ bao nhiều còn đang xác định. Nhưng tôi khẳng định không có câu chuyện lỗ 100 nghìn tỷ đồng". Theo ông Dũng: Điều bất thường là khoản nợ đã vượt quá cao so với mức cho phép, vượt 11 lần vốn chủ sở hữu, gây mất an toàn và khả năng bị phá sản.

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh bổ sung: VNS đã trả nợ 9 kỳ đầy đủ. Riêng gốc đang tiến hành và sẽ được giám sát.

Lặp lại phát biểu của Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng, ông Ninh nói: Chính phủ không cấp cho VNS tiền để trả nợ và không trả nợ thay cho VNS.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng: Tàu Hoa Sen thu 8.000 USD/ngày

Qua gần 6 tháng tái cơ cấu bước 3 VNS, có thể nói tư tưởng hơn 50.000 công nhân VNS hoàn toàn ổn định, quyết tâm cùng làm ăn, khôi phục. VNS vẫn giữ được 130 con tàu, 28 nhà máy đóng tàu đã hoạt động trở lại , 27 con tàu dở dang đang đóng tiếp. Doanh thu năm nay của VNS khoảng 14.000 tỷ đồng. Lương công nhân đã 2,8 triệu đồng/tháng. VNS chỉ còn nợ 100 tỷ đồng bảo hiểm. Hoạt động sản xuất phụ trợ cũng bắt đầu hoạt động trở lại, doanh thu khoảng 2.000 tỷ đồng. 23/26 con tàu chuyển cho Vinalines đã hoạt động và có khả năng thu được 1.400 tỷ đồng trong năm nay. Riêng tàu Hoa Sen hiện đã đưa vào sử dụng mỗi ngày thu 8.000USD

VNS kinh doanh được, bán được tàu thì chắc chắn sẽ trả nợ được. Còn khoảng 20% tổng tài sản của VNS không thể duy trì được thì cần phải tái cơ cấu. 216 doanh nghiệp cần phải tái cơ cấu bằng cổ phần hóa, bán, tái cơ cấu nợ để thu hồi vốn.