Dân Việt

Kỳ lạ ông sư tự chặt tay và cánh tay 40 năm bất hoại

Hồ Thái 13/04/2018 10:32 GMT+7
Sư Kiệm kê cánh tay trái của mình lên đế hoa sen, năm ngón tay bắt “ấn quyết Tam Muội”, rồi dùng tay phải nắm con dao rựa vung lên chặt một nhát cực mạnh.

“Thần tăng” ẩn dật

Nhận được thông tin từ một Phật tử địa phương, chúng tôi về vùng Can Lộc - Lộc Hà (Hà Tĩnh) tìm sư Kiệm. Cách xa hàng chục cây số đã có thể hỏi thăm đường, bởi người dân ở đây hầu như chẳng ai không biết rõ về vị “thần tăng” địa phương và câu chuyện “cánh tay bất hoại” đầy huyễn hoặc của ông.

Nhà sư Kiệm nằm bên sông Yến Giang thuộc thôn 9 xã Hồng Lộc huyện Lộc Hà. Ông sống trong ngôi nhà cấp bốn bình thường như bao ngôi nhà khác với vườn rau và ngõ nhỏ. Nhìn bên ngoài chẳng thể hình dung đây là nơi tu hành của vị “thần tăng” nổi danh với bao huyền thoại và cũng là người được trọng vọng nhất trong vùng.

Sư Kiệm nằm thiêm thiếp trên chiếc giường đặt giữa tịnh xá nho nhỏ. Ông có làn da mịn màng hồng nhuận, nét mặt phương phi đầy Phật tính, quả thực giống như hình dung của chúng ta về một vị cao tăng.

img

 Phật tử khắp nơi nghe danh đến chiêm bái Sư Kiệm tại Tịnh thất của Ngài.

Ngoài sân, vợ chồng ông Thống - bà Phượng (cháu gọi sư Kiệm là chú ruột đồng thời cũng là những người trực tiếp chăm sóc nhà sư từ khi ông đổ bệnh gần chục năm qua) đang trò chuyện cùng mấy người Phật tử địa phương.

Tất cả mọi người đến đây đều cung kính xưng sư Kiệm là “Ngài”. Những câu chuyện về ông được họ thuộc nằm lòng rồi kể lại với tâm thế gần như cuồng tín.

Sư Kiệm sinh ngày 16.9 năm Tân Tỵ (1941) tại thôn Yến Giang, thế danh là Phan Trọng Kiệm, là con út trong một gia đình thuộc tầng lớp trung nông.

Ngay từ nhỏ ông đã bộc lộ nhiều điểm khác người, thể hiện thiên tính tu hành từ rất sớm. Ông vốn khôi ngô, thông minh hoạt bát, thế nhưng chỉ thích sống khép mình trầm lặng. Lên ba tuổi đã dùng riêng bát đũa, bảy tuổi bắt đầu biết thả chim cá phóng sinh.

Đến tuổi đi học, từ chữ Hán cho đến chữ quốc ngữ, ông học gì cũng nhanh và giỏi gấp mấy người thường. Có điều ông cũng không hứng thú với chuyện học hành mà chỉ say mê kinh sách Phật pháp, có bao nhiêu tiền bạc đều dành mua kinh sách và chim cá để phóng sinh.

Năm 16 tuổi, ông một mình tìm đường lên chùa Hương Tích trên núi Hồng Lĩnh xin ở lại tu hành. Dạo ấy, ngôi chùa này còn hết sức đơn sơ hoang vắng, chỉ có một mình sư bà trụ trì đã già nua quanh năm không bước chân xuống núi. Thi thoảng mới có một vài người dân quanh đó ghé thăm. Sư bà ban cho ông pháp danh là Thích Thiện Tuệ nhưng không thu làm đệ tử (tự tu).

Không lâu sau, sư bà mãn tuổi trời viên tịch. Từ đó một mình ông khổ tu trong ngôi chùa vắng vẻ, vừa phải tự lực sinh tồn giữa rừng hoang, vừa phải bảo vệ chùa trước đạn bom của những năm tháng chiến tranh khốc liệt.

img

Dù phải nằm một chỗ gần chục năm qua nhưng thân thể nhà sư vẫn thơm tho sạch sẽ, da thịt hồng nhuận, mịn màng. 

Một mình ông đã đổ biết bao công sức, vừa tu bổ cải tạo lại ngôi chùa đã hoang hóa xuống cấp, vừa “hoằng dương Phật pháp”, khôi phục lại các lễ nghi, đồng thời điểm hóa, giác ngộ cho hàng ngàn hàng vạn Phật tử trong vùng.

Chùa Hương Tích Hà Tĩnh cũng từ đó mà ngày càng hưng thịnh.

Năm 1987, do khúc mắc với chính quyền địa phương, sư Kiệm phải rời chùa. Ông về Cồn Toóc ở xã Phúc Lộc dựng một am lá nhỏ. Đến tháng 2.1989 ông lại chuyển về quê nhà tại xã Hồng Lộc, dựng am trên đất nhà anh trai cả để tiếp tục tu hành ẩn dật cho đến ngày nay.

Cúng dường nhục thân và câu chuyện về “cánh tay bất hoại”

Ngày 18.6.1979, với tâm nguyện cứu độ chúng sinh, hòa thượng Thích Thiện Tuệ quyết tâm thí phát nhục thân để cúng dường Tam Bảo. Suốt đêm hôm đó, ông một mình tụng kinh nơi chính điện chùa Hương Tích cho đến 3 giờ sáng.

Cơ duyên đã điểm, nhà sư kê cánh tay trái của mình lên một chiếc đế hoa sen bằng gỗ mít, năm ngón tay bắt “ấn quyết Tam Muội”, miệng lẩm nhẩm niệm Phật rồi dùng tay phải nắm con dao rựa vung lên chặt một nhát cực mạnh.

Ông ngất đi một lúc. Tỉnh lại thấy tay phải cầm dao vẫn đang liên tục chặt vào cánh tay trái kê trên đế gỗ. Xương thịt bầy nhầy, máu văng tung tóe ra khắp chính điện ngôi chùa. Phải chặt một lúc khá lâu cánh tay mới đứt hẳn, ông lại ngất đi lần nữa.

img

“Cánh tay bất hoại” sau gần 40 năm vẫn hoàn toàn nguyên vẹn, các ngón tay vẫn đang bắt “ấn quyết Tam Muội”.

Trời tảng sáng, nhà sư tỉnh dậy đem cánh tay của mình đặt trên một cuốn kinh Pháp Hoa, tiến lên khay, dâng lên Tam Bảo. Rồi ông mở cửa đi ra. Lúc này có người đàn ông tên Thế sống dưới chân núi, đi đốn củi ghé chùa. Nhà sư cất tiếng gọi. Người kia trông thấy bộ dạng của ông, khiếp quá bèn quay đầu bỏ chạy.

May sao một lúc lại có hai mẹ con bà Hòa ở xã Thạch Kim lên chùa. Nhà sư bèn kêu hai mẹ con lên thu dọn và lau chùi chánh điện, sau đó lại bảo hai người mang cánh tay ra chôn cất tại vườn “dược sư” ở phía Đông chùa.

Một tuần sau, theo “lời dạy của Bề Trên”, cụ Quyền và một số Phật tử ở xã Phúc Lộc cùng nhau đào cánh tay lên. Tất cả đều ngạc nhiên vì cánh tay đã chôn gần chục ngày trời dưới đất, lại không được bao bọc gì, thế nhưng vẫn tươi mới và hoàn toàn nguyên vẹn.

Mọi người bèn đem cánh tay bọc vào một lớp giấy xi măng (lớp giấy bên trong bao bì đựng xi măng dùng để chống ẩm), dùng dây buộc chữ thập rồi đem về cất giữ (treo lên xà nhà) ở Cửa Đàn của cụ Quyền.

Bẵng đi mấy năm không ai để ý, đến tháng 6.1990, cụ Quyền “được Bề Trên báo”: “Sư Kiệm đã viên tịch, phải mau đem cánh tay sang để gia đình lo an táng”. Cụ Quyền bèn cho người mang cánh tay sang thì ngạc nhiên thấy Ngài vẫn đang ngồi thuyết pháp giữa sân.

Tối hôm đó, mọi người mở cánh tay (vẫn được gói trong mấy mảnh giấy xi măng) ra xem thì kinh ngạc nhận ra cánh tay vẫn nguyên vẹn, chỉ khô và cứng lại như gỗ, các ngón tay vẫn trong tư thế “ấn quyết Tam Muội”, da - thịt - gân chỉ hơi co lại, hoàn toàn không bị hủy hoại bởi thời gian.

Mọi người tò mò hỏi sư Kiệm, nhà sư chỉ nói một câu: “Đó là thép”.

Câu chuyện về “Cánh tay bất hoại” của nhà sư nhanh chóng nổi tiếng khắp vùng. Người dân địa phương càng coi Sư Kiệm như một vị “thần tăng”, mỗi khi có dịp đều lũ lượt kéo đến chiêm bái và nghe Ngài thuyết pháp.

Sư Kiệm bị xuất huyết não vào năm 2009. Các bác sỹ đều nhận định rằng không thể nào qua khỏi. Thế nhưng, ông hồi phục thần kỳ, vẫn minh mẫn tinh anh như trước, chỉ có điều không đi lại được.

Nằm một chỗ gần chục năm trời, thân thể nhà sư vẫn thơm tho sạch sẽ, da thịt hồng nhuận, sắc mặt từ ái, anh minh. “Cánh tay bất hoại” của ngài nay được con cháu và Phật tử đặt vào tháp lưu li, thờ phụng nơi điện Tam Bảo, tất cả đều coi đó là “thần vật”, là “kim cương xá lợi” của một bậc cao tăng đắc đạo. Có lẽ, ông là người duy nhất đã để lại “xá lợi” ngay từ khi còn tại thế!