Dân Việt

Làm giàu ở nông thôn: Nuôi con "ăn cơm đứng" nhưng lãi “khủng”

Trần Hiền 15/04/2018 13:10 GMT+7
Câu chuyện làm nghề "ăn cơm đứng" -trồng dâu nuôi tằm của ông Nguyễn Văn Tung (46 tuổi), xã Hải Yang, huyện Đăk Đoa (Gia Lai) đang khiến nhiều người dân cảm thấy tò mò vì chỉ sau 15 ngày, 1 ổ rưỡi tằm (30m2) đã cho thu về gần 15 triệu đồng. Đặc biệt hơn, thức ăn của tằm chỉ là những lá cây dâu rất dễ trồng.

Cà phê và tiêu là 2 loại cây trồng chủ lực của Tây Nguyên nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng. Tuy nhiên, thời gian gần đây 2 loại cây này đột nhiên rớt giá, dịch bệnh gây hại nhiều nên năng suất và chất lượng giảm mạnh. Nhận thấy không thể mở rộng loại cây trồng chủ lực này nên ông Nguyễn Văn Tung quyết định dành riêng một vùng đất để thử nghiệm mô hình trồng dâu nuôi tằm. Đây cũng là vùng đất mà từ trước đến nay vẫn chưa một ai dám mạo hiểm thử nghiệm trồng dâu nuôi tằm như ông Tung.

img

Ông Tung trồng bằng giống dâu mới lá dâu to hơn, nhiều hơn, ít sâu và nhanh có lá cho tằm ăn

Trò chuyện với chúng tôi, ông Tung kể lại: “Thật ra tôi quê gốc ở Lâm Đồng, trước đây ở bên đó tôi cũng đã trồng dâu nuôi tằm. Khi chuyển qua Gia Lai sinh sống tôi làm cà phê và tiêu nhưng không đạt năng suất. Tiêu thì chết gần hết, cà thì giảm giá. Lúc ấy tôi đã nghĩ đến trồng dâu nuôi tằm. Thấy ở Gia Lai chưa có ai trồng dâu nuôi tằm bao giờ nên ban đầu cũng sợ lắm nhưng rồi cũng đánh liều thử nghiệm. May mắn cũng có chút kinh nghiệm trồng dâu nuôi tằm từ trước nên dâu và tằm sinh trưởng và phát triển tốt vì thế thu nhập cũng ổn định hơn, lại không mất nhiều thời gian....”.

img

Ông Tung khá phấn khởi với mô hình trồng dâu nuôi tằm của gia đình mình. Hiện tại ông cũng đang hướng dẫn kỹ thuật cho bà con xung quanh kinh nghiệm, kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm.

Thay vì khổ sở tiếp tục đầu tư vào hồ tiêu như những hộ dân khác, thì ông Tung lại một mình, một đất đầu tư phát triển mô hình trồng dâu nuôi tằm. Với hơn 2 sào đất đỏ, ông Tung đã mạnh dạn đầu tư giống, phân bón trồng cây dâu để làm thức ăn trước khi bắt tằm về nuôi. Hiện tại, ông đang nuôi 1 ổ rưỡi, khoảng nữa tháng sau là có thể xuất bán, 1 ổ rưỡi nuôi trong vòng nữa tháng sẽ bán được khoảng 14-15 triệu đồng. Đây là mô hình có thể cho thu nhập quanh năm, thậm chí thu nhập  “khủng” nếu kiên trì đầu tư thời gian và công sức. Vì 1 tháng có thể nuôi 2 lần, tằm chỉ ăn lá dâu để nhả kén nên cũng không tốn kém chi phí thức ăn.

img

Những ổ tằm của ông Tung đang ở thời kỳ ăn rỗi

Ông Tung chia sẻ: “Khi thực hiện mô hình trồng dâu nuôi tằm, điều cần phải lưu ý nhất là thuốc bệnh và phân bón. Phải sử dụng thuốc hữu cơ và phân chuồng để chăm sóc cây dâu, vì lá dâu là thức ăn của tằm mà tằm thì rất kỵ thuốc hóa học. Nếu có mùi thuốc dính trên lá hay trên người mình, khi cho ăn tằm sẽ chết hết. Thông thường 1 tháng sẽ nuôi được 2 đợt, sau 15 ngày tằm sẽ nhả kén và có thể xuất bán. Tháng này tôi lấy mỗi lần 1 ổ rưỡi, đến cuối tháng là thu được gần 30 triệu đồng rồi...Kén tằm đang độ hút hàng, bao nhiêu cũng bán hết...”.

img

Một ổ rưỡi tằm của ông Tung đang được nuôi trên giàn  thoáng mát hơn tằm sẽ không bị bệnh và phát triển tốt

Cũng theo ông Tung, trước đây ông cũng đã trồng dâu nuôi tằm bên Lâm Đồng, tuy nhiên lúc đó trồng cây dâu cũ nên khả năng sinh trưởng và phát triển không cao. Hiện tại, ông đang trồng giống dâu mới, lá to hơn và phát triển nhanh hơn, chỉ sau 4 tháng đã có lá làm thức ăn cho tằm nhả kén.

img

Sắp tới, ông Tung sẽ mở rộng diện tích vườn dâu để đáp ứng đủ lượng thức ăn cho những ổ tằm ông chuẩn bị lấy về

“Nghề trồng dâu nuôi tằm đầu tư không nhiều, đất trồng dâu không đòi hỏi dồi dào dinh dưỡng nên có thể chuyển đổi từ cây trồng kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm để tăng thêm thu nhập. Hiện tôi đang nuôi tằm bằng khay trượt, bằng cách này sẽ hiệu quả vượt trội so với cách nuôi truyền thống. Không phải bê nong lên xuống, thời điểm tằm ăn rỗi cũng rất nhàn,( tằm ăn rỗi là ăn vào thời kỳ nó gần chín, cuối giai đoạn sâu tằm chuẩn bị nhả tơ làm kén để chuyển sang giai đoạn nhộng). Khi đó cứ việc cắt cả cành bỏ vào khay cho tằm ăn và sau một lứa mới phải vệ sinh (thay phân). Nuôi tằm trên khay trượt còn tiết kiệm được nhiều diện tích, đảm bảo độ thông thoáng, tằm không bị bệnh, phát triển tốt”, ông Tung chia sẻ thêm.