Dân Việt

Lùm xùm về vở diễn “Ký ức Hội An”: Thất vọng hoàn toàn

Minh An - Trương Hồng 13/04/2018 13:35 GMT+7
Chương trình nghệ thuật biểu diễn thực cảnh “Ký ức Hội An” tại Công viên Chủ đề Ấn tượng Hội An, nằm trên một cồn nổi giữa sông Hoài (Hội An) qua mấy đêm diễn đã gây nhiều lùm xùm trên mạng xã hội.

Ngay sau những suất diễn đầu tiên, chương trình đã gặp phải những ý kiến phản ứng trái chiều xoay quanh nội dung kịch bản, thiết kế sân khấu, trang phục...Thậm chí, trên mạng xã hội còn nêu nhiều ý kiến “Ký ức Hội An” hay thực trạng Hội An ở thời hiện đại.

Vở diễn ngây ngô, "loạn xà bần"?

Nhà văn Trần Kỳ Trung - một nhà văn nổi danh xứ Quảng nhận xét: Ai cũng biết, Hội An là đất của người Việt. Chúa Nguyễn là người có công mở cõi, đưa những người Việt đàng ngoài vào sống. Thế nhưng, cả một chương trình “Ký ức Hội An” không hề nhắc đến tên ông, không một hình ảnh nhắc đến những người dân trong buổi bình minh dựng đất xây nên một Hội An thương cảng.

Thay vào đó, buổi ban đầu của thương cảng Hội An trong “Ký ức Hội An” được miêu tả bằng một đôi vợ chồng và một đứa trẻ y như người dân tộc, sống trong một túp lều tranh. Chồng ra sông đánh cá, ngồi hút thuốc lào, vợ mang bụng chửa lội nước bì bõm, con chẳng có trò gì, ngoài trò “nghịch nước” rồi vợ đẻ, tiếng trẻ con khóc oe oe... Một đoàn cô gái mặc áo dài xanh đến mừng, trong lời bài hát chẳng ăn nhập gì với cảnh.

img

Vở diễn cảnh thương cảng Hội An được phục dựng cũng gây nhiều tranh cãi.

Rồi cảnh người dân xây dựng Hội An. Theo tư liệu của các học giả nước ngoài thì vào thời ấy người Hội An đã làm nhiều việc lắm như ra khơi đánh cá, ra đảo xa đặt bia khẳng  định chủ quyền, lên nguồn tìm nguyên liệu dệt vải, mở rộng thương cảng...Nhưng trên sân khấu chỉ thấy cảnh người vác tre, người cưa gỗ, chán chê lại nhảy xuống sông đãi “sỏi” hay “vàng”,  khua nước loạn xạ…

“Tôi được nghe giới thiệu đây là chương trình rất hoành tráng, lấy hình ảnh tà áo dài truyền thống Việt Nam làm ngôn ngữ chính, dùng kỹ thuật dàn dựng sân khấu hiện đại biến hóa để kể lại câu chuyện về Hội An hơn bốn thế kỷ trước với sự sầm uất và duyên dáng của nó.

Tôi đi xem. Nói thật, thất vọng hoàn toàn. “Ký ức Hội An” mà vở diễn đã tái hiện không sâu sát với hình ảnh một thương cảng sầm uất đã từng tồn tại một thời. Không phải cái gì cũng đưa lên sân khấu, nhưng ít nhất, cũng phải cho người xem biết được một “Ký ức Hội An” từ thời xưa được tái hiện” - Nhà văn Trần Kỳ Trung nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Đức Minh (nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An) cho biết: Khẳng định rằng dù được đầu tư hết sức hoành tráng, công phu nhưng từ kịch bản, phân cảnh dàn dựng, trang phục, kiến trúc sân khấu…đều không phù hợp, không lột tả được cái gọi là “Ký ức Hội An”. Những người làm ra chương trình này đã quá chủ quan. Việc truyền tải được hồn văn hóa, lịch sử bằng công nghệ hiện đại là một bài toán khó.

“Tôi thấy giới thiệu Ban cố vấn đều là những nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, nghệ thuật nổi tiếng của Việt Nam. Nhưng tại sao, nói về Hội An mà lại không thấy hỏi người Hội An về các điển tích tình yêu, các câu chuyện thời cuộc của suốt chiều dài 400 năm lịch sử của vùng đất này. Cá nhân tôi có thể khẳng định rằng vở diễn thực sự rất ngây ngô, “loạn xà bần”. Ngay cả hình ảnh con thuyền trên sân khấu, phía sau na ná chiếc tàu của người Hoa; phần đầu như ghe bầu của Hội An mà lá buồm thì giống của vùng Bắc Bộ” - ông Minh cho biết.

img

Vở diễn "Ký ức Hội An" gây lùm xùm với các ý kiến phê phán trên mạng

Những người đã từng xem “Ký ức Hội An” cũng chia sẻ thắc mắc rằng tại sao trong “Ký ức Việt Nam”, hình ảnh những thương nhân Việt Nam hết sức mờ nhạt. Trong khi ai cũng biết sử sách vẫn ghi nhận rằng giao thương ở Hội An trong những thế kỷ trước, chủ yếu là người Hội An.

Trao đổi với ông Đinh Hài (nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch tỉnh Quảng Nam), ông cho biết: “Tôi cũng nghe lùm xùm về “Ký ức Hội An” chứ chưa một lần xem qua các vở diễn. Để đánh giá được toàn cảnh các buổi diễn, tôi sẽ đi xem như thế nào, lúc đó mới đánh giá cụ thể được”.

Cũng theo ông Đinh Hài, một tác phẩm nghệ thuật, người làm phải tiếp thu những ý kiến phản biện của người dân, người xem nhằm mục đích để nâng vở diễn đó lên cao hơn. Vở diễn nào cũng vậy thôi, nghệ thuật đâu phải làm ra là tốt hết, kể cả kịch bản làm ra đó còn sửa huống hồ gì các vở diễn.  

Dự án phục vụ “Ký ức Hội An” - “Đi tắt đón đầu”!

Dự án xây dựng trên cồn nổi giữa sông tại Công viên Chủ đề Ấn tượng Hội An, trong đó có khán đài ngoài trời có tổng diện tích xây dựng gần 8.000m2, chiều cao hơn 16m; công trình khu thương mại có chiều cao 10,25m, hạng mục công trình đón khách, và nhiều công trình khác được xây dựng. Chủ đầu tư là Công ty CP đầu tư du lịch và kinh doanh hội nghị Gami Hội An.

Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết: về phần chương trình nghệ thuật thì thành phố Hội An hoàn toàn không tham gia. Từ Hội đồng nghệ thuật không có thành viên nào của Hội An. Kịch bản, giấy phép biểu diễn do Sở Văn Hóa Thể thao thẩm định và cấp phép.

“Ký ức Hội An” đã thể hiện được sự đầu tư công phu, hoành tráng. Chương trình cũng góp phần làm phong phú thêm sản phẩm văn hóa nghệ thuật của Hội An vào ban đêm, góp phần giữ chân du khách lưu trú ở Hội An. Hiện mỗi đêm ở Hội An có khoảng 9.000 du khách đến tham quan, nhưng những chương trình biểu diễn nghệ thuật quy mô như thế này không có nhiều.

Mỗi suất diễn “Ký ức Hội An” dự kiến sẽ phục vụ khoảng 3.300 khán giả nên hy vọng sẽ giữ chân được du khách ở lại Hội An, góp phần gia tăng thời gian trải nghiệm và mức chi tiêu của du khách tại Hội An” - ông Sơn chia sẻ.

Theo ông Sơn, chương trình này cũng chỉ vừa mới đưa vào biểu diễn phục vụ và theo kế hoạch là cứ 3 tháng sẽ thay đổi kịch bản khác. Kịch bản vẫn chưa khai thác hết chiều dài, độ sâu giá trị văn hóa lịch sử của Hội An nên nếu các nhà tổ chức lắng nghe ý kiến đóng góp, tham khảo ý kiến của các nhà văn hóa, người dân Hội An, khán giả để từ từ điều chỉnh, khắc phục thì sẽ có phản hồi tốt hơn.

img

Công trình phục vụ "Ký ức Hội An" cũng gây nhiều tranh cãi làm mất mỹ quan của cồn nổi giữa sông tại Công viên Chủ đề Ấn tượng Hội An

Trả lời câu hỏi về việc người dân đang lo lắng liệu dự án trên cồn nổi giữa sông tại Công viên Chủ đề Ấn tượng Hội An nhằm phục vụ “Ký ức Hội An” có gây tác động xấu đến cảnh quan, môi trường của Hội An, ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết: Việc quyết định đầu tư xây dựng của dự án này do UBND tỉnh Quảng Nam quyết định hoàn toàn, phía thành phố chỉ tham gia như một thành viên.

img

Cầu bê tông cốt thép bắt quan cồn nổi giữa sông tại Công viên Chủ đề Ấn tượng Hội An.

“Khi triển khai dự án, đã có báo cáo đánh giá tác động môi trường của nhà đầu tư. Vì đây là dự án được xây dựng nhằm phụ vụ APEC, nên một số hạng mục được triển khai trước, gọi là “đi tắt đón đầu”, nhưng sau này không kịp phục vụ cho tour phu quân, phu nhân nên giờ phải đi theo trình tự, đúng bài bản. Việc này rất phức tạp, nên sắp tới đây tỉnh và thành phố rà soát lại hết toàn bộ dự án và sẽ công khai cho báo chí” - ông Sơn nêu rõ.