Hệ thống đào tạo đã vươn đến một đẳng cấp “ngoại hạng”
Khỏi phải nói thì ai cũng rõ, hệ thống đào tạo của Hà Nội FC đang vươn đến một đẳng cấp vượt trội so với phần còn lại của giải đấu. Vài năm qua, tuyến trẻ của đội vận hành hiệu quả tới mức không chỉ “đủ dùng” cho đội 1, mà còn “dư xài” cho các CLB vệ tinh liên quan.
Theo mô hình “xuống sàn lọt nia”, cầu thủ Hà Nội FC đào tạo ra nếu không được giữ lại Thủ đô vẫn có thể được đá tốt ở Sài Gòn FC hoặc thậm chí Quảng Nam. Nhiều trong số này đã “ra đi để trở lại” sau những mùa giải tích luỹ kinh nghiệm và trưởng thành.
Hành trình của Quang Hải, Đức Huy, Đình Trọng, Văn Đại và một cơ số cầu thủ khác trong thành phần đội 1 Hà Nội FC hiện tại chính là ví dụ sống động. Trong khi đó, Tam Kỳ từ lâu đã là nơi cưu mang và dung thân của không ít sản phẩm đến từ lò đào tạo Thủ đô.
Bên cạnh những Văn Tâm, Huy Hùng, Anh Tuấn, Mạnh Toàn… vốn là cầu thủ cũ của CLB Hà Nội phiên bản “đời đầu”, thì gần đây nhất còn có Huy Tân, tiền vệ trung tâm từng được HLV Phan Thanh Hùng đăng ký tham dự V.League 2015.
Cách thức đào tạo, phát triển và sử dụng quân lực của Hà Nội FC có thể nói là hoàn hảo một cách khó tin. Không tính những cầu thủ đã tìm được chỗ đứng trong “hệ thống”, những người bị loại ra đều phải đối mặt với tương lai không mấy sáng sủa.
Mùa giải 2017, trung vệ Nam Anh sau thời gian được “biệt phái” vào Sài Gòn FC nhưng không thể hiện được nhiều, được nhả cho Long An theo dạng cho mượn. Nhưng cũng chỉ được 1 năm, cầu thủ gốc xứ Thanh lại lặng lẽ ra đi “không kèn, không trống”.
Người gần nhất thoát ly thành công khỏi Hà Nội FC là Trần Đình Bảo. Trung vệ người Thái Bình cập bến CLB TP.HCM sau một mùa giải tu nghiệp trong màu áo CAND. Ở thời điểm hiện tại, Đình Bảo là cầu thủ duy nhất được phép rời CLB Thủ đô khi chưa qua tuổi 25!
Không từ chối nguồn cung từ bên ngoài
Công tác đào tạo bằng nội lực vốn dĩ đã mạnh, hiệu quả song lãnh đạo đội bóng Thủ đô chưa bao giờ có ý định ngừng lại. Những thương vụ sang nhượng, thâu tóm nguồn “tài nguyên” từ Viettel hay Ninh Bình trong giai đoạn hai đội này lở dở ở cấp thượng tầng, hay việc tiếp nhận các mầm non chất lượng từ PVF… luôn được tính toán cẩn thận để phục vụ mục đích khuếch trương, mở rộng hệ thống đào tạo.
Nhờ sách lược này, đội bóng đã thu về không ít nhân tài do các đơn vị khác ươm mầm. Có thể kể đến như Anh Đức, Văn Thuận, Văn Quyết (Viettel), rồi gần đây là những Thái Quý, Hồng Sơn, Minh Dĩ (PVF)… Không chỉ Hà Nội FC hưởng lợi, chính sách này còn giúp các đội bóng thuộc “liên danh” được thơm lây không ít. Đơn cử như thương vụ chiêu mộ Vũ Tín và Thành Phong từ PVF, nhưng sau đó “để lại” cho Sài Gòn FC sử dụng.
Lực lượng dồi dào, lại liên tục được bổ sung từ những nguồn cầu thủ đa dạng, chất lượng bên ngoài, thế nên vài năm gần đây, Hà Nội FC đang rơi vào tình trạng khủng hoảng “thừa” khá… nghiêm trọng. Bởi ngay đến những đội vệ tinh như Sài Gòn FC cũng không còn đủ “đất” cho các sản phẩm gửi vào từ Thủ đô thể hiện.
Vì điều này, một số cầu thủ trẻ đã phải tìm đường phát triển sự nghiệp bằng cách xin về CAND hay Đắk Lắk. Nhưng đó chỉ là câu chuyện tạm thời mà thôi, bởi sau ngày Hà Nội B giành quyền thăng hạng Nhất (và có thể được gả về Hà Tĩnh ngày không xa), quân trẻ nhà bầu Hiển xem như đã có “chỗ chơi” lý tưởng.
Nhìn những gì đã và đang xảy ra hiện tại, có thể nói Hà Nội FC đang là một trong “ông trùm” đúng nghĩa của nền bóng đá xứ sở. Đào tạo giỏi, quản lý tốt, hình ảnh và công tác truyền thông ngày một được cải thiện… Một tương lai tươi sáng và rạng rỡ hơn dành cho đội bóng nhà bầu Hiển là điều có thể hình dùng lúc này.
“Đáng sợ” với quân số từ Hà Nội B Điểm sơ qua danh sách 29 cầu thủ mà Hà Nội B đăng ký dự giải hạng Nhất 2018, có thể thấy gần phân nửa trong số này từng tham gia các lứa đội tuyển trẻ từ U15 đến U19 Quốc gia. Có thể kể đến như Sỹ Huy, Tùng Lâm, Hữu Tuấn, Việt Anh, Tuấn Hải, Văn Nam… Sự dồi dào nhân sự khiến ngay đến một thủ thành từng dự VCK U20 World Cup như Nguyễn Bá Minh Hiếu cũng không thể góp mặt. Bởi trước mặt anh là hai đồng nghiệp cũng có hồ sơ “sáng” không kém, đó là Sỹ Huy và Tùng Lâm – người nhện của đội U19 Việt Nam năm rồi. Bên cạnh những cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo, đội quân của HLV Phạm Minh Đức còn được tăng viện bởi một số nhân tố bên ngoài. Mùa này, đó là những thành viên của lứa 1998 Viettel như Trung Học, Thế Tài và một số sản phẩm từ lò PVF như Bá Hoàng, Văn Xuân. Đặc biệt, trong đội hình hiện tại còn có một cái tên khiến ai đó phải ngạc nhiên. Đó là trường hợp của hậu vệ trái Ma Văn Tuấn. Cầu thủ sinh năm 1994 nổi lên cùng Thái Sung, Đặng Anh Tuấn của SHB Đà Nẵng, từng giành vé sang Qatar tham dự VCK cuộc thi “Giấc mơ sân cỏ” năm 2007. Nhưng rồi năm tháng dần trôi, cả Văn Tuấn và Thái Sung đều dần trồi sụt và mất cơ hội thăng tiến tại Đà thành. Vậy tại sao Hà Nội lại trao cơ hội cho một tài năng bị lãng quên? Đó là một câu hỏi đầy thú vị mà tốt nhất, hãy để thực tế trên sân cỏ trả lời. Nhưng hãy lưu ý rằng, về khoản chọn và điều người, nhà bầu Hiển là số 1 từ xưa giờ! |