Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Joseph Dunford
Theo Tướng Dunford, các mục tiêu bị tấn công ở Syria đã được chọn lựa với tiêu chí "giảm thiểu nguy hiểm cho các lực lượng Nga tại đây".
Ông cũng khẳng định rằng, một đường dây liên lạc tránh xung đột đã được sử dụng trước cuộc tấn công nhằm phong tỏa không phận ở khu vực.
Trang tin Within Syria khẳng định, căn cứ không quân Mezzeh và cảng Tartus, nơi có quân đội Nga đóng đều không bị trúng tên lửa, đợt tấn công thứ ba hướng tới căn cứ tên lửa Qtaifah ở phía bắc Damascus.
Theo các nhà quan sát, động thái "né" các lực lượng Nga khi tấn công Syria của Mỹ tương tự như những gì Washington đã làm năm ngoái.
Tháng 4.2017, Mỹ đã bắn 56 tên lửa Tomahawk tấn công một căn cứ quân sự ở Syria cũng để trả đũa cho một vụ tấn công hóa học. Trước khi phóng tên lửa từ chiến hạm vào căn cứ không quân tại Syria, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra cảnh báo sớm cho Nga để tránh gây thương tích cho các lực lượng Nga ở đây.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 14.4 (theo giờ Hà Nội) ra lệnh tấn công vào Syria để trả đũa cho vụ tấn công hóa học ở ngoại ô Damascus ngày 7.4 khiến hàng chục dân thường thiệt mạng, hơn 500 người bị thương.
"Cách đây ít phút, tôi vừa ra lệnh lực lượng vũ trang Mỹ tấn công chính xác vào các mục tiêu liên quan đến năng lực vũ khí hoá học của Bashar al-Assad", Reuters dẫn lời Tổng thống Donald Trump phát biểu trước truyền hình từ Nhà Trắng lúc 21h ngày 13.4, giờ Washington, (4h Damascus, 8h Hà Nội, ngày 14.4).
Ông Trump cho biết chiến dịch phối hợp với các lực lượng vũ trang Pháp và Anh, nhằm "ngăn chặn mạnh mẽ việc sản xuất, lan truyền và sử dụng vũ khí hoá học". "Phản ứng hỗn hợp giữa Mỹ, Anh, Pháp nhằm chống lại sự hung bạo này sẽ tận dụng mọi công cụ của sức mạnh quốc gia: quân sự, kinh tế và ngoại giao", Tổng thống Mỹ nói.
Ông Trump gợi ý các cuộc tấn công sẽ tiếp diễn cho tới khi chính quyền Syria dừng sử dụng vũ khí hoá học. "Chúng tôi sẵn sàng duy trì phản ứng này chừng nào chính quyền dừng sử dụng các chất hoá học bị cấm".