Cụ thể, chứng phình động mạch não là một phồng lồi trong một mạch máu trong não, khi đó, một vị trí nào đó của động mạch não rộng hoặc giãn ra. Các phình động mạch não rất nguy hiểm khi thành mạch tại một vị trí trở nên yếu, vỡ gây chảy máu não. Loại đột quỵ xuất huyết được gọi là xuất huyết dưới màng nhện. Do đó, nếu ai được chẩn đoán là phình động mạch thì cần phải điều trị ngay, tránh để vỡ mạch máu, gây xuất huyết não, rất nguy hiểm đến tính mạng.
Hình ảnh mô phỏng stent đặt trong động mạch phình, nhằm giảm áp lực cho động mạch. Ảnh IT.
Theo một số nghiên cứu, tỷ lệ mắc bệnh phình động mạch não khoảng 1% - 2% dân số. Trong số đó khoảng 1% ca mắc bị vỡ gây đột quỵ não. Nguy cơ vỡ tăng dần theo thời gian: 0,2 % trong 5 năm đầu tiên, 0,6% trong khoảng 5-10 năm, và 1,3% sau 10 năm nếu không được phát hiện và điều trị.
Theo các bác sĩ, triệu chứng của phình động mạch não là đột ngột đau đầu dữ dội, buồn nôn và ói mửa, đau cổ, mờ mắt hay nhìn đôi (một thành hai), nhạy cảm với ánh sáng, một mí rủ, mất ý thức, lẫn lộn. Những người có nguy cơ bị phình động mạch não như người bị tăng huyết áp, nghiện thuốc lá, tiểu đường, béo phì, uống nhiều rượu, cao tuổi, xơ cứng động mạch, chấn thương đầu hoặc trong gia đình đã từng có người bị phình động mạch.
Hiện nay, các phương pháp điều trị phổ biến là phẫu thuật và can thiệp nội mạch. Đặt stent động mạch não là phương pháp hiện đại nhất để điều trị phình động mạch não. Một đoạn stent được đặt vào động mạch bị phình, tạo sự vững chắc cho thành mạch. Nó giúp giảm nguy cơ vỡ đoạn mạch bệnh lý và điều chỉnh dòng chảy trong lòng mạch đúng với sinh lý. Thời gian tiến hành thủ thuật khoảng 1 đến 3 tiếng. Sau can thiệp, bệnh nhân nằm viện 1 đến 3 ngày ở bệnh phòng, không cần phải nằm ở khoa hồi sức tích cực.
Sau thủ thuật, bệnh nhân được tái khám 2 – 3 lần trong năm đầu tiên, sau đó ít nhất 1 lần một năm trong những năm sau. Khi đến tái khám, bệnh nhân được chụp CT-Scan hoặc các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác, để chắc chắn stent vẫn ở đúng vị trí trong động mạch chủ và không phát sinh thêm tổn thương mới.
Ca bệnh đặt stent điều trị phình động mạch não đầu tiên ở Việt Nam được Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) thực hiện thành công vào tháng 3.2017. Bệnh nhân (22 tuổi, tại Lâm Đồng) đã nhập viện trong tình trạng đau đầu dữ dội, choáng, muốn xỉu, tay chân yếu, liệt khi gắng sức. Chẩn đoán cho thấy bệnh nhân có một đoạn phình động mạch não ở vị trí vùng đáy sọ. Nếu không được can thiệp gấp, cục máu đông có nguy cơ trôi lên não, gây tai biến đột quỵ. Ca mổ đặt stent động mạch đã diễn ra thành công.
Các bác sĩ khuyến cáo, để hạn chế nguy cơ bị phình động mạch não, người dân không nên hút thuốc; không nên uống nhiều rượu, café; tăng cường vận động; tránh căng thẳng.