Dân Việt

MACV SOG: Công thần lẫn tội đồ của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam

PV 15/04/2018 20:35 GMT+7
Đóng vai trò đặc biệt trong Chiến tranh Việt Nam, nhưng MACV SOG chưa bao giờ được Quân đội Mỹ thừa nhận bởi chính vì nhiệm vụ đặc biệt của lực lượng này.

img

Có cái tên đầy đủ rất dài dòng là Millitary Assistance Command, Vietnam - Studies and Observation Group, tạm dịch là Nhóm nghiên cứu, quan sát hỗ trợ Bộ chỉ huy quân sự Mỹ ở Việt Nam hay còn được viết tắt là MACVSOG và được gọi tắt hơn nữa là lực lượng SOG. Pinterest.

img

Thực chất, cái tên "Nhóm nghiên cứu, quan sát hỗ trợ Bộ chỉ huy quân sự Mỹ ở Việt Nam" chỉ là cái tên vỏ bọc mang tính mỹ miều của lực lượng này. Nhiệm vụ chính của SOG là gián điệp, phá hoại và chỉ điểm. Nguồn ảnh: News.

img

Được thành lập từ ngày 24.1.1964, nhiệm vụ ban đầu của lực lượng SOG đó là huấn luyện những điệp viên nằm vùng để tung ra khu vực vùng núi phía Bắc Việt Nam với nhiệm vụ do thám, dò la tin tức, phá hoại hệ thống giao thông và nếu có thể, thiết lập mạng lưới điệp báo viên, xây dựng lực lượng bao gồm người dân địa phương sinh sống tại vùng núi phía Bắc Việt Nam để thực hiện hoạt động chống phá cách mạng. Nguồn ảnh: Pinterest.

img

Do phía Quốc hội và chính phủ Mỹ tuyên bố tuyệt đối tuân thủ theo Hiệp định Genève nên những hoạt động quân sự sử dụng lực lượng bộ binh Mỹ tại khu vực miền Bắc Việt Nam, Lào và Campuchia đều không được phép triển khai. Tuy nhiên, lực lượng SOG lại hoàn toàn không tuân thủ theo những trói buộc đó, họ nhận lệnh trực tiếp từ Lầu Năm Góc và tiến hành các hoạt động gián điệp ở mọi nơi, không chịu bất cứ sự rằng buộc và trách nhiệm giải trình nào. Nguồn ảnh: Unclai.

img

Mặc dù vậy, có cho vàng các toán biệt kích SOG người Mỹ cũng không dám nhảy dù xuống vùng núi phía Bắc Việt Nam, nhiệm vụ cực kỳ mạo hiểm này được thực hiện bởi những toán biệt kích của quân đội ngụy do SOG huấn luyện, thậm chí có những tên đã xâm nhập được vào tới Hà Nội trước khi bị tóm gọn. Nguồn ảnh: Pinterest.

img

Đối với lực lượng SOG, nhiệm vụ chủ yếu của họ bao gồm các nhiệm vụ tâm lý chiến, do thám và chỉ điểm. Nhiệm vụ tâm lý chiến bao gồm các màn rải truyền đơn chiêu hồi quân giải phóng trong rừng Trường Sơn, thâm nhập vùng Hạ Lào và Campuchia nhằm tìm ra những tuyến giao thông vận tải quan trọng của ta để chỉ điểm cho máy bay ném bom rải thảm. Nguồn ảnh: Jim Bolen.

img

Thông thường, các toán biệt kích SOG của Mỹ sẽ bao gồm từ 3 người Mỹ trở lại và khoảng 4-5 người dân tộc bản địa. Những người dân tộc bản địa này thường là người Thượng (danh từ chỉ chung những dân tộc sống trên vùng Tây Nguyên) hoặc là người dân tộc thiểu số sinh sống ở Lào và Campuchia. Nhiệm vụ của lực lượng bản địa này là dẫn đường, giao tiếp với người bản xứ, trà trộn, tìm kiếm thông tin... Nguồn ảnh: SOG.

img

Vì tính chất là lực lượng đặc biệt thường xuyên đổ bộ bằng đường không nên biệt kích SOG thoừng được trang bị rất gọn nhẹ, bao gồm cả các loại vũ khí từ thời chiến tranh thế giới thứ hai như tiểu liên M3 với ống giảm thanh. Đặc biệt, do là một lực lượng đặc biệt nên vũ khí của SOG không nhất thiết phải là vũ khí chính quy, họ hoàn toàn có thể sử dụng AK-47 nếu thích và sự thật là rất nhiều binh lính SOG thích sử dụng khẩu AK-47 cưa nòng hơn so với các loại súng Mỹ vì độ gọn nhẹ và tính chính xác của nó. Nguồn ảnh: SOG.

img

Thêm vào đó, do tính chất nhiệm vụ là do thám, dò la tin tức trong lòng đối phương nên biệt kích SOG rất giỏi... luồn lách chui rúc hơn là giỏi đánh nhau. Họ thừa biết, nếu chạm trán một tốp bộ đội giải phóng chính quy thì phần thua sẽ nằm chắc trong tay mình nên hạn chế tối đa việc nổ súng. Nguồn ảnh: SOG.

img

Các hoạt động của SOG từ những năm 1967 bắt đầu trở nên liều lĩnh hơn, rất nhiều toán biệt kích được tung vào tận Trung Lào, nơi mà từ đó biệt kích Mỹ chạy về... Hà Nội còn nhanh hơn chạy vào Sài Gòn. Đặc biệt, từ những năm 1971, khi Mỹ dần rút bộ binh Mỹ ra khỏi Việt Nam thì những hoạt động của SOG không những giảm đi mà còn phải... tăng lên để bù đắp cho tính thiếu hiệu quả của các hoạt động quân sự do quân đội ngụy đảm nhận. Ảnh: Một doanh trại SOG nằm ở ngoại ô Sài Gòn trong chiến tranh Việt Nam. Nguồn ảnh: SOG.

img

Không những tăng tần suất hoạt động, lực lượng SOG của Mỹ tại Việt Nam giai đoạn những năm 1970, 1971 còn nhận được sự ưu ái tuyệt đối về mặt hỏa lực không quân, có thể nói là "chỉ cần alô là đến". Chính vì vậy, các hoạt động chống phá trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh của SOG diễn ra ngày một nhiều và hiệu quả hơn. Nguồn ảnh: SOG.

img

Mặc dù vậy, sau chiến dịch Lam Sơn 719 hay còn gọi là Đường 9 - Nam Lào của quân đội Sài Gòn thất bại thảm hại, phía Quân giải phóng đã kiểm soát một khu vực rộng lớn ở phía Nam Lào và Bắc Campuchia khiến địa bàn hoạt động của SOG bị thu hẹp lại còn 1/3, cộng với việc quân đội Mỹ hoàn toàn rút khỏi chiến tranh Việt Nam, SOG cũng bị chấm dứt hoạt động và chính thức giải thể vào ngày 30.4.1972. Nguồn ảnh: SOG.

img

Không thể phủ nhận tính hiệu quả của lực lượng thám báo SOG trong thời gian hoạt động trên chiến trường Việt Nam. Tuy nhiên, những kế hoạch táo bạo và tinh vi của lực lượng này như tung gián điệp vào Hà Nội, tung gián điệp ra các tỉnh vùng núi phía bắc, thiết lập mạng lưới tình báo viên người địa phương ở vùng núi phía bắc đều thất bại hoàn toàn. Đổi lại, chỉ những hoạt động mang tính chiến thuật như chống phá tuyến đường mòn Hồ Chí Minh, quấy rối tuyến vận tải hàng hóa Bắc Nam thì đã rõ ràng nhưng lại không đủ để thay đổi cục diện của cuộc chiến tranh này. Ảnh: Tuyến đường mòn Hồ Chí Minh được biệt kích SOG chụp ảnh lại trong một lần do thám. Nguồn ảnh: Wiki.