Trong showbiz Việt, Thanh Bùi là một trong ít những nghệ sĩ có đời sống riêng rất kín đáo. Từ khi kết hôn với Trương Huệ Vân - ái nữ xuất thân trong gia tộc bề thế nhất Việt Nam cho đến lúc có hai con sinh đôi Kiến An - Khải An, Thanh Bùi càng hạn chế tối đa việc chia sẻ chuyện gia đình với truyền thông mà chỉ tập trung vào công tác giáo dục, đào tạo âm nhạc.
Tuy nhiên, trong một buổi trò chuyện mới đây nhất, nam ca sĩ lần đầu tiết lộ những phương pháp dạy con và việc làm một người bố đã thay đổi anh như thế nào.
Thanh Bùi và bé Khải An
Muốn cho con mình được tiếp cận với âm nhạc, không phải từ 5 tuổi như bố, mà là từ 6 tháng
Vì sao anh lại lựa chọn dạy con bằng âm nhạc, chứ không phải là học nhận biết mặt chữ, học flash card, hay những con số?
Tôi quá may mắn được sống ở Úc, nơi có hệ thống giáo dục rất coi trọng âm nhạc và nghệ thuật. Bố mẹ tôi là những người không có cơ hội học về âm nhạc, nhưng tôi thì có. Và cũng vì những ngày được tiếp cận với âm nhạc ấy, mới có được Thanh Bùi của ngày hôm nay.
Là một người cha, khi có con, tôi cũng luôn tìm kiếm những gì tốt nhất hỗ trợ cho việc nuôi dạy con. Tôi đã đi qua nhiều nước, có cơ hội gặp gỡ nhiều chuyên gia giáo dục hàng đầu, từ đó tôi biết rằng yếu tố quan trọng nhất trong việc nuôi dạy trẻ hướng đến tương lai là giáo dục sáng tạo.
Những con số, những tính toán, tất cả đều có thể được thực hiện bằng robot. Robot sẽ chiếm hết công việc của chúng ta. Ai làm được điều mà robot không làm được, những đứa trẻ ấy sẽ thành công trong tương lai. Vậy điều gì robot không thể làm được? Đó là sự sáng tạo - và âm nhạc sẽ giúp cho con nuôi dưỡng sức sáng tạo ấy.
Thanh Bùi cho biết, từ khi làm bố, anh quan tâm đến giáo dục sớm và thích tìm hiểu những phương pháp nuôi dạy con.
Cụ thể, anh đã dạy con qua âm nhạc bằng cách nào?
Tôi muốn cho con mình được tiếp cận với âm nhạc, không phải từ 5 tuổi như tôi, mà là từ 6 tháng. Tôi đang áp dụng cho con phương pháp kindermusik - một phương pháo giáo dục sớm cho trẻ bằng âm nhạc được phát triển bởi các chuyên gia giáo dục ở Đức vào những năm 1960 - và rất hài lòng với sự phát triển của hai bé.
Ví dụ như mỗi buổi sáng thức dậy, thay vì gọi con, tôi sẽ hát cho con bài hát "Good Morning", bé sẽ ý thức được rằng cứ khi nghe bài hát ấy, là đã đến giờ thức giấc, là buổi sáng bắt đầu một ngày.
Không kỳ vọng một đứa trẻ 18 tháng tuổi sẽ có tài năng gì
Anh nói mình hài lòng với sự phát triển của con sau quá trình tiếp xúc với âm nhạc từ sớm. Có "thước đo" nào không?
5,6 năm trước, khi tôi mới mở trường âm nhạc, nhiều cha mẹ đã đến hỏi tôi "Thanh, chị muốn con giỏi như Mozart. Mất bao lâu?". Tôi biết, cha mẹ Việt rất muốn con mình thành công, và trong tư duy của nhiều cha mẹ, thành công phải có kết quả thể hiện rõ ràng. Câu hỏi này rất bình thường.
Nhưng tôi đã có dịp đi nhiều nơi, tôi nhận thấy tư duy của cha mẹ các nước rất khác. Tôi không kỳ vọng một đứa trẻ 18 tháng tuổi sẽ có một cái tài năng gì hết. Tôi chỉ muốn dành tâm huyết xây dựng tố chất, tư duy, sự sáng tạo, nhạy cảm cho con...qua âm nhạc, bằng một quá trình xây dựng lâu dài.
Ông bố hai con tiết lộ đang dạy con bằng âm nhạc từ 6 tháng tuổi.
Nhưng với một đứa trẻ ở độ tuổi còn quá nhỏ, anh làm thế nào để bé tập trung trong mỗi giờ học?
Nhiều cha mẹ Việt cứ nghĩ đưa trẻ sơ sinh đến các trường, lớp giáo dục sớm để con ở đó rồi hết giờ đến đón là xong. Nhưng ở nước ngoài không như vậy, cha mẹ sẽ đi cùng với con, học cùng con và thực chất, giờ học của con cũng là lúc người lớn học cách làm cha mẹ, học cách kết nối với con.
Tôi cũng như vậy, tôi vào lớp học cùng con. Và cả vợ tôi, tuy cô ấy hát rất phô, nhưng có hề gì, chỉ cần mẹ và con cùng hát với nhau, mọi lời cất lên đều rất đẹp.
Vợ Thanh Bùi và bé Kiến An
"Nhà tôi có qui tắc khi ăn không Iphone, Ipad"
Việc dạy con bằng âm nhạc này có bao gồm cả iphone, ipad không?
Tôi từng bước vào nhà hàng buổi tối nhìn nhiều gia đình và thấy giữa cha mẹ con cái không có sự kết nối. Mỗi người đều tập trung vào chiếc Iphone, Ipad của mình và về nhà cũng vậy. Nhà tôi có quy tắc khi ăn không ai được dùng smartphone vì mình phải xây dựng được sự kết nối giữa cha mẹ với con cái.
Tôi cũng biết nhiều cha mẹ thanh minh rằng vì quá bận, vì phải kiếm tiền.. .nên không có thời gian cho con. Nhưng tôi thì không. Dù bận bao nhiêu, mỗi tuần, tôi đều dành thời gian ngồi với con để xây dựng sự kết nối giữa bố và hai đứa nhỏ, với vợ nữa. Đó là cách tôi lựa chọn.
Con không cần thích, nhưng con cần thử
Nhiều người cho rằng việc trẻ quá yêu thích âm nhạc, nghệ thuật có thể ảnh hưởng đến việc học chính khoá ở trường lớp. Anh thấy sao?
Trước đây, bố mẹ của tôi cũng nghĩ như vậy. Bố mẹ tôi từng nói "Thanh! Tại sao con không theo nghề này, con phải làm bác sĩ, phải kinh doanh...mới kiếm ra tiền. Làm nghệ sĩ chỉ là xướng ca vô loài".
Nhưng vài năm trước, khi ngồi nói chuyện với tôi, bố tôi lại nói rằng ông rất cám ơn trường học của tôi ở Úc đã dạy tôi âm nhạc từ lúc 5 tuổi. Âm nhạc khi đó đã bổ sung con người tôi, giúp tôi nhạy cảm, sáng tạo, nhìn ra được nhiều khía cạnh của một vấn đề.
Tôi sẽ không hỏi con được mấy điểm toán, các nhà tuyển dụng sau này cùng không. Họ chỉ hỏi một người có lãnh đạo được không, có thể kết nối con người được không, có thể sáng tạo được cách giải quyết khi gặp một vấn đề khó hay không. Những người vĩ đại, những tỷ phú, họ không giỏi những con số, mà họ giỏi sáng tạo.
Tôi không nói âm nhạc quan trọng hơn, tôi chỉ muốn nói rằng toán, khoa học, âm nhạc, nghệ thuật...phải đi cùng với nhau, và âm nhạc không hề ảnh hưởng đến những môn còn lại.
Nhà bác học Albert Einstein đã nói: Logic sẽ cho bạn đi được từ điểm A đến điểm B. Nhưng imagination - sự sáng tạo sẽ đưa bạn đi khắp nơi. Và tôi muốn con mình được đi khắp nơi.
Vậy nếu con anh thực sự không có năng khiếu âm nhạc và không thích âm nhạc thì sao?
Con tôi không giỏi âm nhạc cũng không sao. Tôi đã từng vào phòng đẻ với vợ, nhìn từng đứa trẻ ra đời. Hai đứa trẻ, mỗi đứa chào đời cách nhau chỉ một tích tắc, nhưng tính cách hoàn toàn khác nhau. Vì vậy, tại sao mình phải ràng buộc con theo suy nghĩ của mình?
Vai trò người làm cha làm mẹ là cho con tất cả những gì có thể để con được thử sức và biết mình thích gì, muốn gì. Nếu con muốn làm nghề báo, con hãy làm một nhà báo tốt nhất, nếu con muốn kinh doanh, muốn làm bác sĩ....con muốn làm gì, với tâm huyết hết sức có thể, với khả năng mạnh nhất có thể. Bố sẽ luôn ủng hộ con. Chỉ cần nghĩ được như vậy, cuộc sống sẽ rất thoải mái.
Nhưng để con biết con thích gì, thì con phải thử. Tôi không ép con phải làm theo ý bố mẹ, nhưng lại rất quan trọng chuyện bắt con phải thử. Vì con không thử con sẽ không biết con thích gì.