“Đi bắt chước cả cái thằng bắt chước – rõ là chán của chán!”
Trở lại ngồi ghế nóng Sing My Song mùa 2, anh có thực sự tin vào những “lời có cánh” của mình, cũng như 3 vị giám khảo còn lại, trước những “Hương à”, “Mặt mộc”, “Người yêu tôi không có gì để mặc”...? Hay “lạc quan tếu” luôn là bệnh của các “chuyên gia ghế nóng”?
- Rõ ràng là đang có một làn gió mới trẻ trung, sung sức thổi vào âm nhạc Việt, khiến những người làm nghề như chúng tôi cảm thấy thực sự sung sướng và không khỏi khấp khởi kỳ vọng. Tôi đồ rằng chỉ khoảng 5 năm nữa thôi, nhạc nhẹ Việt sẽ khởi sắc một cách thật sự, nhờ được bổ sung vào đội ngũ những người trẻ giàu khát vọng, giỏi nghề, tràn đầy tự tin, vừa có thể sáng tác nhạc, chơi nhạc (thậm chí đạt đến trình solist) và tự biểu diễn, tự hòa âm phối khí các tác phẩm của mình... Có những bạn trẻ còn có kiến thức xã hội rất tốt và góc nhìn mang tính công dân rất tích cực, không còn những “não tình”, khóc than sướt mướt ủy mị như chúng ta từng lo ngại. Chẳng hạn như trường hợp của Lộn Xộn Band hay Đinh Tuấn Anh – phải nói là hai phát hiện hết sức thú vị của “Sing My Song” mùa 2. Hay như trường hợp của Sa Huỳnh – một tác giả trẻ nhưng đã sớm có được những sáng tác rất chững chạc, góp phần làm nên các bản hit của Tùng Dương và vừa bất ngờ góp mặt tại Sing My Song cả trong vai trò cầm mic...
Đáng nói nữa là nó đầy chất Việt, tính Việt, và đó là điều khiến tôi mừng nhất. Bởi tôi vẫn thường nói rằng: Cái ông Hàn Quốc, bản thân cái K-Pop nó đã là bắt chước ông Mỹ rồi, là hàng nhái F2, giờ mình lại còn đi bắt chước cả cái ông bắt chước, thì rõ là chán của chán, chán ngay từ đầu rồi còn gì? Trong khi, chất liệu Việt đầy ra đấy, mà đâu cứ phải có mỗi chèo tuồng quan họ... thì mới là Việt.
Không phải là “lạc quan tếu” đâu, mà thực sự là niềm tin đấy bạn! Không tin lớp trẻ thì còn tin ai nữa hả trời?
Nhưng truyền hình thực tế cũng đã chứng kiến biết bao “mặt giời” sáng mọc tối tàn, nóng rồi lại nguội, thậm chí mất hút... Nguyên nhân, theo anh?
- Thật ra thì người trẻ bao giờ cũng lắm khát vọng, chỉ là hơn nhau ở chỗ có sân chơi hay không mà thôi. Nhờ những sân chơi kiểu như “Sing My Song” hay “The Band Việt Nam”... mà nhiều bạn trẻ đã có cơ hội đến được với khán giả nhanh hơn, cũng như có điều kiện được tiếp xúc với giới nghề sớm hơn. Cố nhiên, cũng có mặt trái và bi kịch của nó. Nhanh nổi thì cũng dễ nhanh chìm, dưới chồng chồng lớp sóng, nếu như vội vàng ngủ quên trên chiến thắng và không biết cách tiếp đất để mở mắt ra và đi tiếp.
Thế hệ tôi, nói thế chứ, gần như không có gì cả, không một trợ lực nào khác, vì ngày đấy làm gì đã có sân chơi truyền hình thực tế như bây giờ, nhưng cũng chính nhờ vậy mà nó lại có sức mạnh của một quả bóng bị nén. Càng bị kìm hãm, nó càng bật nẩy lên, bằng sức mạnh tự thân. Còn như hiện nay là nhiều khi bóng mới chỉ bay là là, đã được nâng bổng lên, nên nhiều khi bay lên tiếp cũng khó, mà tiếp đất cũng chẳng xong. Thế hệ của tôi “xôi là xôi, thủ là thủ”, giờ nhiều khi chưa gì đã ngoắt thế này, ngoắt thế kia, để làm cái gì, giời ơi!
Tuổi trẻ, đáng giá nhất là sự kiêu hãnh và ngạo nghễ. Tuổi trẻ, là phải biết cãi. Nếu tuổi trẻ mà chỉ biết “gọi dạ bảo vâng” thì thôi, xin đừng dại dột đâm đầu vào nghệ thuật. Không có cá tính và bản lĩnh thực sự thì đừng mong đi được đường dài...
“Con chim hót chả hay hơn mấy bức ảnh dở người à?”
“Ôi quê tôi” – “ca khúc để đời” của anh là được viết năm 23 tuổi. Ngày hôm nay, khi nghe những sáng tác của các bạn trẻ mười chín, đôi mươi, anh có thấy nhớ tuổi trẻ của mình? Và Lê Minh Sơn ngày ấy đâu rồi?
- Muốn biết Lê Minh Sơn “còn sống” không, tốt nhất bạn hãy tìm nghe đĩa nhạc mới nhất tôi vừa thực hiện cho Lê Khoa – một người hát mới tinh vừa dạm ngõ làng nhạc, trong đó hầu hết là các sáng tác chưa từng công bố của tôi. Còn thì tuổi trẻ, đã bao giờ là không đáng nhớ? Nhất là tuổi trẻ trong âm nhạc. Biết bao ca khúc đình đám đã được các nhạc sĩ Phạm Duy, Nguyễn Đình Thi... sáng tác khi họ mới chỉ ở vào độ tuổi đôi mươi. Các bạn trẻ ngày nay dĩ nhiên thuận lợi hơn các thế hệ đi trước rất nhiều nhờ có internet để cập nhật, cả thế giới thu nhỏ trong một cái màn hình; các game show có format hay để có được các màn trình làng ấn tượng... Còn “thời thanh niên sôi nổi” của chúng tôi ngày ấy thậm chí đến cái điện thoại cầm tay còn chả có, ti vi hồi ấy chiếu từ 7 giờ tối đến 10 giờ đêm là hết, vẻn vẹn vài ba kênh truyền hình, phim truyện thì muôn đời chỉ có ta thắng - địch thua, sân chơi duy nhất cho giới trẻ là SV’ 96, và tôi vẫn còn nhớ là chúng tôi đã hét lạc cả giọng vì quá phấn khích, quá vỡ òa... Tôi mày mò viết nhạc từ năm 11 tuổi cũng chỉ vì chán quá, chả có việc gì làm, chả có trò gì để phá. Ôi tuổi trẻ của tôi! (cười). Nhưng cũng vì thế mà nó mới đáng yêu đến thế!
“Hương à” – ca khúc vừa gây sốt mới đây tại Sing My Song phần nào khiến tôi nhớ đến ca khúc “Trăng khuyết” một thời của anh, vì cái vẻ đẹp ngây ngô của một người con trai khi đứng trước tình yêu đầu đời của mình. Nhưng thực sự là tôi vẫn thích cách một người lắm lời và “bặm trợn” như anh lại... kiệm lời và giàu chất thơ đến thế khi yêu: “Trăng khuyết rồi em à, tình yêu quá mong manh”, “Giận anh, em ném cả vầng trăng lên trời”..., hơn là nhiều lời và “thật thà” đến như “Hương à”, hay rất nhiều bản hit được tung hô gần đây. Anh thấy sao?
- Thế hệ của tôi tuy thiếu đi sân chơi truyền hình thực tế và internet, nhưng bù lại, lại có sân chơi của văn học, thi ca. Nhạc của tôi một phần là thoát thai từ những cuốn sách tôi từng đọc. Tôi vẫn nói tôi rất biết ơn nhà thơ Lê Đạt, vì chính tập “Bóng chữ” của ông đã gợi hứng cho tôi trong nhiều sáng tác. Giờ các bạn chủ yếu là lướt web, hiếm bạn có đủ kiên nhẫn để đọc hết một cuốn sách, nên cảm xúc đôi khi vì thế mà cũng bị trôi tuột đi, nghèo tưởng tượng hơn.
Nhưng thật ra ít lời hay nhiều lời, tôi nghĩ không quan trọng đâu bạn! Một ca khúc cũng như một lời tỏ tình thôi, có người chỉ cần nói ít, thậm chí không nói, nhưng lại cũng có người phải nói nhiều, thì mới có được cái gật đầu của đối phương. Cái quan trọng là cách bạn trình bày phải khiến cho người nghe thấy được cái chân thành tha thiết của bạn trong đó.
“Sing My Song” có một cái rất hay là trại sáng tác 24h, điều này gây nhầm tưởng là sẽ cho ra một món fast food, nhưng thật ra cảm xúc phải là thứ có sẵn trong con người bạn, đã được bạn dành dụm, dè sẻn, cất giữ, qua đủ các công đoạn sàng sẩy rây lọc..., chỉ đợi đến khi có chất xúc tác thì mới bùng nổ mà thôi. Trăng khuyết hay đầy là do mình cả!
Vì sao đến giờ này anh vẫn chưa chịu chơi FB? Anh không muốn mình “đầy” lên sao?
- Biết là đầy lên, hay lại khuyết đi? Con chim hót chả hay hơn mấy bức ảnh dở người à? Con người chả phải đã quá ảo rồi sao, sự tưởng tượng đã chẳng đủ ảo rồi hay sao? Cố nhiên, ai chơi thì cứ chơi thôi. Tôi đây ngồi chơi với 7 nốt nhạc đã đủ mệt nhoài rồi. Mà FB buồn cười nhỉ, người ta giấu đi chả được, lại còn phô ra?
Xin cảm ơn anh!