Dân Việt

Thua lỗ mà trả lương cao là khó chấp nhận

23/11/2011 14:26 GMT+7
(Dân Việt) - Bên hành lang Quốc hội sáng 22.11, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, nếu lãnh đạo EVN nói mức lương trung bình của cán bộ, nhân viên 7,3 triệu/tháng mà không sống được thì không phù hợp với thực tiễn hiện nay, vì thực tế lương tối thiểu khối doanh nghiệp là 2 triệu đồng/tháng và mức đó là tạm ổn, còn nếu so với mức 830.000 đồng/tháng của khối công chức thì rõ ràng khối công chức còn khó khăn hơn nhiều.

Nhưng trong khi EVN đang lỗ trên 10.000 tỷ đồng mà lương nhân viên như vậy, Bộ trưởng thấy sao?

- Tôi không bình luận là mức lương này có xứng đáng hay không. Nhưng tôi nghĩ bao giờ trả lương cũng phải phù hợp với hạch toán. Nếu anh không có lãi mà anh trả lương cao thì đó là điều khó chấp nhận!

Vậy phía Bộ LĐTBXH có yêu cầu kiểm tra lại mức lương này?

- Trước mắt chúng tôi có thể yêu cầu xem lại anh trả lương cho người lao động như vậy đã phù hợp với hoạt động kinh doanh của đơn vị hay chưa. Nếu bất hợp lý thì chúng tôi sẽ kiến nghị phải theo cơ chế hiện hành của Nhà nước. Đến giờ, chúng tôi không chỉ có kế hoạch kiểm tra lương của ngành điện mà chúng tôi đã kiểm tra một số đơn vị khác cũng theo nội dung trả lương trên thang bảng lương và định mức. Qua kiểm tra cũng nhận thấy một số nơi chưa thực hiện đúng.

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng doanh nghiệp xây dựng lương trên cơ sở mức lương tối thiểu và như vậy thiệt thòi cho người lao động?

- Vừa rồi tôi có nói, có bảng lương mà doanh nghiệp không thực hiện thì mình phải kiểm soát, nhất là các doanh nghiệp nước ngoài. Nên việc xây dựng mức lương tối thiểu để bắt buộc doanh nghiệp trả cho người lao động là cần thiết. Còn nếu anh trả càng cao hơn càng tốt. Vì thế mà tôi nói Chính phủ sẽ chuẩn bị một luật về mức lương tối thiểu trong nhiệm kỳ này.

Theo thống kê của Bộ LĐTBXH, tiền lương của người lao động trong năm 2009 ước đạt 2,84 triệu đồng mỗi tháng. Trong đó, lương lao động ở các doanh nghiệp nhà nước ước đạt 3,35 triệu đồng, tổng công ty hạng đặc biệt và công ty mẹ thuộc tập đoàn kinh tế Nhà nước đạt 5,9 triệu đồng, doanh nghiệp FDI ước đạt 2,65 triệu đồng, doanh nghiệp dân doanh đạt 2,05 triệu đồng.

Như vậy, mức lương trung bình là 7,3 triệu đồng của cán bộ, công nhân viên EVN còn cao hơn cả các doanh nghiệp có mức lương trung bình đầu bảng.

Trong năm 2010, những ngành nghề đứng đầu bảng về mức lương bình quân hàng tháng là mỏ, luyện kim với 9,2 triệu đồng/tháng; ngân hàng với 7,6 triệu đồng; dược là 7 triệu đồng và điện tử viễn thông là 5,5 triệu đồng...

Như vậy, lương trung bình của EVN năm 2009 tương đương với lương của lao động thuộc top đầu của năm 2010.