Dân Việt

Sau đợt Mỹ tấn công Syria, sẽ có những “miếng võ” để làm khó nhau

Lương Kết (thực hiện) 16/04/2018 06:05 GMT+7
“Có thể nói cuộc chiến ở Syria dẫn tới đụng độ giữa hai nước lớn là khó xảy ra. Bởi lẽ, nếu có đụng độ giữa hai nước lớn thì sẽ dẫn tới việc sử dụng những loại vũ khí hiện đại hơn, mức độ nguy hiểm lớn hơn nên hai bên khi hành động sẽ có cân nhắc cần thiết”, Trung tướng Nguyễn Đức Soát, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam nhìn nhận khi trao đổi với Dân Việt.

img

Trung tướng Nguyễn Đức Soát (ảnh IT).

Sau đợt oanh kích vào Syria rạng sáng 14.4, hiện Mỹ và liên quân đang dừng cuộc tấn công lại. Tuy nhiên nhiều người vẫn đặt câu hỏi liệu sẽ có cuộc tấn công tiếp theo của Mỹ vào Syria hay không, Trung tướng có nhìn nhận thế nào?

- Mỹ, Anh, Pháp oanh kích vào Syria theo cớ họ đưa ra là nghi ngờ chính phủ nước này có vũ khí hóa học. Khi tấn công họ đã tập trung vào những nơi được cho là cơ sở nghiên cứu, tàng trữ vũ khí hóa học. Phía Nga nói là Mỹ và các nước khác đã dựng chuyện này, đề nghị Liên Hợp Quốc vào kiểm tra, giám sát. Phía Mỹ khi tấn công cũng đã tìm cách tránh những khu vực có quân Nga để tránh chuyện đụng độ. Phía Nga nói Mỹ đánh như vậy là bất chấp không có Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đánh vào một quốc gia có chủ quyền.

Việc Mỹ và đồng minh của họ có tiếp tục tấn công vào Syria nữa hay không có thể dự đoán được. Bởi phía Pháp tuyên bố vẫn tiếp tục đánh, còn phía Mỹ nói nếu Syria còn sử dụng vũ khí hóa học nữa thì sẽ đánh.

img

Tên lửa của Mỹ tấn bắn vào Syria (ảnh REUTERS).

Thực ra để nói, Syria là chiến trường mà hai bên cả Nga và Mỹ đều tìm cách tranh giành ảnh hưởng. Nga muốn có “chỗ đứng” ở Syria nên bảo vệ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad, còn phía Mỹ từ lâu đã không đồng tình với chính quyền của ông Bashar al-Assad. Có thể nói cuộc chiến ở Syria dẫn tới đụng độ giữa hai nước lớn sẽ khó xảy ra. Bởi lẽ, nếu có đụng độ giữa hai nước lớn sẽ dẫn tới sử dụng những loại vũ khí hiện đại hơn, mức độ nguy hiểm lớn hơn nên hai bên khi hành động sẽ có cân nhắc cần thiết.

Nói chung thế giới cũng phải lường trước những tình huống xấu có thể xảy ra, tuy nhiên đặt vấn đề tình hình có trở nên căng thẳng hơn, phức tạp hơn hay không, qua phân tích thấy khó có thể dẫn tới căng thẳng hơn.

Sau đợt Mỹ tấn công vào Syria có nhiều thông tin khác nhau về việc bắn hạ tên lửa, ông thấy sao?

- Hiện nay các thông tin đang ngược nhau, qua báo chí thấy phía Mỹ thì nói không có tên lửa nào bị bắn hạ, còn Nga thì nói bắn hạ 71, Syria nói số tên lửa bị bắn hạ 13, bên cạnh đó có video được Bộ Quốc phòng Nga đưa thấy hình ảnh tên lửa phòng không bắn lên và trên trời có một tên lửa nổ tung.

Thực tế với các thông tin này rất khó để chúng ta có thể kiểm chứng. Trong chiến tranh công tác tuyên truyền rất quan trọng. Từ sự kiện xảy ra  các nước cũng tìm cách buôn bán vũ khí, dọa nhau…chính vì thế mới đẻ ra chuyện khuếch trương chiến thắng.

Ông có nói chiến trường Syria khó có thể có đụng độ giữa hai nước lớn, tuy nhiên tình hình sẽ vẫn phức tạp, tiềm ẩn nhiều vấn đề khó lường, thưa ông?

- Nói chung sau đợt đánh phá của Mỹ và Anh, Pháp, tình hình Syria sẽ còn phức tạp. Việc đánh để mang tính “dằn mặt” nhau có thể vẫn còn xảy ra, nhưng không tới mức phải sử dụng bộ binh. Việc tấn công chủ yếu sẽ sử dụng vũ khí công nghệ cao, cố gắng để không gây thiệt hại.

Tôi nghĩ chiến trường Syria còn là một cuộc chiến dai dẳng, hai bên sẽ tiếp tục có những “miếng võ” để làm khó nhau. Cuối cùng người dân Syria chịu khổ sở nhất, thiệt thòi nhất.

Những diễn đàn lớn như Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là nơi để đấu tranh, phản đối. Với Mỹ thì họ đã nhiều lần đánh vào quốc gia khác và họ cũng không cần ý kiến của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.