Công khai diện tích trồng lúa
Theo Nghị quyết của Quốc hội, việc quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất sẽ được quản lý chặt chẽ, đảm bảo sử dụng đất đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, nhất là bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tới năm 2020, đất trồng lúa của cả nước là 3,812 triệu ha. |
Theo mục tiêu đó, tới năm 2015, tổng diện tích đất nông nghiệp sẽ là 26,55 triệu ha, trong đó đất chuyên trồng lúa nước là 3,951 triệu ha, còn tới năm 2020, diện tích đất trồng lúa là 3,812 triệu ha (tức giảm 139.000ha). Trong tổng diện tích trên, đất chuyên trồng lúa nước chiếm 3,258 triệu ha.
Đối với đất rừng sản xuất sẽ được tăng từ 7,917 triệu ha (năm 2015) lên 8,132 triệu ha (năm 2020), đất làm muối giữ ổn định ở mức 15.000ha. Đáng chú ý, đất các khu công nghiệp sẽ được tăng từ 130.000ha (năm 2015) lên 200.000ha (năm 2020).
Để đảm bảo mục tiêu trên, Quốc hội đã đề ra một số giải pháp thực hiện, đó là: Quy hoạch, kế hoạch của các ngành, lĩnh vực, địa phương có sử dụng đất phải đảm bảo dựa trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia. Xác định ranh giới và công khai diện tích trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng cần được bảo vệ nghiêm ngặt.
Điều tiết phân bổ nguồn lực, đảm bảo lợi ích giữa các địa phương phát triển công nghiệp với các địa phương giữ nhiều đất lúa. Tăng đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng các cơ sở chế biến, bảo quản, tiêu thụ lúa hàng hóa tại địa phương giữ nhiều đất lúa, có chính sách giảm chi phí sản xuất lúa, tăng thu nhập cho người nông dân, yên tâm trồng lúa.
Đất khu công nghiệp tối đa là 200.000ha
Trước khi thông qua Nghị quyết về kế hoạch sử dụng đất 5 năm, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy bản Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội về Nghị quyết trên.
Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tính đến ngày 31.12.2010, cả nước có 267 khu công nghiệp với tổng diện tích 72.000ha, trong đó có 177 khu với diện tích trên 47.198ha đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy trung bình là 76%, còn lại 90 khu với diện tích 24.795ha đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng. Tổng vốn đầu tư cho 267 khu công nghiệp là 173.000 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư nước ngoài chiếm 56.000 tỷ đồng.
Một số đại biểu khi thảo luận về kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất như đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM), Lê Văn Học (Lâm Đồng), Phùng Đức Tiến (Hà Nam)… cho rằng, thực chất diện tích lấp đầy của các khu công nghiệp hiện mới đạt 46% và cần cân nhắc việc mở rộng thêm các khu công nghiệp.
Theo đó, các đại biểu đề nghị giảm diện tích đất khu công nghiệp xuống còn 150.000-180.000ha, thậm chí chỉ còn 100.000ha đến năm 2020.
Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc quy hoạch 200.000ha đất khu công nghiệp (tăng 128.000ha so với hiện tại) là phù hợp, vì thực tế thời gian để hình thành một khu công nghiệp trung bình là 10 năm, nên quy hoạch cần phải đi trước một bước. Sau năm 2020, dự kiến đất khu công nghiệp sẽ giữ ổn định ở mức 200.000ha, không được tăng thêm và tập trung hoàn thiện toàn bộ các khu công nghiệp được thành lập.
Lê Hân