Dân Việt

"Đánh lừa" khán giả, Cô Ba Sài Gòn giành Cánh diều vàng 2017

Hà My 16/04/2018 08:30 GMT+7
"Cú lừa" của "Cô Ba Sài Gòn" dành cho khán giả đã đem lại thành công không ngờ cho bộ phim điện ảnh "lạ" này.

Mới đây, đêm trao giải thưởng Cánh diều 2017 đã diễn ra tại Nhà hát Lớn, thủ đô Hà Nội. Trong hạng mục phim truyện điện ảnh xuất sắc nhất, bộ phim "Cô Ba Sài Gòn" của Ngô Thanh Vân đã vượt qua nhiều đối thủ nặng ký để giành ngôi vị. Đây không phải là một kết quả quá bất ngờ đối với khán giả. "Cô Ba Sài Gòn" là đứa con tinh thần của Ngô Thanh Vân, cô đem tới cho người xem một bộ phim hoàn toàn khác biệt so với các tác phẩm điện ảnh trước đó. Người xem không chỉ thích thú với kịch bản xuyên không mới lạ mà được "mãn nhãn" với tà áo dài Việt đẹp không tả xiết. Hiếm có một bộ phim nào "toàn nữ" như "Cô Ba Sài Gòn" lại có thể hút một lượng lớn khán giả nữ giới tới rạp như vậy.

img

"Cô Ba Sài Gòn" đã giành giải thưởng

Nói tới việc "đánh lừa" khán giả ngoạn mục, "Cô Ba Sài Gòn" khi chưa công chiếu đã tung một loạt những tấm poster khiến khán giả tin rằng mình sẽ tới rạp để xem một bộ phim đầy hoài cổ lấy bối cảnh Sài Gòn thập niên 60 của thế kỷ trước.

Nhưng thực sự, Cô Ba Sài Gòn lại thuộc thể loại chick-flick (phim dành cho phụ nữ) mang yếu tố xuyên không "du hành thời gian". Đây là một sự bất ngờ thú vị dành cho khán giả khi mọi thông tin có thể làm tiết lộ "cú lừa" này trước ngày công chiếu đều được đội ngũ nhà sản xuất và phát hành giấu nhẹm. Chính việc này đã tạo cho khán giả một tâm thế hoàn toàn "mở" trước nội dung của bộ phim, từ đó có thể thưởng thức tác phẩm mà không hề có sự phán đoán, đánh giá trước khi xem.

img

Bộ phim "Cô Ba Sài Gòn" đã "đánh thức" mảng phim điện ảnh dành cho phái nữ.

Bộ phim xoay quanh Mademoiselle Như Ý- ba năm liền đệ nhất thanh lịch Sài thành kiêm truyền nhân duy nhất của nhà may áo dài Thanh Nữ chín đời nức tiếng. Tài năng nhưng cũng rất "cứng đầu", cô đã được miếng ngọc gia truyền gửi tới... 48 năm sau để chứng kiến số phận của nhà may Thanh Nữ của mình trong tương lai.

Với dàn diễn viên nữ "đẹp tới từng xen-ti-mét", khán giả dường như cảm nhận được mỗi người là một "Cô Ba Sài Gòn" đúng nghĩa. Ninh Dương Lan Ngọc điệu đà nhưng không lố bịch, Diễm My 9x diễn nhà thiết kế Helen lạnh lùng đầy sắc sảo, Ngô Thanh Vân trong vai bà chủ nhà may Thanh Nữ thì giữ trọn nét truyền thống và sang trọng. Bộ phim về cuộc sống của nữ giới thành công trong lòng khán giả tới mức không lâu sau đó, bộ phim "Tháng năm rực rỡ" cũng được khán giả đón nhận không kém nồng nhiệt.

img

Dàn diễn viên đẹp và phục trang của "Cô Ba Sài Gòn" là một điểm nhấn của bộ phim.

Chưa có một bộ phim điện ảnh giành cho giới trẻ nào, tà áo dài lại đẹp và đặc biệt như trong "Cô Ba Sài Gòn". Bộ phim đã tìm được giá trị đích thực của hình ảnh thời trang muốn hướng tới. Chính tà áo dài là sự pha trộn giữa truyền thống và hiện đại. Tồn tại qua hàng trăm năm lịch sử, nhưng tà áo dài vẫn mãi tồn tại, có chăng chỉ là thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh. Cũng như vẻ đẹp của người phụ nữ Việt, không khoa trương mà nhẹ nhàng, trường tồn với thời gian.

img

Ngô Thanh Vân đã khẳng định được cái tâm và tầm của mình đối với điện ảnh Việt.

Ngoài những thành công trong nước, tại Liên hoan phim Busan, Hàn Quốc, Ngô Thanh Vân trong lần thứ hai đem tác phẩm ra nước ngoài đã giới thiệu bộ phim tới 1000 khán giả của liên hoan phim còn nữ diễn viên chính Ninh Dương Lan Ngọc được trao giải Gương mặt châu Á (Face of Asia) ở giải thưởng Asia Star Awards do tạp chí Marie Claire tổ chức.

Với giải thưởng Cánh diều vàng 2017, "Đả nữ" Ngô Thanh Vân đã khẳng định được cái tâm và cái tầm của một đạo diễn và nhà sản xuất phim Việt qua sự đầu tư nghiêm túc cho tác phẩm mà kể cả những đồng nghiệp nam nhiều kinh nghiệm cũng ít ai làm được.

imgimgimgimgimgimgimgimgimgimg