Dân Việt

Làm thêm giờ phải là quyền của người lao động

23/11/2011 07:08 GMT+7
(Dân Việt) - Quy định giờ làm thêm là 30 giờ/tuần và 360 giờ/năm hiện tại đã không còn hợp lý chứ chưa nói đến việc nên tăng thêm. Đây là ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận sáng 22.11 về Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng: Nên giữ nguyên mức giờ làm thêm như đang quy định trong luật và khi xã hội tiến bộ hơn thì nên giảm bớt bởi đây là xu thế của thế giới. “Mặc dù làm thêm giờ sẽ tăng thu nhập, nhưng nếu tăng thu nhập bằng cách bắt người lao động phải làm thêm giờ chẳng qua là cách ép buộc. Vấn đề ở đây là phải có cách giải quyết tiền lương hợp lý trên cơ sở cân đối lợi nhuận giữa doanh nghiệp và người lao động” - ĐB Phương phân tích.

img
Công nhân làm việc tại Nhà máy Honda Việt Nam ở tỉnh Vĩnh Phúc (ảnh minh họa).

Đồng tình với ý kiến này, ĐB Trần Thanh Hải (TP.HCM) cho rằng: Số giờ làm thêm của Việt Nam hiện nay đã tương đối cao. Trong luật hiện hành đã có quy định muốn tăng giờ làm thêm phải có sự thỏa thuận của hai bên, tuy nhiên thông thường chủ sử dụng lao động thường xuyên áp chế. “Thế nên theo thống kê mới có 70% số vụ tai nạn lao động là trong thời gian làm thêm giờ” - ĐB Thanh Hải dẫn chứng. Do vậy, muốn tăng số giờ làm thêm thì phải quy định rõ người lao động làm việc mỗi tuần bao nhiêu giờ, và phải được nghỉ chiều thứ Bảy và ngày Chủ nhật.

Nhiều ĐB đồng tình nên quy định cụ thể về thời gian làm thêm và phải để người lao động có quyền được quyết định mình có muốn làm thêm giờ hay không. Thời gian qua ở TP.HCM có vụ đình công xảy ra tại một doanh nghiệp trả lương tốt nhất cho người lao động, vì công nhân chỉ có nguyện vọng được nghỉ 2 ngày thứ 7 trong tháng. Do đó những quy định về việc làm thêm giờ cần phải cụ thể hơn và cần bổ sung cơ chế thương lượng tập thể trong việc yêu cầu người lao động làm thêm giờ.

ĐB Dương Quang Sơn (Bắc Kạn) cho rằng: "Nếu tăng giờ làm thêm thì cần phải xây dựng cơ chế giám sát, chế tài xử lý vi phạm, không để doanh nghiệp lợi dụng thời giờ làm thêm giảm bớt tiền lương của người lao động. Trong thực tế, các khoản chi phí đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế... tạo cơ hội cho chủ sử dụng lao động khai thác triệt để sức lao động, dẫn đến hậu quả người lao động sẽ cạn kiệt sức lực sớm hơn so với độ tuổi lao động”.