Tranh bao bố (bao tải) - chữ ký đã đóng đinh thương hiệu Phạm Lực trong làng họa Việt Nam. Đây là sản phẩm độc đáo của người họa sĩ, chiến sĩ của đất nước đã phải trải qua những cuộc chiến gian khổ, đầy đau thương nhưng rất hào hùng. Có thể khẳng định tranh bao bố là độc nhất vô nhị trên thế giới, chỉ có ở Việt Nam với sự sáng tạo của người họa sĩ chiến sĩ, thể hiện trong cái khó ló cái khôn.
Với Phạm Lực, sứ mệnh của người họa sĩ chiến sĩ chiến trường là phải phản ánh trung thực đời sống chiến trường, những gì ông quan sát được, thấy được, cảm được trên các nẻo đường hành quân, những bản làng cưu mang ông, nơi chiến trường ác liệt, giữa bom rơi, lửa đạn và các chiến trường khói lửa mà ông đã đi qua. Chất liệu và vật liệu chỉ là phương tiện truyền tải và ông thể hiện những điều muốn nói bằng bất kỳ thứ gì vẽ được.
Ông ghi hàng trăm bức tranh vẽ trên bao bố (bao tải đựng gạo được đan bằng sợi đay, hoặc sợi dù của Liên Xô và Trung Quốc). Ông tiết lộ, ý tưởng và những bức tranh bao tải đầu tiên được vẽ cùng họa sĩ Bằng Lâm vào năm 1965. Thiếu màu vẽ ông dùng cả luyn xe ô tô để vẽ. Mỗi nhân vật, mỗi hình ảnh, mỗi không gian trong tranh gắn bó với những tình cảm quân dân, đồng bào, đồng chí. Có bức còn in cả vết cháy lửa bom, lỗ thủng do vết đạn…
Có những bức vẽ là người mẹ già chăm sóc thương binh bị thương, người vợ đang mang thai với gương mặt sầu muộn bên di ảnh người chồng đã hy sinh, các cô gái dân quân đang gặt lúa nhưng vẫn mang súng sẵn sàng chiến đấu, người mẹ là du kích quân tranh thủ cho con bú...
Ông vẽ cả tranh nude trên bao tải, đề tài khá ngạy cảm và cấm kỵ trong quân đội. Ông bảo ông vẫn tưởng tượng ra để vẽ vì không có mẫu nữ, vẽ rồi thường giấu giếm.
Đâu đó ta bắt gặp tranh ông các cô gái thanh niên xung phong đang tắm suối giữa thiên nhiên núi rừng Trường Sơn mà ông vô tình nhìn thấy. Có cái gì đó trong trẻo, lãng mạn trong chiến tranh.
Những bức tranh trên bao tải dầy và thô kệch có thể chưa là đỉnh cao nghệ thuật nhưng độc đáo, ấn tượng. Nó phản ánh chân thực cuộc sống của người lính, khắc nghiệt của chiến trường. Chính bản thân chất liệu này đã nói lên những vất vả, gian khổ, hy sinh của họ trong cuộc chiến.
Những bức tranh vẽ trên bao gạo đều có một gam màu tối, lấy từ màu sơn của súng, tạo cho người xem một cái gì đó trầm lắng lạ thường. Những đường nét trong tranh bao bố rất đậm, mạnh mẽ, dứt khoát, táo bạo. Họa sĩ phải rất giỏi về hình, nắm được độ magnet ăn màu của bao tải, lực vào cọ vẽ phải khỏe, vẽ nét nào được nét đó chứ không xóa được, đem lại cho người xem một cảm giác thích thú, mạnh mẽ, ấm áp, bay bổng đến lạ kỳ.
Có lẽ vì thế mà tranh trên bao bố trở lên đặc sắc chỉ có ở chiến trường, sản phẩm sáng tạo của người họa sĩ quân đội. Và giờ đây khi nhắc đến tranh bao tải, người ta nghĩ đến Phạm Lực.
Nhiều nhà sưu tập tự hào sở hữu một hoặc nhiều tranh bao tải của ông, trong đó có nhiều người nước ngoài mê tranh. Từ triển lãm “Sắc Xuân” năm 2013, ông dừng vẽ và triển lãm về bao tải, có lẽ là do sức khỏe. Chính vì thế mà tranh bao tải ngày một hiếm hơn, được săn lùng hơn trong giới sưu tập trong và ngoài nước.
Nhưng khi được hỏi về lý do “bỏ” tranh bao tải, lão họa sĩ thất thập hứng thú lạ. “Trong bất cứ triển lãm cá nhân hay tập thể nào, những bức tranh bao tải luôn làm tôi khác biệt. Những bức tranh vẽ trong bối cảnh thiếu toan, thiếu màu trên chất liệu bao tải “ám màu hoài niệm” khốn khó của cả dân tộc đã khiến nhiều người rung động mạnh. Nhưng tôi nghĩ, chẳng thể mãi “ăn mày dĩ vãng”, vì cuộc sống hiện tại cũng rất cần những người nghệ sĩ ghi lại bằng những nét cọ”- họa sĩ nói.
Ông Ben Wilkinson, đại diện của Trường Quản lý nhà nước John F. Kennedy (Trường Harvard Kennedy nay là ĐH Fullbright Hoa Kỳ) tại VN, là một nhà sưu tập tranh Phạm Lực, đã kết luận: “Tranh Phạm Lực như những ô cửa sổ mà nhìn qua đó người ta hiểu thêm về đất nước và người dân Việt Nam cả trong quá khứ chiến tranh và hiện tại”.