Ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư TP.Hội An, cho biết dự án Công viên văn hóa Ấn tượng Hội An trước đây có tên Làng du lịch sinh thái Gami Hội An. Dự án tọa lạc trên sông Hoài, thuộc địa bàn hai phường Cẩm Châu, Cẩm Nam.
Xóa sổ làng quê?
Khi còn đương chức, ông Sự nhận thấy dự án có nguy cơ phá vỡ cảnh quan môi trường, tác động tiêu cực đến phố phố cổ nên đã phản đối. Năm 2015, UBND tỉnh Quảng Nam quyết định thu hồi đất không cho chủ đầu tư triển khai dự án.
Một góc phố cổ Hội An. Ảnh: Nguyên Vũ.
Tuy nhiên, tháng 8.2016, dự án này lại được khởi động lại với tên mới “Công viên văn hóa Ấn tượng Hội An”.
Theo Quyết định điều chỉnh quy hoạch chi tiết (1/500) số 2777/QĐ-UBND ngày 2.8.2017, tổng diện tích dự án là 88.891 m2.
Dự án bao trùm lên 2 cồn lớn (hơn 84.000 m2) và cồn nhỏ (trên 2.500 m2) cùng một số diện tích đất ven sông Hoài, với số vốn đầu tư ban đầu của dự án là 43 triệu USD.
Tại buổi họp báo giữa tháng 3, đại diện chủ đầu tư cho biết 2 cụm sân khấu với tổng sức chứa 3.000 người đã và đang xây dựng. Còn khu lưu trú khách sạn chiếm trên 3.200 m2, khu phố thương mại gần 10.000 m2, thuộc giai đoạn 3 (phần còn lại) của dự án sẽ hoàn thành vào quý II/2019.
Đánh mất hồn phố cổ?
Ông Sự cho biết khi còn đương chức, nhiều lãnh đạo rất hứng thú với dự án triệu đô này. Tuy nhiên, là người gắn bó lâu năm với phố Hội, ông cương quyết phản đối.
Chủ đầu tư đang thi công nhiều hạng mục của dự án Công viên văn hóa chủ đề “Ấn tượng Hội An”. Ảnh: Minh Hải.
Ông Sự lý giải Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam cấp phép xây dựng công trình cao 16,5 m, vượt độ cao so với quy chế của TP.Hội An đã ban hành trước đó về việc quản lý, bảo tồn và sử dụng di tích khu phố cổ.
Theo quy chế này, công trình chỉ được cao tối đa 13,5 m, ngoại trừ một số công trình đặc biệt.
Cựu Bí thư Hội An kể khoảng 5 năm trước, ở cồn lớn vẫn ngợp mùi thơm của bắp (cây ngô). Mỗi sáng sớm hoặc chiều tà, du khách lại đạp xe ra đây để thả hồn vào giữa cánh đồng thơm ngát.
Từ phố cổ nhìn sang, khung cảnh sóng nước trên sông êm đềm với những con thuyền nhỏ thấp thoáng ngoài xa. Nhưng nay dự án đã đổ nền xây kè bê tông nâng cao cồn và đổ trụ xây cầu... Một trong những hạng mục đầu tiên đã hoàn thành, đó là phần sân khấu và khán đài.
"Làng quê đã bị 'xóa sổ', thay vào đó là một khu biểu diễn nghệ thuật. Dự án này đánh mất hồn cốt phố cổ rồi", ông Nguyễn Sự nói và nhận định dự án sẽ dẫn đến nguy cơ xói lở hai bên bờ sông và gây ô nhiễm tiếng ồn.
"Sân khấu chỉ là giai đoạn 1 của dự án. Theo tôi biết, dự án bao gồm tổ hợp các công trình dịch vụ du lịch, trung tâm hội nghị đa chức năng, khách sạn 5 sao, khu phố thương mại, khu biệt thự cao cấp và các hạng mục cây xanh, cảnh quan, bến du thuyền...", ông Sự nói.
Ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, nói nhìn từ phía Cẩm Nam và Cẩm Châu, rõ ràng khu vực này ảnh hưởng đến tầm nhìn, đặc biệt là tác động đến dòng chảy của sông vào mùa lũ.
"Vấn đề này chúng tôi đã góp ý từ trước khi dự án được cấp phép. Lúc này tỉnh cần lập đoàn kiểm tra để điều chỉnh kịp thời, đừng để chuyện đã rồi”, ông Trung nói.
Đến ngày 20/3 dự án mới được Sở Xây dựng cấp phép nhưng trước đó hai hôm, chủ đầu tư đã đưa sân khấu vào phục vụ biểu diễn chương trình Ký ức Hội An. Ảnh: Công ty CP Gami Hội An cung cấp.
Ông Phạm Kiêu, Chủ tịch UBND phường Cẩm Nam (TP.Hội An), cho biết việc cấp phép cho dự án là thẩm quyền Sở Xây dựng. "Dự án này sẽ làm thay đổi dòng chảy của sông Hoài và nguy cơ xảy ra xói mòn rất cao", ông Kiêu nói.
Xây gần xong dự án mới có giấy phép?
Trong quá trình tìm hiểu, phóng viên phát hiện dự án khởi công từ tháng 8/2016 nhưng đến 20/3 vừa qua, ông Trần Bá Tú, Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam, mới cấp giấy phép số 09/GPXD-SXD cho chủ đầu tư.
Tuy nhiên, trước đó 2 ngày (tức 18.3), Công ty CP Gami Hội An đã sử dụng sân khấu (một phần của dự án) vào phục vụ chương trình biểu diễn nghệ thuật thực cảnh "Ký ức Hội An".
Ông Sự bức xúc nói rằng một dự án có số vốn đầu tư lên đến 43 triệu USD nhưng triển khai gần 2 năm mới được Sở Xây dựng cấp phép là bất thường.
Ông Nguyễn Phú, Giám đốc Sở Xây dựng, biện hộ khu vực triển khai dự án cách vùng đệm khu phố cổ khoảng 600 m. So với các công trình lân cận, công viên ở xa khu phố cổ nên không ảnh hưởng đến vùng lõi cũng như vùng đệm.
Vị lãnh đạo này cho biết thêm khi dự án đưa ra trình đều có tham vấn cộng đồng địa phương. Theo ông Phú, lý do đến ngày 20.3 mới cấp phép xây dựng là nhà đầu tư phải lấy ý kiến từ địa phương và được sự thẩm định của các cơ quan liên quan đến phòng cháy chữa cháy, tác động môi trường, thủ tục đất đai.
Trong thời gian này, chủ đầu tư tiếp tục thi công các hạng mục phía trên kè đã được cấp phép từ năm 2008. Những hồ sơ thông qua rồi, sẽ được tiếp tục thực hiện.
Khi kiểm tra hiện trường, cơ quan chức năng phát hiện chủ đầu tư chưa có giấy phép nhưng vẫn thi công nên Sở Xây dựng đã yêu cầu dừng thi công công trình và báo cáo UBND tỉnh xem xét.
Giám đốc Sở Xây dựng viện dẫn Nghị định 139-NĐ/CP ngày 27.1.2017, cho rằng công trình xây dựng chưa có giấy phép đã bị buộc đình chỉ thi công, xử phạt hành chính và gia hạn trong 60 ngày để nhà đầu tư hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục.
"Nếu quá hạn này không hoàn chỉnh hồ sơ sẽ bị cưỡng chế, phá dỡ. Sau khi tiến hành lập biên bản đình chỉ thi công và xử phạt hành chính, nhà đầu tư đã hoàn tất các thủ tục nên Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng", ông Phú lý giải.