Dân Việt

Đất nông lâm trường: Đụng đâu cũng thấy tranh chấp, phức tạp

Anh Thơ 16/04/2018 13:46 GMT+7
Theo TS Nguyễn Anh Phong - quyền Giám đốc Trung tâm Thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn), quá trình tái phân bổ đất nông lâm trường đáng tiếc không đạt được mục tiêu ban đầu như kỳ vọng là tăng độ che phủ rừng và giảm tranh chấp. Trái lại, mức độ tranh chấp giữa các bên liên quan ngày càng nhiều và phức tạp.

“Kẻ ăn không hết, người lần không ra”

Hai xã Trường Sơn, Trường Xuân của huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) có hơn 50% dân số là người Vân Kiều, điều kiện đất sản xuất nông nghiệp rất hạn chế, đặc biệt ruộng nước rất ít, cuộc sống của người dân phụ thuộc vào rừng nên gặp nhiều khó khăn.

Bà Hồ Thị Con - cán bộ mặt trận của xã Trường Sơn cho biết, người dân rất muốn có đất lâm nghiệp để mở rộng diện tích nhưng công ty lâm nghiệp chỉ giao nơi xa khu dân cư, đường đi lại khó khăn, đất khó canh tác nên không mấy ai mặn mà, còn nơi gần cộng đồng dân cư, thuận tiện đường giao thông vẫn thuộc về các công ty lâm nghiệp.

Theo thống kê, đất lâm nghiệp ở hai xã Trường Sơn và Trường Xuân chiếm tới 81,4% diện tích đất lâm nghiệp toàn huyện, trong đó các lâm trường quản lý tới 91,5%, tương đương 91.464ha, còn người dân địa phương chỉ được giao quản lý khoảng 5.400ha (chiếm 5,4% diện tích đất lâm nghiệp).

img

  Người dân vẫn thiếu đất trồng rừng. ảnh: Tư liệu

Thực tế này cũng đang diễn ra ở hầu hết các địa phương. Có thể thấy, rừng và đất lâm nghiệp đóng vai trò quan trọng đối với cuộc sống của các cộng đồng dân cư, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, tình trạng người dân thiếu đất ở và đất sản xuất xảy ra khá phổ biến. Đơn cử như ở Sơn La, theo thống kê, có 13.534 hộ thiếu đất sản xuất và đất ở; con số này ở Yên Bái là 9.799 hộ; Thái Nguyên 10.265 hộ…

Nghịch lý là, trong khi người dân sở tại đang thiếu đất sản xuất thì các công ty nông lâm nghiệp (NLN) lại quản lý quá nhiều đất nhưng không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả.

Ví dụ như tại xã Minh Sơn (Hữu Lũng, Lạng Sơn), nơi định cư của nhiều đồng bào Dao, Nùng, bình quân mỗi hộ chỉ có 0,18ha đất ruộng, đất rừng mới giao 0,12ha/hộ, diện tích rừng còn lại đều thuộc quyền quản lý của Công ty Lâm nghiệp Đông Bắc.

Từ thực tế tại địa phương, theo PGS.TS Nguyễn Danh - Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Gia Lai, có thể trên báo cáo, việc giao đất giao rừng đạt các mục tiêu đề ra nhưng trên thực tế, tranh chấp đất đai giữa người dân với các công ty NLN vẫn là mâu thuẫn khó giải. Đơn cử như tại Công ty Lâm công nghiệp Kông Chiêng (Gia Lai), theo số liệu báo cáo của công ty, trong thời gian qua đã có 12 vụ việc tranh chấp, lấn chiếm đất đai giữa công ty và người dân địa phương.

“Sở dĩ tình trạng tranh chấp, lấn chiếm kéo dài là do việc quy hoạch, rà soát đất đai của công ty NLN chưa triệt để, nhiều diện tích đất rừng nằm trong khu vực dân cư, thuộc khu vực dễ xảy ra lấn chiếm. Mặc dù chính quyền và người dân địa phương đề nghị công ty giao lại các diện tích đất trên nhưng vẫn chưa được giải quyết. Quy trình quy hoạch, xây dựng đề án chủ yếu do các công ty thực hiện và được UBND tỉnh phê duyệt nhưng thiếu sự tham gia, góp ý của cộng đồng” - ông Danh nói.

Dân không biết mình có quyền giám sát

Diện tích đất giữ lại để sản xuất kinh doanh của nông trường và công ty nông nghiệp là gần 631.000ha; diện tích đất quản lý thuộc các lâm trường quốc doanh, công ty lâm nghiệp là hơn 2,2 triệu ha.

Mặc dù theo quy định của Luật Đất đai 2013, công dân có quyền thực hiện giám sát quản lý và sử dụng đất đai thông qua 2 cơ chế là tự mình hoặc thông qua các tổ chức đại diện thực hiện quyền giám sát và phản ánh các sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai (Điều 199 Luật Đất đai năm 2013) nhưng trên thực tế việc giám sát theo cả hai hình thức này còn nhiều hạn chế.

Đặc biệt ở cấp xã, phường, vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị khá mờ nhạt. Theo kết quả khảo sát từ dự án công dân giám sát trong quản trị đất đai do chương trình quản trị đất đai vùng Mekong hỗ trợ thực hiện từ tháng 7.2016 – 3.2018 trên địa bàn 4 xã/phường thuộc 3 tỉnh gồm Hòa Bình, Hà Tĩnh và TP.Cần Thơ cho thấy, ở thời điểm đầu năm 2017 có 2/4 xã phường chưa hề có bất cứ kế hoạch nào liên quan đến giám sát đất đai.

img

Người dân sở tại đang thiếu đất sản xuất, còn các công ty nông lâm nghiệp (NLN) lại quản lý quá nhiều đất nhưng không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả. Ảnh minh họa

Về hoạt động giám sát đất đai trực tiếp của công dân, kết quả khảo sát cho thấy, nhiều người chưa thực sự ý thức được rõ quyền giám sát của mình với đất đai. Trong số 180 người được tham vấn ở 3 địa bàn khảo sát, có từ 83 - 93% người trả lời cho rằng người dân nên được quyền giám sát và phản ánh các sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai, tuy nhiên, hiểu biết của họ về quyền giám sát đối với quản lý và sử dụng đất đai còn khá hạn chế.

Tại Hà Tĩnh, chỉ có 25% số người tham gia khảo sát cho biết có biết đến Luật Đất đai, tỷ lệ này ở Hòa Bình là 15%. Mặc dù biết là có Luật Đất đai, nhưng không nhiều người dân nắm được nội dung chi tiết của văn bản quan trọng này.

Nguyên nhân do việc tiếp cận thông tin liên quan đến đất đai còn hạn chế. Kết quả khảo sát cho thấy hơn 50% số người được hỏi cho biết họ không tiếp cận được các thông tin liên quan đến đất đai.

Giao 500.000ha thế nào cho hiệu quả?

Trong kế hoạch tái phân bổ diện tích đất NLT dự kiến sẽ có khoảng 500.000ha đất sẽ được tiếp tục chuyển giao về địa phương quản lý và tái phân bổ cho các đối tượng khác sử dụng. Vấn đề đặt ra là sẽ giao diện tích đất này như thế nào?

img

Đất của các lâm trường bị lấn chiếm, xâm canh hàng chục ngàn hecta trên khắp Tây Nguyên - Ảnh: TRUNG TÂN

Theo ông Phong, để minh bạch quá trình giao đất, cần phải rà soát, quy chuẩn lại khung pháp lý cho việc thực hiện chính sách và đánh giá hoạt động giao đất lâm nghiệp. Một khuôn khổ chính sách mới với một hệ thống giám sát và đánh giá thường xuyên có sự tham gia đầy đủ của các bên liên quan sẽ giúp Quốc hội và các cơ quan chính phủ quản lý đất lâm nghiệp chủ động hơn và hiệu quả hơn; giúp người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số có quyền tiếp cận tới tài nguyên đất một cách minh bạch và công bằng.

TS Nguyễn Văn Trị - Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát quản lý và sử dụng đất (Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ TNMT) cho rằng, cần thiết phải xây dựng tiêu chí, hạn điền và quy trình giao đất giao rừng có sự tham gia đầy đủ và thật sự của các bên liên quan. Khi giao đất giao rừng nên có tiêu chí về ưu tiên cho người dân tộc thiểu số tại chỗ, người nghèo, đồng thời ngăn chặn và giải quyết dứt điểm tình trạng người dân xâm canh xâm cư, phá rừng lấy đất canh tác, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, tranh chấp đất đai thông qua việc tăng cường sự tham gia, phối hợp của các bên liên quan. Hỗ trợ người dân kết nối với nhau và với doanh nghiệp để tổ chức sản xuất quy mô lớn, tạo chuỗi giá trị và tiếp cận thị trường tiêu thụ lâm sản tốt hơn.

“Trong thời gian tới, cần giải quyết dứt điểm vấn đề đất đai để ổn định và phát triển trong mối quan hệ giữa Nhà nước, công ty và người dân, giữa quy hoạch ổn định lâu dài với nhu cầu của người dân trong phát triển sản xuất” - ông Trị nhấn mạnh.