Dân Việt

Nhà hát Tuổi trẻ tôn vinh nhà viết kịch Lưu Quang Vũ

Minh Anh 17/04/2018 08:08 GMT+7
Lần thứ 3 kịch bản "Hoa cúc xanh trên đầm lầy" của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ được dàn dựng trên sân khấu. Đây là kịch bản sân khấu duy nhất hàm chứa nhiều yếu tố giả tưởng mà nội dung đi sâu khai thác những yếu tố mới trong cuộc sống, thể hiện nhãn quan vượt thời đại.

"Hoa cúc xanh trên đầm lầy” được tác giả Lưu Quang Vũ khai thác từ giai thoại dân gian: "Ai tìm được bông hoa cúc xanh mọc trong đầm lầy sẽ đạt được ước nguyện hạnh phúc". Nội dung xoay quanh “cuộc tình tay ba” giữa Hoàng - Liên - Vân, những người bạn trẻ một thời đầy ắp những kỷ niệm với bông cúc xanh trên đầm lầy, giữa miền quê yên ả.

img

Các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ trong vỡ diễn "Hoa cúc xanh trên đầm lầy".

Lớn lên, Hoàng trở thành kỹ sư với đầy ắp sáng kiến của nhà khoa học. Vân là họa sĩ và Liên là giáo viên. Sau nhiều năm xa cách, Hoàng không hay biết về mối quan hệ tình cảm giữa Vân - Liên. Hoàng tỏ tình nhưng bị từ Liên từ chối vì cô sắp cưới Vân. Đau khổ vì bị cự tuyệt và khao khát chiếm đoạt, Hoàng đã chế tạo ra Vân - Liên phiên bản người máy trong sự hoàn mỹ về phẩm tính. Điều này đã gây ra phiền toái trong cuộc sống của vợ chồng Vân - Liên đời thực...

“Hoa cúc xanh trên đầm lầy” được tác giả Lưu Quang Vũ viết cách đây hơn 30 năm, được đạo diễn - Nghệ sỹ nhân dân Nguyễn Đình Nghi dàn dựng cho Đoàn kịch Hải Phòng lần đầu tiên vào giữa thập niên 80 của thế kỷ trước. Đến cuối năm 2000, đạo diễn Đỗ Kỷ dựng lại cho Nhà hát Kịch Việt Nam.

Lưu Quang Vũ được xem là kịch tác gia lớn nhất trong Văn học Việt Nam những năm cuối của thế kỷ XX. Với hơn 50 vở kịch xuất hiện trong những năm 80 của thế kỷ XX, đưa ông trở thành người đi tiên phong, đặt nền móng cho nghệ thuật sân khấu dân tộc, đi sâu khai thác những vấn đề xã hội nóng bỏng, báo động,  dự cảm... để rồi đưa ra những thông điệp đầy tính dự báo về thời cuộc. Cho đến nay đã nhiều chục năm trôi qua nhưng những tác phẩm của ông vẫn còn nguyên giá trị.

Làm mới để tôn vinh giá trị cốt lõi của kịch bản văn học

Dựng “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” cũng là một thử thách lớn đối với đạo diễn Sĩ Tiến. Tuy nhiên, anh đã khéo léo mang yếu tố đương đại vào tác phẩm mà không mất đi giá trị nguyên bản, đồng thời, khai thác triệt để tính cách nhân vật, làm nổi bật tuyến kịch, đưa nó vượt khỏi những khuôn mẫu vốn có...

Vở kịch đặt ra vấn đề: Đâu là hạnh phúc đích thực mà con người hướng đến? Trong xã hội hiện đại, con người phụ thuộc quá nhiều vào máy móc, trí tuệ nhân tạo dễ khiến cho tâm hồn trống rỗng.

Sự xuất hiện của người máy Vân - Liên khiến cuộc sống càng trở nên phức tạp, thật - giả lẫn lộn.

Đạo diễn Sĩ Tiến cho biết: “Đây là câu chuyện giả tưởng, đưa người xem trở lại với những giá trị nhân văn mà tác giả đã đi trước một bước, khi mà các bộ phim giả tưởng chưa được nhiều người biết đến.

Câu chuyện xảy ra trên sân khấu, khán giả sẽ liên hệ đến thực tại và những gì xảy ra xung quanh mình với những: Hỷ - nộ - ái - ố cùng với ước mơ của những giá trị chân, thiện mỹ bên cạnh sự thờ ơ lãnh đạm, thói ranh ma... và hơn nữa tác giả muốn phơi bày “tính ác” của con người.

img

Mong muốn của ê-kip hướng đến những người trẻ dưới 30 tuổi và như thế, chúng ta phải chấp nhận “bóng dáng của thời bao cấp”. Sự kết hợp với Nhà báo Nguyễn Mỹ Linh, người biên tập cho vở diễn là người rất gần gũi và hiểu về tác giả Lưu Quang Vũ. Từ đó họ đứng trên sàn diễn với một tâm thế mới, một cách nhìn mới, hiện đại và gần gũi hơn với khán giả ngày hôm nay mà vẫn giữ nguyên hồn cốt của tác giả”.

“Hoa cúc xanh trên đầm lầy” không chỉ tượng trưng cho lòng tốt và hạnh phúc, nó còn là phần ký ức thuần khiết, trong sáng một thời tuổi trẻ, của những khát vọng vươn lên đầy tính nhân bản yêu thương.

img

Gửi gắm bằng thông điệp về hạnh phúc

Hơn ba thập kỷ trôi qua, những giá trị, thông điệp về hạnh phúc được gửi gắm trong “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” chưa hề cũ; đặc biệt là trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo ngày càng phát triển. Chi tiết mà người vợ trả lại những đồng tiền không phải của mình có tính thuyết phục, ở đó những bông cúc xanh, mơ ước về những điều tốt đẹp sẽ có cơ hội tồn tại.

img

Tất cả được cô gói trọn trong lời kết của vở kịch: “Mùa này có hoa cúc xanh không các anh chị nhỉ? Liệu tôi có thể tìm được những đóa cúc xanh cho các bạn tôi mà không bị lún giữa đầm lầy không?  Các anh chị có nhìn thấy ở đâu thì chỉ cho tôi. Cúc xanh dứt khoát phải hiện hữu đâu đó ngoài đầm lầy chứ?  như trong trái tim một người chúng ta vậy, dứt khoát phải còn những điều tốt đẹp hiện hữu, chỉ cần ta muốn giữ lại nó thôi.”

Đạo diễn Sĩ Tiến cho rằng: “Tác giả Lưu Quang Vũ đã tạo ra câu chuyện giả tưởng nhằm đặt ra những giả thiết của sự tồn tại tích cực và tiêu cực. Ở đó người xem sẽ có cơ hội so sánh về sức mạnh của con người, về giá trị của bản thân, vẻ đẹp và niềm tin vào những điều tốt đẹp. Ẩn ý quan trọng, đó là: Sự trưởng thành. Một người trưởng thành thì vẫn là anh ta thôi, nhưng nhận thức về một sự việc nào đó đã thay đổi. Qua tình tiết vở diễn, khán giả sẽ nhận ra sự đúng sai của lẽ sống. “Hoa cúc xanh trên đầm lầy”, nhắc mỗi người phải sống ra sao để có thể giữ lại những điều tốt đẹp, qua đó, chúng tôi mong muốn thêm một lần nữa viết tiếp câu chuyện đầy hy vọng về sự tử tế mà tác giả để lại”.

Câu chuyện trong “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” trở nên gần gũi với thực tại về viễn cảnh về một thế giới nơi con người và máy móc chung sống với nhau mà Tác giả Lưu Quang Vũ đã dự cảm, đi trước như một lời cảnh báo, giúp chúng ta thức tỉnh, đừng để những điều tầm thường làm xói mòn những giá trị đạo đức thiêng liêng trong tâm hồn, tình cảm con người.

NSƯT Lê Chức- Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu VN: "Lưu Quang Vũ là tác giả có một khả năng quan sát, nắm bắt những vấn đề nóng bỏng của đời sống một cách sắc sảo, tinh tế. Sự nhạy cảm của tâm hồn một nghệ sĩ mẫn tuệ, dũng cảm, luôn khát vọng hướng tới những giá trị nhân văn cao cả... tất cả dồn vào ngòi bút cương trực và thấm đẫm nhân văn. Ngoài sự phát hiện, xây dựng hình tượng nhân vật con người mới hôm nay, ngày mai, tác giả không ngần ngại phê phán những tiêu cực trong đời sống. Tất cả những thông điệp ông đưa ra cho đến thời điểm này là tư tưởng tiên phong, những vấn đề của cả thế giới. Với “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” cũng là một phát hiện đi trước thời cuộc khi mà người ta còn chưa biết đến công nghệ robot... Đạo diễn Sĩ Tiến đã rất bản lĩnh, có nghề khi làm mới kịch bản Lưu Quang Vũ bằng nhiều yếu tố mới, phù hợp với khán giả hôm nay, nhưng vẫn giữ được hồn cốt của tác phẩm đúng với tinh thần, tư tưởng của Lưu Quang Vũ. Như bao kịch bản khác của Lưu Quang Vũ, “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” tiếp tục gieo vào lòng mỗi người niềm tin mãnh liệt, trong sáng và vẻ đẹp thuần khiết không bao giờ mất đi mà luôn ẩn sâu trong trái tim mỗi người".

Nghệ sĩ trẻ Thanh Sơn: "Bất cứ một vở diễn nào khi nhận vai cũng đều là một thử thách đối với người nghệ sĩ, nhưng riêng với kịch bản của tác giả Lưu Quang Vũ thì áp lực nhiều hơn, bởi chính kịch bản quá hay của ông đã tạo nên áp lực vô hình.Một điều thú vị là khi làm kịch Lưu Quang Vũ, chỉ thay đổi một câu thoại hay cách ngắt nhịp là sẽ tìm ra được ý mới trong câu nói ấy. Trong hơn 2 tháng dàn dựng, chúng tôi phải diễn thử khoảng 10 cách diễn khác nhau mới tìm ra được cách diễn ưng ý nhất”.