Những ngày gần đây, sự việc thuốc trị ung thư Vinaca được làm giả bằng bột than tre tán mịn ở TP.Hải Phòng được thông tin rộng rãi khiến dư luận bàng hoàng, sửng sốt.
Đặc biệt, tại cơ quan công an, chủ cơ sở sản xuất loại thuốc rởm nói trên – bà Đào Thị Chúc (trú tại phường Ngọc Sơn, quận Kiến An, TP Hải Phòng) khai nhận, toàn bộ hoạt động của cơ sở đều do chồng bà – ông Nguyễn Xuân Thu, Giám đốc Công ty TNHH Vinaca chỉ đạo.
Sản phẩm "Vinaca ung thư CO3.2" được đóng hộp thành phẩm. Ảnh: IT
Lực lượng chức năng phát hiện một lượng lớn số hàng hóa gồm: Vinaca Vi5 (loại 874nl), Vinaca ung thư CO3.2, Baby Vinaca Vi6, Vinaca Activated Carbon đa dụng, Vinaca vi lượng (nhỏ mũi), Vinaca đa dụng… Trong đó, loại sản phẩm Vinaco ung thư Co3 được quảng cáo là hỗ trợ điều trị bệnh ung thư hiệu quả cao.
Theo lời khai của bà Chúc với cơ quan công an, cơ sở bắt đầu sản xuất từ đầu năm 2017. Các loại thực phẩm chức năng và hóa mỹ phẩm của công ty này đều được sản xuất bằng cách nghiền thủ công với nguyên liệu là than tre, nứa được tán thành bột, có pha thêm các loại hóa chất rồi đóng thành viên nang hoặc hòa với nước đóng vào chai.
Liên quan đến vụ việc này, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nhận định, trường hợp sản phẩm của Công ty Vinaca sau khi kiểm tra mà phát hiện thuốc không có hoặc không đúng dược chất dược liệu ghi trên nhãn mác thì có thể bị xử lý đối với hành vi sản xuất thuốc giả.
Theo luật sư Hòe, khoản 33 Điều 2 Luật Dược 2016 quy định: Thuốc giả là thuốc được sản xuất thuộc một trong các trường hợp sau đây: “Không có dược chất, dược liệu; Có dược chất không đúng với dược chất ghi trên nhãn hoặc theo tiêu chuẩn đã đăng ký lưu hành hoặc ghi trong giấy phép nhập khẩu...”
Khoản 8 Điều 3 Nghị định Nghị định 185/201/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, xản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cẩm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định: “Hàng giả gồm: Hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký”.
Còn điều 11,12 Nghị định 185/201/NĐ-CP quy định quy định: Trường hợp có hành vi buôn bán, sản xuất thuốc giả sẽ bị xử phạt hành chính lên đến 120 triệu đồng trong trường hợp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, hình thức xử phạt bổ sung là: Tịch thu tang vật vi phạm, Tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc và vật khác được sử dụng để sản xuất hàng giả, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 12 tháng đến 24 tháng đối với hành vi vi phạm trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm, đình chỉ hoạt động một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất vi phạm từ 12 tháng đến 24 tháng đối với hành vi vi phạm.
Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiêu hủy tang vật đối với hành vi vi phạm, Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm, buộc thu hồi tiêu hủy hàng giả đang lưu thông trên thị trường đối với hành vi vi phạm.
Doanh nghiệp sản xuất thuốc trị ung thư từ than tre từng được cấp giải thưởng sản phẩm dịch vụ hàng đầu Việt Nam?. Ảnh: IT
Trường hợp hành vi buôn bán, sản xuất thuốc giả có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 192 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung 2017 về tội “sản xuất, buôn bán hàng giả” đối với mức phạt tù cao nhất đối với cá nhân có thể lên tới 15 năm tù.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Đối với pháp nhân thương mại sản xuất, buôn bán hàng giả tùy tính chất và mức độ phạm tội có thể bị phạt tiền lên tới 5 tỷ đồng đình chỉ hoạt đồng từ 6 tháng đến 3 năm hoặc bị đình chỉ vĩnh viễn.
Ngoài ra, theo luật sư Hòe, bản thân Công ty Vinanca là đơn vị được Sở Y tế Hải Phòng cấp giấy chứng nhận cho 6 sản phẩm hóa mỹ phẩm mang tên Vinaca Vi5, Vinaca ung thư CO3.2, Baby Vinaca Vi6, Vinaca Activated Carbon đa dụng, Vinaca vi lượng (nhỏ mũi) và Vinaca đa dụng.
Tất cả các sản phẩm này đăng kí là mỹ phẩm, không phải là thực phẩm chức năng. Vì vậy, căn cứ Điều 49 Nghị định 173/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế thì công ty này còn có thể bị xử phạt hành chính đối với hành vi “Thông tin với nội dung không rõ ràng về thực phẩm chức năng và sản phẩm không phải là thuốc khiến người tiêu dùng hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc”.
Luật sư Trương Quốc Hòe cũng cho rằng, trong vụ việc này, Sở Y tế Hải Phòng cũng phải chịu trách nhiệm. Vị luật sư này phân tích, để vụ việc này xảy ra cho thấy sự lỏng lẻo của Sở Y tế Hải Phòng trong khâu kiểm tra, quản lý cấp phép cho công ty Vinaca được sản xuất là hoá mỹ phẩm nhưng thực tế công ty này lại làm trái để sản xuất thuốc.
Để tránh vụ việc tương tự xảy ra, các cơ quan ban ngành có liên quan cần tiến hành điều tra và xử lý nghiêm khắc, theo đúng pháp luật, không bao che đối với những đơn vị, cá nhân vi phạm thuộc phạm vi quản lý của Sở Y tế Hải Phòng nếu có trong vụ việc này.
Về thông tin, sản phẩm của Công ty Vinaca được Hiệp hội chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam trao chứng nhận là TOP những thương hiệu tiêu biểu Việt Nam năm 2017.
Nhưng thực tế đây là một sản phẩm không đạt chất lượng, luật sư Hòe cho rằng đây là sự vô trách nhiệm của Hiệp hội này khi trao chứng nhận mà không kiểm định gây hoang mang cho người tiêu dùng.
“Đây là bài học để chúng ta chấn chỉnh lại việc cấp chứng nhận, giải thưởng hiện nay. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng cần hết sức tỉnh táo trong việc lựa chọn sản phẩm đặc biệt là những sản phẩm liên quan đến sức khỏe tránh tình trạng tiền mất tật mang xảy ra”, vị sư này nêu quan điểm.