Dân Việt

“Bình” nhưng chưa “ổn”

27/10/2010 06:39 GMT+7
(Dân Việt) - Việc lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu, trên lý thuyết thì có vẻ là để không chỉ phục vụ việc bình ổn giá (vì xăng dầu là mặt hàng thường xuyên biến động giá) mà còn phục vụ người tiêu dùng.

Bên hành lang kỳ họp Quốc hội, trả lời phỏng vấn của nhà báo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh khi giải thích về kiến nghị của cử tri do Ban Dân nguyện trình bày trước Quốc hội về “Quỹ bình ổn giá xăng dầu” được lập ra có trái Pháp lệnh về giá không, Bộ trưởng Ninh đã nói: “Trong Pháp lệnh Giá quy định, Chính phủ được áp dụng các biện pháp để bình ổn giá, thì đấy (lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu) cũng là một biện pháp để bình ổn giá xăng dầu khi thấy cần thiết. Ban Dân nguyện chỉ nói việc lập Quỹ chưa thật chuẩn thôi, phải xem lại chứ không phải là sai trái”.

Vì người mua xăng dầu sẽ được “hưởng lợi” từ Quỹ này, khi giá xăng dầu thế giới lên cao. Nhưng trong thực tế (lại chuyện từ lý thuyết tới thực tế) thì kể từ khi lập Quỹ này, kể cả khi doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trích nộp 300 đồng/lít xăng vào Quỹ, nhưng thực tế lại tăng giá thêm 300 đồng bắt người tiêu dùng phải chịu, thì đây, hoá ra, người tiêu dùng mới là đối tượng phải nộp tiền để “bình ổn giá xăng dầu”. Như thế, thì Quỹ này còn giá trị gì nữa, ngoài chuyện nó tiếp tục làm lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ?

Như thế, thà cứ giá xăng dầu thế giới thế nào mình bán y như thế, như tất cả các nước đã làm, người tiêu dùng phải chịu như một chuyện đương nhiên, còn hơn! Mang tiếng là lập “Quỹ bình ổn” mà “bình” thì chưa thấy đâu nhưng “ổn” thì rõ ràng là không ổn, như vậy việc nhân dân kiến nghị là đúng rồi!

Cốt lõi trong kiến nghị này, là họ cảm thấy mình đã không được hưởng lợi gì trong Quỹ bình ổn giá, mà có vẻ như mình lại “tiếp tay” cho những ai hưởng lợi ấy! Người dân vốn nhạy cảm về “lợi” và “hại”, họ có thể chưa thật hiểu “bình” là ra sao, nhưng họ hiểu khi phải móc tiền túi trả cho Quỹ này là không công bằng.

Lẽ ra, khi góp tiền vào Quỹ lúc giá xăng dầu hạ (cũng là chuyện thường xuyên) mà doanh nghiệp vẫn bán như “giá thường” là người dân đã có góp phần mình vào cho Quỹ bình ổn này rồi. Chứ đang không lại phải “cộng thêm” dù là 300 đồng/lít xăng, thì người tiêu dùng vẫn thấy xót!

Trong khi có vẻ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lại chẳng hề hấn gì mỗi khi giá xăng dầu tăng, vì đã có “tiền dân” góp trả rồi! Vấn đề “bình nhưng chưa ổn” dẫn tới “chưa chuẩn” là ở chỗ đấy, thưa Bộ trưởng!