Dân Việt

Kinh tế, văn hóa Sài Gòn phục vụ người Pháp khai thác thuộc địa

PV 19/04/2018 20:34 GMT+7
Vào đầu thế kỷ, chữ quốc ngữ đã chuyển tải tư tưởng yêu nước đến với đồng bào qua báo chí và văn thơ. Chữ quốc ngữ trong tay những sĩ phu yêu nước trở thành một vũ khí đấu tranh như Trần Quý Cáp nhận định: "Chữ quốc ngữ là hồn trong nước".

Đầu Thế kỷ 19, khi người Pháp chiếm được Nam Kỳ, họ quyết tâm xây dựng một trung tâm hành chính, quân sự, kinh tế, văn hóa… để phục vụ chiến lược khai thác thuộc địa ở vùng đất giàu có này. Và một đô thị hiện đại, “Hòn Ngọc Viễn Đông” dần hình thành. Tạp chí Khám phá trân trọng giới thiệu đến quý độc giả loạt bài tổng hợp, nghiên cứu về quá trình hình thành đô thị Sài Gòn của Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ Thành phố Hồ Chí Minh.

Để phục vụ cho công cuộc cai trị và khai thác thuộc địa, người Pháp đã cho xây dựng tại Sài Gòn hàng loạt các công trình tiêu biểu như:

Dinh Thống đốc Nam Kỳ (nay là Bảo tàng Cách mạng) xây dựng xong vào năm 1864, phỏng theo kiến trúc của Bảo tàng hội họa Munich do kiến trúc sư Foulhou thiết kế. Trước năm 1879, Nam Kỳ đặt dưới quyền cai trị của các đô đốc hải quân nên dinh Thống đốc được gọi là dinh Đề đốc hay dinh Phó soái.

Dinh Toàn quyền (nay là Hội trường Thống Nhất): Lễ đặt viên đá đầu tiên cho công trình kiến trúc đồ sộ này được cử hành vào ngày 23.2.1868. Viên đá đầu tiên hình lập phương, mỗi cạnh 50 cm, bên trong có chứa các đồng tiền vàng, bạc, đồng. Công trình hoàn tất vào năm 1873. Đồ án do kiến trúc sư Hermitte vẽ.

img

Dinh toàn quyền (nay là Hội trường Thống Nhất).

Dinh Xã Tây (nay là Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh), còn gọi là Sở Xã Tây. Lễ đặt viên đá đầu tiên vào năm 1873 nhưng vì thiếu ngân sách nên mãi đến năm 1898 mới thực sự được xây dựng. Năm 1909, nhân kỷ niệm 50 năm (1859-1909) thiết lập chính quyền thực dân, dinh Xã Tây được khánh thành. Họa đồ kiến trúc do kiến trúc sư P.Gardès vẽ.

Nhà hát Tây (Nhà hát thành phố bây giờ) xây dựng năm 1898 theo đồ án của kiến trúc sư Berger và được khánh thành vào ngày 1.1.1900.

Đầu thế kỷ XX, các đoàn hát Tây thường từ chính quốc sang Sài Gòn biểu diễn vào tháng 5 đến tháng 1 và vào các ngày thứ ba, thứ năm, thứ bảy và tối chủ nhật.

img

Nhà hát Tây (giờ là Nhà hát Thành phố)

Bưu điện Sài Gòn: Người dân đương thời quen gọi là Nhà dây thép, Sở dây thép, được khởi công xây dựng năm 1886 và hoàn thành vào năm 1891. Dịch vụ bưu điện là dịch vụ mới lạ và rất gây ấn tượng đối với người dân.

Nhà thờ Thiên chúa (Nhà thờ Đức Bà hay Vương cung Thánh đường) được khởi công xây dựng ngày 1.10.1877 và khánh thành vào ngày 11.4.1880 với tổng kinh phí 2,5 triệu franc theo thời giá lúc bấy giờ. Hai tháp chuông nhọn, cao 57 m được xây thêm vào năm 1895.

Chợ Bến Thành (cũ): Chợ Bến Thành ở vị trí ngày nay, mới được xây dựng vào năm 1911. Trước đó chợ Bến Thành nằm ở mé sông, đầu các con đường lớn, ghe thuyền có thể cập bến, thuận tiện bốc hành lên chợ. Chung quanh chợ có nhiều cửa hiệu của người Việt, Hoa, Ấn, Pháp... Hàng hóa phong phú. Các cửa hàng ăn lúc nào cũng tấp nập đông đúc.

Các đường phố như Catinat (Đồng Khởi), Bonard (Lê Lợi), Charner (Nguyễn Huệ), De La Somme (Hàm Nghi)... là các đường phố lớn ở khu trung tâm tiêu biểu cho thành phố Sài Gòn. Đầu thế kỷ XX, Catinat là trung tâm sinh hoạt, mua bán của giới thượng lưu thuộc địa, nổi tiếng thanh lịch.

Trong quyển Nam kỳ phong tục nhơn vật diễn ca xuất bản năm 1909 tại Sài Gòn, tác giả Nguyễn Liên Phong đã mô tả khung cảnh náo nhiệt trên đường Catinat: Nhứt là đường Ca-ti-na/Hai bên lầu các, phố nhà phân minh/ Bực thềm lót đá sạch tinh/ Các cửa hàng bán lịch thanh tốt đều/ Máy may mấy chỗ quá nhiều/ Các tiệm tủ ghế dập dìu phô trương/ Đồ sành, đồ cẩn, đồ đương/ Đồ thêu, đồ chạm trữ thường thiếu chi...

img

Đường Catinat (nay là đường Đồng Khởi) đầu Thế kỷ 20

Do hoàn cảnh lịch sử, chữ quốc ngữ được phổ biến sớm nhất ở nước ta trước hết là tại Sài Gòn. Trước khi Pháp xâm lược, chữ quốc ngữ chỉ dùng trong phạm vi truyền bá đạo Thiên Chúa. Chiếm Sài Gòn và các tỉnh Nam Kỳ, người Pháp không muốn duy trì nền giáo dục Hán học vì họ xem là nguồn đào tạo những sĩ phu yêu nước.

img

Chữ Quốc ngữ dần thay thế chữ Hán.

Lấy chữ quốc ngữ thay chữ Hán, người Pháp muốn cắt đứt truyền thống yêu nước, xem chữ quốc ngữ như là một vũ khí xâm lược về tinh thần. Cũng chính vì thế lúc đầu nhân dân Sài Gòn và lục tỉnh tẩy chay không chịu học chữ quốc ngữ.

Nhưng trái với mục đích của thực dân Pháp, chữ quốc ngữ đóng một vai trò quan trọng trong việc phổ cập kiến thức cho đông đảo quần chúng, làm cho báo chí có điều kiện phát triển và vào đầu thế kỷ, chữ quốc ngữ đã chuyển tải tư tưởng yêu nước đến với đồng bào qua báo chí và văn thơ. Chữ quốc ngữ trong tay những sĩ phu yêu nước trở thành một vũ khí đấu tranh như Trần Quý Cáp nhận định: "Chữ quốc ngữ là hồn trong nước".

Mười bốn năm sau khi đánh chiếm Gia Định, người Pháp mới mở ngôi trường đầu tiên lại là trường Hậu bổ (Collège des Stagiaires) để đào tạo những viên chức trong bộ máy hành chính thuộc địa