Theo đó, với phương án 1, Bộ GTVT đề xuất giữ nguyên vị trí trạm như hiện nay, đồng thời tiếp tục giảm giá chung cho tất cả phương tiện qua trạm (giảm khoảng 30%, phương tiện nhóm 1 từ 25.000 đồng/lượt xuống 15.000 đồng/lượt) và mở rộng phạm vi miễn, giảm giá vùng lân cận; giảm giá 100% cho các loại xe buýt và các phương tiện không sử dụng để kinh doanh; giảm 50% cho các loại phương tiện sử dụng để kinh doanh, thời gian hoàn vốn đầu tư khoảng 15 năm 9 tháng.
Còn phương án 2, Bộ đề nghị lập thêm trạm thu phí trên tuyến tránh, thu phí cả hai trạm với mức 25.000 đồng ở tuyến tránh và 15.000 đồng trên Quốc lộ 1. Thời gian thu giá là 10 năm. Phương án 3 Bộ đưa ra là giữ nguyên vị trí trên Quốc lộ 1 và thu mức giá 25.000 đồng và thời gian thu phí là 7 năm. Với phương án 4 là chỉ đặt trạm thu phí trên tuyến tránh, nhà nước bù 1.250 tỷ đồng. Cuối cùng Bộ đưa ra phương án mua lại toàn bộ dự án tức là xóa sổ trạm thu phí BOT Cai Lậy với số tiền hơn 2.000 tỷ đồng.
Trạm BOT Cai Lậy (Ảnh: L.Q)
Trong các phương án đưa ra, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ lựa chọn phương án 1. Đó là tiếp tục triển khai thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm Cai Lậy hiện nay, đồng thời có điều chỉnh giảm giá vé chung cho tất cả các phương tiện và mở rộng vùng miễn giảm, giảm giá cho một số xã lân cận trạm thu giá.
Tuy nhiên, các phương án đề xuất của Bộ GTVT đưa ra vẫn chưa nhận được sự đồng tình của nhiều người. TS.Phạm Sanh (chuyên gia về giao thông) nhận định, các phương án Bộ GTVT đưa ra chưa giải quyết được vấn đề gốc rễ tại trạm BOT Cai Lậy. Theo ông, trạm thu phí khi hoạt động phải đảm bảo được vấn đề đó là thu đúng, thu đủ và BOT Cai Lậy cần phải tuân theo điều đó.
TS Phạm Sanh đặc biệt đề cập đến thời gian thu phí, thu như thế nào là đủ để hoàn vốn cho nhà đầu tư. Ông cho rằng điều này không được công khai, minh bạch, bởi trong tất cả các phương án Bộ GTVT đưa ra cho đến nay đều chưa đề cập đến con số quyết toán theo thực tế khối lượng và chất lượng công trình là bao nhiêu. Người dân chưa nắm rõ con số thực hiện dự án có phải là 1.300 tỷ đồng hay không, để qua đó làm cơ sở tính lại phương án tài chính và thời gian hoàn vốn.
“Trong các phương án được đưa ra, Bộ GTVT đề xuất thực hiện theo phương án 1. Với phương án này, thực ra chỉ là miễn giảm giá thu cho ô tô qua trạm và những người dân trong khu vực. Cách làm này không mới, Bộ GTVT cũng đã từng giải quyết với nhiều dự án BOT thu phí khác. Có thể hạ nhiệt phản ứng gay gắt trước mắt nhưng bản chất vấn đề không được tháo gỡ”, ông Sanh nói.
Tương tự nhiều ý kiến cho rằng cách làm của Bộ không giải quyết được vấn đề bởi vị trí đặt trạm đã sai từ đầu. Giới tài xế quan tâm nhiều hơn đến việc thu có đúng hay không, thay vì chú ý vào giá qua trạm. Trường hợp không giải quyết được trọng tâm vấn đề này nhiều ý kiến lo ngại rằng việc phản đối trạm BOT Cai Lậy vẫn tiếp tục khi trạm này thu phí trở lại.
Tài xế Trần Thanh Phương (ngụ Long An) cho hay, anh phản đối trạm BOT Cai Lậy là do vị trí đặt trạm không đúng. Tài xế không đi tuyến tránh Cai Lậy vẫn bị mất tiền oan. Do đó, giới tài xế đều cho rằng nên tính đến cách di dời trạm thu phí Cai Lậy vào đường tránh.
Trạm thu phí BOT Cai Lậy thu phí hoàn vốn cho dự án BOT tuyến tránh Cai Lậy (dài 12km) và bảo trì, tăng cường mặt đường Quốc lộ 1. Tổng vốn đầu tư 2 công trình hơn 1.300 tỷ đồng do Công ty TNHH đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang làm chủ đầu tư. Đầu tháng 8.2017 trạm thu phí bắt đầu hoạt động và vấp phải sự phản ứng quyết liệt từ giới tài xế bởi họ cho rằng trạm đặt không đúng vị trí. Để phản đối trạm này, các tài xế đã nhiều lần dùng tiền lẻ qua trạm gây ùn tắc giao thông kéo dài buộc chủ đầu tư phải xả trạm nhiều lần rồi tạm ngưng cho đến nay. |